Quyền lực mềm Ấn Độ thành công tại Việt Nam

26/11/2014 10:56
Hồng Thủy
(GDVN) - New Delhi đang khai thác tối đa nguồn lực mềm của mình để tăng cường quan hệ với Việt Nam.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

The Diplomat ngày 25/11 đăng bài của Sadhavi Chauhan, chuyên gia nghiên cứu chiến lược quốc tế và an ninh, Viện nghiên cứu cao cấp Bangalore bình luận, kể từ khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi đã quyết tâm tạo ra thương hiệu cho quốc gia này bằng cách khai thác nguồn sức mạnh mềm. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi cuối tháng trước.

Hai nhà lãnh đạo Việt - Ấn đã ký kết 7 hiệp định hợp tác, nhưng không có gì ngạc nhiên khi phần lớn các phương tiện truyền thông chỉ tập trung vào các vấn đề hóc búa như Biển Đông, hợp tác quốc phòng, an ninh, năng lượng và thương mại. Rõ ràng những yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ Việt - Ấn, nhưng không ít hơn 5 trong 7 hiệp định ký kết lại tập trung vào các khía cạnh khác của quyền lực mềm.

Tôn giáo, giáo dục, tương tác truyền thông và hợp tác văn hóa là những nội dung quan trọng 2 bên tăng cường hợp tác trong chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là bằng chứng quan trọng cho thấy New Delhi đang khai thác tối đa nguồn lực mềm của mình để tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã đề cập đến sự cần thiết tăng cường đối thoại, mở rộng chế độ thị thực cho công dân của nhau và tăng cường kết nối trong khu vực. Trước đó, đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tìm cách tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa với việc tổ chức ngày hội Ấn Độ tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shashi Tharoor đã từng nói rằng, không phải kích thước của nền kinh tế hay quy mô quân đội, mà Ấn Độ muốn trở thành một cường quốc toàn cầu, New Delhi cần có "những câu chuyện tốt hơn". Để đánh giá sự thành công của "câu chuyện Ấn Độ" tại Việt Nam, cần phải nhìn vào các thành phần chính của quyền lực mềm Ấn Độ ở Việt Nam.

Quyền lực mềm này có thể được phân loại thành các yếu tố chính trị, tôn giáo, văn hóa, tương tác truyền thông, chia sẻ nguồn tài nguyên tri thức và du lịch. Nếu chỉ nhìn vào bề mặt thể chế chính trị của mỗi nước, ít người hình dung rằng Ấn Độ và Việt Nam lại có "sức hấp dẫn" đối với nhau như vậy.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiễn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra xe. Ảnh: SCMP.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiễn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra xe. Ảnh: SCMP.

Sức hấp dẫn của New Delhi đối với Việt Nam bắt nguồn từ những yếu tố đã từng bị các học giả xác định như một trở ngại trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ, đó là đa bản sắc. Ấn Độ đã có truyền thống hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam từ những năm 1970 với chủ trương chống thực dân và không liên kết. Chính sách hướng Đông của Ấn Độ tháng 8/2014 càng tăng cường quan hệ chính trị với Việt Nam.

Yếu tố tôn giáo đóng vai trò như một chất kết dính Ấn Độ với Việt Nam trong nhiều thập kỷ nay. Tương tác tôn giáo Ấn - Việt có thể được duy trì từ nền văn minh Chăm cổ đại và cho đến hiện tại, những mối quan hệ này tiếp tục giữ được ý nghĩa. Chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ về bảo tồn và phục hồi di sản thế giới Mỹ Sơn, một trong nhưng khu phức hợp đền thờ Hindu quan trọn nhất ở Đông Nam Á được xây dựng bởi các vương quốc Champa.

Phật giáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc Ấn Độ khai thác quyền lực mềm ở Việt Nam. Ngày nay Phật giáo được xác định là một trong 3 tôn giáo lớn của Việt Nam và chiếm gần 16,4% dân số. Với nền tảng này, Việt Nam và Ấn Độ ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập đại học Nalanda tại Rajgir một thánh địa của đạo Phật, với việc ký thỏa thuận này Việt Nam trở thành nước thứ 10 hỗ trợ dự án này.

Với một số dân di cư đến Việt Nam trong thế kỷ 19, Ấn Độ và Việt Nam cũng chia sẻ mối quan hệ văn hóa mạnh mẽ. Trong khi đó cộng đồng người Ấn Độ tại Việt Nam đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tương tác và hợp tác văn hóa. Một chương trình giao lưu văn hóa Việt - Ấn giai đoạn 2015 - 2017 cũng đã được ký kết khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm New Delhi.

Các phương tiện truyền thông cũng đã đóng vai trò quan trọng khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau giữa 2 nước. Những tháng gần đây Ấn Độ và Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm trong việc đa dạng hóa tương tác thông tin thông qua các cơ quan nghe nhìn tương ứng.

Về khoa học kỹ thuật, ngay từ năm 1997, Ấn Độ đã cung cấp chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị giúp Việt Nam thành lập Viện Nghiên cứu lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm Ấn Độ dành cho Việt Nam 150 suất học bổng khối kỹ thuật. Các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của Ấn Độ đã tạo ra hơn 80 thương hiệu ở Việt Nam.

Gần đây nhất, Việt Nam và Ấn Độ nhất trí thành lập trung tâm đào tạo công nghệ thông tin tại Học viện Quốc phòng Việt Nam. Và cuối tháng 11 này, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu một siêu máy tính từ Ấn Độ tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hồng Thủy