8 dấu hiệu khi ngủ nói lên sức khỏe của bạn

28/11/2014 11:20
Phạm Ngà
(GDVN) - Một số thói quen khi ngủ mà nhiều người cho là bình thường dưới đây lại có liên quan mật thiết với các căn bệnh nghiêm trọng. Hãy đọc và kiểm chứng!

Bạn ngủ quá nhiều, hay ngược lại, luôn trong tình trạng mất ngủ? Những trạng thái này lặp lại trong thời gian dài khiến sức khỏe đi xuống rõ rệt. 

Đừng bỏ qua, những dấu hiệu bất thường xảy ra khi ngủ có thể là dấu hiệu báo trước sự tấn công của bệnh tật.

Triệu chứng: Nếu không đặt đồng hồ báo thức, bạn ngủ liên tục trong 14 tiếng

Cảnh báo: Tuyến giáp có thể hoạt động kém hoặc bị nhiễm khuẩn

Hầu hết mọi người chỉ cần 7-9 giờ ngủ mỗi ngày để cảm thấy tỉnh táo. Nếu bạn thường xuyên ngủ quá 10 giờ mỗi ngày, hãy đến gặp bác  sĩ để kiểm tra sức khỏe.

Một nguyên nhân có thể do tuyến giáp suy giảm hoạt động, phần nhiều ảnh hưởng tới phụ nữ từ 60 tuổi trở lên.

Suy giáp ngấm ngầm gây tăng cân và mệt mỏi, đẩy bệnh nhân đến tình trạng lão hóa nhanh hơn.

Khi có dấu hiệu ngủ quá nhiều, hãy kiểm tra khả năng của tuyến giáp để điều chỉnh sự trao đổi chất trở lại cân bằng trong cơ thể.

Ngủ quên cũng có thể là phản ứng của cơ thể với nhiễm trùng tiềm ẩn. Trong trường hợp đó, hãy cố gắng rút bớt thời gian ngủ của bạn lại và trở về lịch sinh hoạt bình thường.

Triệu chứng: Bạn thức dậy và cảm thấy mệt mỏi mỗi sáng

Cảnh báo: Bạn có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc đang trầm cảm

Nếu bạn đã ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi khi thức dậy, có thể bạn đang gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ.

Đây là vấn đề về đường hô hấp trong khi ngủ, có ảnh hưởng đến 30 triệu người Mỹ mỗi năm.

Hiện tượng này sẽ làm giấc ngủ của bạn bị gián đoạn, bạn có thể thức dậy hàng chục, hàng trăm lần một đêm nhưng kì lạ là bạn sẽ chỉ nhớ 1-2 lần trong số đó.

Nếu bạn nghĩ rằng mình đang bị chứng này,  hãy nằm ngửa khi ngủ và để cơ thể thả lỏng nhất có thể. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn khi thức dậy.

Nếu cố gắng này vẫn không có tác dụng, bạn nên đến gặp bác sĩ và tìm hướng giải quyết. Đừng coi thường chứng bệnh này bởi có liên quan đến một số kết quả sức khỏe không mong muốn, đặc biệt là đau tim.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn – đó chính là bệnh trầm cảm hay những khủng hoảng về mặt tinh thần.

Vì vậy, nếu bạn vẫn có cảm giác “khô héo” sau một đêm ngủ đủ giấc, hãy cân nhắc xem đây có phải là một rối loạn về tâm trạng hay không  nó có thể là một rối loạn tâm trạng và tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị kịp thời.

Triệu chứng: Bạn luôn thức dậy lúc 5 giờ sáng dù ngủ vào giờ nào

Cảnh báo: Bạn  có thể bị rối loạn đồng hồ sinh học

Buồn ngủ là một phần trong nhịp sinh học. Nếu bạn thức dậy trước khi mặt trời mọc và không thể ngủ tiếp được nữa, có thể bạn đang mất đi cảm giác buồn ngủ.

Không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu bạn luôn dậy quá sớm, bạn có thể mắc chứng rối loạn sinh học gọi là hội chứng đi ngủ sớm.

Điều này cực kì ảnh hưởng đến các mối quan hệ bởi rất có thể, bạn sẽ đi ngủ trong khi tất cả mọi người còn đang ăn tối.

Sử dụng chất melatonin và hạn chế ánh sáng nhân tạo khi thức dậy là phương pháp điều trị hiệu quả cho các rối loạn nhịp sinh học.

Triệu chứng: Bạn không thể đi ngủ nếu không xem TV đến khuya

Cảnh báo:  Bạn đang lo lắng

Nếu bạn luôn xem TV hàng đêm và chỉ có thể rơi vào giấc ngủ trong khi TV còn bật, hãy cân nhắc điều này.

Các chương trình truyền hình có thể làm chệch hướng những cảm xúc lo lắng tạm thời, bởi vậy, dù có làm bạn phân tâm thì bạn cũng không thể không xem chúng để dễ dàng ngủ ngon.

Tuy nhiên, ánh sáng trên TV làm tăng kích thích tố căng thẳng của chúng ta, vì vậy các chuyên gia giấc ngủ khuyên nên tìm những phương pháp lành mạnh và có lợi hơn như ngồi thiền hay đọc tiểu thuyết.

Triệu chứng: Bạn tỉnh giấc và không thể ngủ tiếp

Cảnh báo: Bạn mắc hội chứng “Chân không nghỉ”

Nếu bạn thường gặp những cơn đau nhói, co kéo, tê dần ở chân khiến cơ thể khó chịu, buộc phải đứng dậy và đi lại, có thể bạn đã gặp phải một rối loạn thần kinh có tên Restless Legs Syndrome (Chân không nghỉ).

Hội chứng bắt nguồn từ sự bất thường trong thể dopamine - hóa chất trong não liên quan đến điều khiển động cơ và các tế bào thần kinh. Người bị sẽ có cảm giác khủng khiếp ở chân và chỉ tạm thời thuyên giảm khi có sự vận động.

Nó thường bắt đầu vào đầu buổi tối và lên cao vào nửa đêm khiến bạn không thể ngủ. Giống như ngưng thở khi ngủ, nó liên quan đến sự gia tăng các cơn đau tim và đột quỵ.

Thật may mắn, hội chứng này có thể dễ dàng kiểm soát nhờ vào việc uống thuốc theo toa.

Triệu chứng: Hay ăn vặt khi đang ngủ

Cảnh báo: Bạn bị mộng du hay chứng rối loạn hành vi trong khi ngủ (REM)

Những người bị mộng du có thể tỉnh dậy, ăn một bữa ăn nhẹ, sau đó đi bộ và quay trở lại giường mà không biết họ vừa làm những hành động đó. Điều này thực sự đáng sợ khi họ lái xe trong tình trạng vô thức.

Một mối nguy hiểm lớn hơn chính là chứng rối loạn hành vi khi ngủ. Người bị sẽ hành động đúng như những gì họ đang mơ, vì bộ não không thể điều khiển cơ bắp ngừng hoạt động.

Một số trường hợp đã nhảy qua cửa sổ, và chứng này thực sự là mối đe dọa đến tính mạng người bị.

Các bác sĩ cảnh báo việc lạm dụng thuốc chống trầm cảm có thể là nguyên nhân khởi phát 2 hiện tượng trên.

Ngoài ra, mộng du còn báo hiệu một vấn đề trầm trọng hơn, chính là sự kiểm soát của bộ não với cơ bắp đang gặp vấn đề. Đây thậm chí còn là một tín hiệu sớm của bệnh Parkinson .

2 hiện tượng này có thể được điều trị bằng Melatonin hoặc Clonazepam kê toa.

Triệu chứng: Đi tiểu nhiều lần trong đêm

Cảnh báo: Bạn có thể bị tiểu đường

Nếu bạn thức dậy đi tiểu nhiều hơn 1 lần mỗi đêm, bạn có thể đang mắc tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.

Đi tiểu thường xuyên là hệ quả của hàm lượng đường trong máu cao, khiến thận phải làm việc cường độ cao để hấp thụ và lọc đường dư thừa. Thận sau đó phải lọc nhiều chất lỏng và tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường.

Cũng có thể do trước khi  đi ngủ, bạn đã uống quá nhiều nước. Nhưng nếu tình trạng trên vẫn lặp đi lặp lại, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm bệnh tật.

Triệu chứng: Trở mình liên tục, tim đập mạnh và nhanh

Cảnh báo: tuyến giáp hoạt động quá mức

Có thể bạn đang sợ hãi khi vừa xem xong một bộ phim kinh dị, hay lo lắng cho buổi phỏng vấn ngày mai.

Nhưng nếu bạn thường xuyên mất ngủ, tim đập nhanh, và dễ bị kích thích, có thể bạn đang bị cường giáp, gây rối loạn giấc ngủ.

Hormone tuyến giáp được sản xuất quá nhiều khiến sự trao đổi chất trong cơ thể mất cân bằng, có thể gây sút cân nhanh chóng

Một khả năng khác là bạn đang bị bệnh Graves - một rối loạn miễn dịch gây bồn chồn và khó ngủ.

Phạm Ngà