Một nền giáo dục hội nhập không thể thiếu ngoại ngữ

26/11/2014 07:14
Xuân Trung
(GDVN) - Tầm quan trọng của Ngoại ngữ trong hội nhập quốc tế ai cũng thừa nhận, nhưng nhận biết và hành động lại là một khoảng xa.

Việc ra đời cộng đồng học tập ngoại ngữ để giúp định hướng phong cách, hiệu quả học ngoại ngữ là yếu tố quan trọng. Việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay đang chuyển dần từ dạy như một môn khoa học sang dạy như một môn kỹ năng, từ sử dụng phương pháp truyền thống sang đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp.

Nâng cao tính thực hành ngoại ngữ ở trường phổ thông

Trao đổi về những giá trị của các hoạt động ngoại khóa trong việc giảng dạy ngoại ngữ ở phổ thông, thầy Nguyễn Thanh Công – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHQGHN cho biết, rất nhiều học sinh được hỏi lý do thi vào trường ngoại ngữ vì sẽ được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, như ở Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ có ra đời chương trình 10+. Thực tế, thông qua các hoạt động ngoại khóa học sinh được thể nghiệm những niềm yêu thích, đam mê của chính mình. 

Các câu lạc bộ hay những buổi meeting ngoại ngữ giới thiệu về các miền văn hóa sẽ giúp học sinh hiểu hơn về ngôn ngữ và nền văn hóa các nước mà mình yêu thích. Ở các trường phổ thông hiện nay, việc tổ chức các buổi ngoại khóa về ngoại ngữ còn giúp mỗi học sinh mở rộng tri thức, rèn luyện sức khỏe, mở rộng mối quan hệ với bạn bè, tạo nên sự tự tin, gắn bó với cộng đồng.

Một nền giáo dục hội nhập không thể thiếu ngoại ngữ ảnh 1

Ảnh minh họa.

Theo nghiên cứu của một nhóm giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên (Hoàng Thị Ngọc Điểm, Trần Thị Nhi, Phùng Văn Huy) về xây dựng mô hình mạng lưới cộng đồng dạy – học ngoại ngữ tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì yếu tố phối hợp giữa trường phổ thông để bồi dưỡng giáo viên là rất quan trọng.

Nhóm đã cho thử nghiệm tổ chức dạy mẫu ở 5 trường điển hình tại Thái Nguyên (Trường tiểu học Đội Cấn, Tiểu học Trưng Vương, Tiểu học Hoàng Văn Thụ, …)nhận thấy giáo viên đã nhận ra được tầm quan trọng trong việc dạy và học ngoại ngữ (theo tinh thần của Đề án Ngoại ngữ 2020). Cũng qua việc trực tiếp tiếp xúc với học sinh tại các trường điển hình này, giáo viên đã có cơ hội liên hệ thực tiễn về dạy tiếng Anh cho học sinh nhỏ tuổi.

Một nền giáo dục hội nhập không thể thiếu ngoại ngữ ảnh 2Bộ trưởng Trần Đại Quang nói về "tôn sư trọng đạo"

(GDVN) - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Đại tướng Trần Đại Quang Bộ trưởng Bộ Công an viết về nhà giáo và công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân

Cũng theo nhóm này, sau khi triển khai các hoạt động giảng dạy ngoại ngữ ở hơn 1.000 giáo viên như chuyển giao công nghệ dạy ngoại ngữ, mô hình phát triển trường thực hành, hỗ trợ nhân lực – tài nguyên dạy và học tiếng Anh, đã nhận được những phản hồi tích cực. Nhưng theo đánh giá, các hoạt động trên chưa mang tính hệ thống, chưa có quy mô lớn để đánh giá toàn diện, đáp ứng quá trình dạy học và học ngoại ngữ hiện nay.

Theo bà Vũ Thị Tú Anh (Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT) cho biết, việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam đang chuyển dần từ dạy ngoại ngữ như môn khoa học sang dạy như một môn kỹ năng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt lớn về  môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ, sự chưa sẵn sàng của nhiều giáo viên ngoại ngữ, sự chưa đồng đều trong các tổ chức dạy và học ngoại ngữ khác là không tránh khỏi.

Do đó, để cá thể hóa chiến lược học tập ngoại ngữ của người học là việc xây dựng một cộng đồng học tập ngoại ngữ, dựa trên những sự tương đông phổ biến về phong cách học. 

“Mô hình trại hè, giao lưu, trao đổi văn hóa và học thuật với lưu học sinh, tình nguyện viên nước ngoài và các kỳ thi Olympic ngoại ngữ…, cộng đồng học tập ngoại ngữ này tạo nên sự bổ sung cần thiết bên cạnh các cách thức tổ chức dạy học, góp phần chuyển mạnh từ việc dạy để biết sang hình thành các kỹ năng ngoại ngữ, nâng cao từng bước năng lực sử dụng ngoại ngữ của người dạy, người học” bà Tú Anh cho biết.

Suy nghĩ về một con số

Trong hơn 30 năm chúng ta dồn tâm lực phát triển tiếng Anh vào đời sống của người Việt, kết quả đã tạo ra một khối cộng đồng rộng lớn: Khối tiếng Anh trong trường học, khối tiếng Anh trong cán bộ, viên chức, khối tiếng Anh người đi du lịch, khối tiếng Anh cho thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư…

Nhưng ít ai biết được cộng đồng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh lớn là thế nhưng con số mà GS. Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) đưa ra khiến chúng ta phải suy ngẫm lại. 

Tỷ lệ “mười sáu phần trăm” số lượng học sinh phổ thông chọn thi môn tiếng Anh vào năm học 2013-2014 đã nói lên nhiều điều, theo GS. Hùng, đó là một kỷ niệm buồn.

Một nền giáo dục hội nhập không thể thiếu ngoại ngữ ảnh 3

GS. Nguyễn Quốc Hùng- nguyên Hiệu phó Trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội).

Vì sao sau hơn 30 năm phát triển, tiếng Anh lại có tới 84% học sinh không đủ can đảm, không tự tin để thi môn tiếng Anh, mặc dù những học sinh này ít nhất đã trải qua 7 năm đèn sách với tiếng Anh? Vấn đề nhìn nhận của GS. Nguyễn Quốc Hùng chuyên môn, và theo GS. Hùng trong quá trình đào tạo ngoại ngữ sẽ có 4 yếu tố quyết định tới chất lượng, đó là môi trường học tập, chương trình giáo trình, trò và thầy. 

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, tại sao họ đầu tư nhiều cho con đi học tiếng Anh mà con vẫn không nói được? GS. Hùng cho rằng, trẻ ngày nay được học 4 tiết/tuần, có thể đi học thêm hai buổi thứ bảy và chủ nhật, nhưng cuối cùng vẫn chỉ có 8 tiết/tuần (khoảng 4-5 giờ tiếng Anh). Trong khi đó trẻ có tới 84 giờ giao tiếp (mỗi ngày 12 giờ), tức là 4 giờ nói tiếng Anh và 80 giờ nói tiếng Việt, cộng với môi trường tiếng Việt xung quanh – đó là lý do cho câu hỏi trên.

Một nền giáo dục hội nhập không thể thiếu ngoại ngữ ảnh 4Giáo dục và câu chuyện “gãi từ vai trở xuống”

(GDVN) - Nhiều người đặt câu hỏi “tại sao nền giáo dục Việt Nam lại như vậy” nhưng chính họ lại rất ít có câu trả lời, thậm chí biết mà không dám trả lời.

Nhưng nhiều người cũng cho rằng, có thể do giáo trình khó dạy, học sinh khó học? GS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, giáo trình vô tội. Bởi, một quyển giáo trình tồi vào tay người thầy giỏi sẽ thành công cụ hữu hiệu, một giáo trình hay vào người thầy kém sẽ không thể phát huy được cái hay của nó.

GS. Nguyễn Quốc Hùng là một gương mặt rất quen thuộc trên truyền hình khi phụ trách chuyên mục “Học tiếng Anh” phát sóng trên VTV2. Qua 25 năm làm truyền hình, những câu hỏi của học sinh, của sinh viên và nhiều khán giả quan tâm vẫn chỉ là “Làm thế nào để học tiếng Anh hiệu quả? Làm thế nào để phát âm tốt? làm thế nào để nhớ được từ…”.

Những câu hỏi này thường là không tìm được ra đường đi, GS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, không nhìn ra đường đi thì phải đi mò, nghĩ thế nào làm thế ấy, học từ thì phải làm sổ từ, học nghe phải nghe đi nghe lại một bài rồi cố chép lại từng từ, học đọc cầm một bài đọc rồi dịch sang tiếng Việt, học viết tìm trên mạng một mẫu rồi thay thế. Và, quan trọng là phải tìm được đường đi cho riêng mình.

Tiếng Anh hiện đang được đưa vào giảng dạy từ lớp 3 đến đại học, và trong các cấp học phổ thông, đặc biệt là các thầy, cô giáo tiểu học thường có những cách tiếp cận chưa hợp lý. Theo GS. Hùng, các thầy cô giáo tiểu học thường dạy theo kinh nghiệm.

Các giáo viên được đào tạo ở các trường, khoa ngoại ngữ là những người được đào tạo để dạy người lớn nên cách tiếp cận đối với học sinh ít nhiều chưa hợp lý.

Trong Kỳ thi quốc gia tới, môn Ngoại ngữ đã nằm trong những môn thi bắt buộc. Theo GS. Nguyễn Quốc Hùng, nếu trong tổ hợp có chọn môn tiếng Anh thì về hình thức sẽ tạo ra độ mất cân bằng giữa yêu cầu cao về ngoại ngữ và sự “chưa sẵn sàng” của học sinh.

Xuân Trung