Thông tấn Yonhap hôm 27/11 đưa tin, cuộc hội đàm gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc phái viên của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là tín hiệu cho thấy Moscow đã bắt đầu xem Bình Nhưỡng như một "nguồn đòn bẩy quan trọng" để tái khẳng định tầm ảnh hưởng của mình ở Đông Bắc Á.
Putin dưới áp lực của phương Tây về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã gặp gỡ Choe Ryong-hae, một quan chức hàng đầu trong đảng Lao động Triều Tiên và là người gần gũi với Kim Jong-un tại điện Kremlin vào tuần trước. Tổng thống Putin đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn nữa với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Đối với Triều Tiên, các mối quan hệ ấm áp hơn với Nga có thể cung cấp cho đất nước này một đối trọng chống lại ảnh hưởng chiếm ưu thế của Trung Quốc trong nền kinh tế suy tàn của mình khi quan hệ chính trị giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh vẫn còn căng thẳng, đặc biệt là sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên năm ngoái.
Nhưng sự thân mật ngày càng tăng giữa Bình Nhưỡng và Moscow có thể làm phức tạp những nỗ lực của Hàn Quốc và Mỹ để tăng cường áp lực đối buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
"Những nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với Moscow dường như chỉ ra rằng ba đối thủ lớn là Trung Quốc, Nga và Mỹ, bây giờ đang đi theo ba chiến lược riêng của mình trong quan hệ với Triều Tiên", Yonhap dẫn lời Đới Chí Cương - Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại tỉnh Hắc Long Giang nói trong một bài xã luận được đăng tải trên Thời báo Hoàn cầu cho biết.
"Nga rõ ràng cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của bán đảo này trong hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á và toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do đó muốn sử dụng Bình Nhưỡng để giúp củng cố an ninh, quyền lợi kinh tế và địa chính trị đang chuyển hướng về phía Đông của mình", chuyên gia Trung Quốc nói.
Đới Chí Cương cho rằng, Nga "đã chuyển mình từ một người quan sát đến một người tham gia trong các vấn đề Triều Tiên và đã bắt đầu xem quốc gia này như một nguồn quan trọng về đòn bẩy trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của mình thay vì chỉ đơn thuần là một gánh nặng."
Mối quan hệ giữa Triều Tiên với Nga trở nên xấu đi kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, ông Putin dường như đang củng cố quan hệ với Triều Tiên để tăng cường ảnh hưởng của Nga ở Đông Bắc Á tại thời điểm khi Mỹ và Liên minh châu Âu đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Moscow liên quan tới Ukraine.
Mỹ và Trung Quốc, hai đồng minh gần gũi nhất của Triều Tiên, vẫn còn nhiều khác biệt trong cách tiếp tục các cuộc đàm phán đa phương bị đình trệ nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Hàn Quốc và Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong gây sức ép lên lãnh đạo Triều Tiên để chứng minh cam kết phi hạt nhân hóa trước khi nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với quốc gia này. Những nỗ lực của Trung Quốc vẫn được coi là có sức ép nhiều hơn với Bình Nhưỡng.
Các cuộc đàm phán sáu bên, gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, đã bị đình trệ từ cuối năm 2008./.