ASEAN nên suy nghĩ kỹ khi ký hiệp ước hợp tác với Trung Quốc

29/11/2014 08:17
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh lợi dụng ASEAN để thực hiện mục tiêu bành trướng lãnh thổ đã quá rõ ràng, các quốc gia ASEAN nên suy nghĩ kỹ.
Thủ tướng Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN ở Naypyidaw, Myanmar đã đưa ra đề xuất chi 20 tỉ USD giúp ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời đưa ra hiệp định láng giềng thân thiện và hợp tác.
Thủ tướng Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN ở Naypyidaw, Myanmar đã đưa ra đề xuất chi 20 tỉ USD giúp ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời đưa ra hiệp định láng giềng thân thiện và hợp tác.

The Diplomat hôm 26/11 đăng bài phân tích của David Gitter từ đại học George Washington bình luận, khi Trung Quốc một lần nữa chìa ra hàng tỉ USD và thúc đẩy một hiệp ước thân thiện và hợp tác thì các nước ASEAN cần cân nhắc kỹ về những mục tiêu Bắc Kinh hy vọng đạt  được trong sự tương tác với khối trước khi đặt bút ký.

Trung Quốc đã duy trì một lợi điểm trong quan hệ với ASEAN từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1991, đó là hai yếu tố góp phần vào nhận thức tích cực của Bắc Kinh đối với hiệp hội bao gồm tính linh hoạt và không ràng buộc. Bắc Kinh đang muốn dựa vào 2 đặc điểm này để tìm kiếm sự hỗ trợ cho tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông.

Vì việc Trung Quốc muốn khai thác mối quan hệ để theo đuổi mục tiêu bành trướng lãnh thổ, ASEAN nên nghiêm túc xem xét có nên ký vào một thỏa thuận mơ hồ hay không trong khi nguồn lực ngoại giao có thể dùng cho những khuôn khổ khác tốt hơn.

Trung Quốc đã nhận thấy ASEAN là một đối tác ngoại giao thuận lợi, có phong cách ngoại giao "tương thích với Bắc Kinh" bởi cả hai bên đều có chính sách đối ngoại thiếu thực chất và đôi lúc mang tính tượng trưng. Mặt khác quan điểm của ASEAN dựa trên sự đồng thuận và không đối đầu để giải quyết các vấn đề khu vực đã trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của giới ngoại giao phương Tây muốn "đánh" Bắc Kinh.

Giống như ASEAN, chính sách đối ngoại của Trung Quốc tập trung vào hình thức nhiều hơn là về chất. Bắc Kinh thường tìm kiếm các hiệp định mơ hồ, khó thực thi, khuynh hướng này phản ánh ưu tiên đối nội của các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đặc điểm chính sách đối ngoại của ASEAN và Trung Quốc được thể hiện rõ nét nhất ở Biển Đông thông qua những thỏa thuận mơ hồ và rất dễ bị phá vỡ như Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) hay Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Trong khi đó Bắc Kinh rất thiếu nhiệt tình đàm phán ký kết Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Bắc Kinh thậm chí còn ít sáng kiến và kế hoạch cho Biển Đông hơn ASEAN hay các bên yêu sách khác, ví dụ như Đài Loan với sáng kiến Hòa bình trên biển Hoa Đông mà Đài Bắc tin là sẽ thành công nếu áp dụng ở Biển Đông.

Ngoài sở thích theo đuổi những thỏa thuận vô thưởng vô phạt như TAC hay DOC, Bắc Kinh thấy ASEAN chấp nhận khuôn khổ ngoại giao "cùng thắng" của mình có thể giúp Trung Quốc có thời gian từ từ củng cố tuyên bố chủ quyền (vô lý và phi pháp) ở Biển Đông, đổi lại Bắc Kinh sẽ "chìa ra" các lợi ích kinh tế cho khu vực.

Tuy nhiên nếu thông điệp của Bắc Kinh về cùng thịnh vượng và phát triển là củ cà rốt trong quan hệ với ASEAN thì cô lập kinh tế và cưỡng chế chính là cây gậy trong tay Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm (vô lý) rằng Biển Đông không phải vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc. Khi Philippines dám thách thức yêu sách của Trung Quốc, Bắc Kinh đã lập tức ra đòn kinh tế khiến lĩnh vực xuất khẩu nông sản và du lịch nước này lao đao.

Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cũng đã bỏ qua Philippines trong một loạt chuyến công du Đông Nam Á vào năm ngoái, nơi hai nhà lãnh đạo này ký một loạt hợp đồng kinh tế "béo bở" và thiết lập các mục tiêu thương mại đầy tham vọng. Gần đây nhất, chiến lược Con đường tơ lụa trên biển mới do Trung Quốc đề xướng cũng đã bỏ qua Philippiné.

Bây giờ ngay cả khi Lý Khắc Cường chìa ra 20 tỉ USD và cái gọi là hiệp ước láng giềng tốt và hợp tác thân thiện giữa Trung Quốc với ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua tại Naypyidaw, Myanmar vừa qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), xây dựng đường băng trên đá Chữ Thập.

Trong khi nỗ lực của Bắc Kinh lợi dụng ASEAN để thực hiện mục tiêu bành trướng lãnh thổ đã quá rõ ràng, các quốc gia ASEAN nên suy nghĩ kỹ càng trước khi đặt bút ký vào hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc. Cần nhớ rằng TAC, DOC đều không thể ngăn các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông nên có rất ít lý do tin rằng hiệp ước mới sẽ khuyến khích Trung Quốc kiềm chế bản thân.

Hồng Thủy