Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phớt lờ Bộ Giáo dục và Đào tạo?

26/11/2014 21:42
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không biết hay đang cố lờ đi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Bộ vi phạm pháp luật, ai sẽ xử?

Có thể nói Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã rất sáng suốt khi đề nghị phải đổi tên dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp tại một buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIII đồng tình.

Khi sửa luật, xuất hiện một điểm mới rất quan trọng là đưa Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng vốn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về hệ thống Giáo dục nhà nước để tạo ra sự thống nhất các trình độ đào tạo. Nội dung này được hầu hết các đại biểu quốc hội đồng tình, tạo điều kiện quản lý hệ thống và hội nhập tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc đưa thêm hai đối tượng vào phạm vi điều chỉnh của Luật mới thì cần lấy ý kiến của tất cả các đối tượng “tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản” như ghi tại điểm 2, Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc này đã không được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện nghiêm chỉnh. Chính vì thế, Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp kinh tế - kỹ thuật đã làm văn bản kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa trình Quốc hội dư thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp tại kỳ họp thứ 8 này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - bà Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: TTBC.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - bà Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: TTBC.

Nghiên cứ kỹ hơn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì quá trình đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi rất lớn đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, vi phạm không chỉ Điều 4 mà vi phạm cả Điều 33 về nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo. Điều 33 tại các khoản 1 và 2 quy định:

1. Tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án, dự thảo. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách có liên quan đến nội dung của dự án, dự thảo.

2. Tổ chức đánh giá tác động và xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dự thảo văn bản. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động phải nêu rõ các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp đối với từng vấn đề đó; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh, chi phí, lợi ích của các giải pháp.

Việc đưa Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng vào phạm vi điều chỉnh nhưng chưa có đánh giá, tổng kết thực tiễn việc thi hành chính sách pháp luật, cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cố tình quên các đối tượng Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng trong nhiều năm qua hoạt động thế nào? Thị trường lao động phản ánh ra sao về loại nhân lực này? Chính sách đầu tư phát triển cho Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng nhiều năm qua thế nào?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phớt lờ Bộ Giáo dục và Đào tạo? ảnh 2“Chưa đánh giá tác động, Quốc hội chưa thể thông qua luật”

Và như vậy, có thể đặt ra câu hỏi: Khi trình ra Quốc hội sửa Luật dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  cùng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đều lờ Bộ GDĐT là tổ chức hữu quan tổng kết đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng?

Thiết nghĩ cơ quan làm luật cao nhất của quốc gia rất cần chấp hành nghiêm chỉnh Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do chính Quốc hội phê chuẩn. Bất cứ dự thảo luật nào vi phạm nguyên tắc và các quy định của Luật này cần phải xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính khả thi của văn bản.

Mong rằng trước những bất cập nói trên, mỗi Đại biểu Quốc hội sẽ sáng suốt, nâng cao trách nhiệm của mình khi gánh vác trách nhiệm nặng nề mà cử tri gửi gắm, để cân nhắc thận trọng nhấn nút bỏ phiếu thông qua hay không thông qua. Quyết định của các Đại biểu Quốc hội có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của hàng triệu thanh niên nước nhà.

Quy hoạch mạng lưới dạy nghề yếu kém

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phớt lờ Bộ Giáo dục và Đào tạo? ảnh 3Điểm yếu trong dạy nghề: Hạn chế, thiếu hội nhập, chất lượng thấp

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dạy nghề và nay được Quốc hội cho ý kiến đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp là một trong số rất ít dự thảo luật bị mổ xẻ và chê trách nhiều ở Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng tại kỳ họp này.

Tại buổi thảo luận ở nghị trường, có tới 18/20 Đại biểu Quốc hội cho rằng nên giao phần việc này cho Bộ Giáo dục quản lý thống nhất, không tiếp tục giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trước kia khi thông qua Luật dạy nghề cũng đã vấp phải sự phản ứng của không ít đại biểu Quốc hội khóa XI, do nhiều nội dung mang tính áp đặt chủ quan, thiếu nghiên cứu tổng kết thực tiễn về giáo dục nghề nghiệp.

Việc đưa ra trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề mà không có bất cứ nghiên cứu nào từ thị trường lao động về vị trí việc làm của người tốt nghiệp, vấn đề trả lương, vấn đề về quy đổi trình độ 7 bậc thợ công nhân trước đây với Trung cấp nghề và Cao đẳng nghề là gì, đã là cách làm sai quy luật của thiết kế hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và gây ra nhiều rắc rối trong quy hoạch phát triển nhân lực, quy hoạch mạng lưới và công nhận các trình độ trong hội nhập quốc tế.

Hệ thống dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý những năm qua có rất nhiều yếu kém.
Hệ thống dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý những năm qua có rất nhiều yếu kém.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, Luật dạy nghề 2006 khi có hiệu lực sẽ phá vỡ tính hệ thống giáo dục và đào tạo, rõ nhất là sự vô lý khi có bằng Cao đẳng (Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp) lại có cả bằng Cao đẳng nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp), bằng Trung cấp (Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp) thì lại có thêm bằng Trung cấp nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp); đồng thời cơ quan quản lý ngành dọc từ hai bộ này bị chia cắt ra nhiều đầu mối từ trung ương đến địa phương. Mỗi Bộ có những tiêu chuẩn quản lý của riêng mình, làm cho quá trình phân luồng và liên thông tắc nghẽn do thiếu chuẩn thống nhất.

Việc quy hoạch nhân lực đã không thể làm hiệu quả được do sự mù mờ về định nghĩa trình độ dạy nghề và hệ quả là quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả do không phối hợp giữa cơ quan Bộ ngành chủ quản với chính quyền địa phương. Với yếu kém về tư duy hệ thống, dẫn đến sự chồng chéo lãng phí nguồn lực do trùng lặp về đầu tư, trùng lặp về ngành nghề đào tạo, tạo ra sự bất bình đẳng, khi hệ thống dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thì hệ thống Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng thuộc Bộ Giáo dục quản lý lại không được đầu tư đến nơi đến chốn.

Rất nhiều chuyên gia giáo dục như GS. Nguyễn Minh Đường, PGS. Nguyễn Viết Sự và các nhà quản lý khi ấy đều khuyến cáo Quốc hội XI nên xây dựng Luật GDNN để phù hợp với Luật giáo dục 2005, nhưng cuối cùng Quốc hội không chấp nhận.

Ngọc Quang