Hãy cùng điểm lại các đề xuất gây “bão” dư luận trong thời gian qua của các đại biểu quốc hội:
Cấm dịch vụ ngủ ôm trong sáng
Phát biểu trong buổi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng 10/11, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết, nhiều người vẫn quảng cáo trên mạng tuyển dụng nhân sự để làm việc cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ “ngủ ôm trong sáng”, thuê vợ thuê chồng...
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) - Ảnh: VNE |
Từ thực tế này, đại biểu Quốc Khánh đề nghị dịch vụ "ngủ ôm trong sáng" phải đưa vào danh mục cấm vì đó là nguyên nhân gây bi kịch cho nhiều gia đình.
Bình luận về đề xuất này, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói: “Tôi chưa từng sử dụng dịch vụ đó nên cũng không biết nếu đưa vào luật thì đưa thế nào? Nếu đại biểu đã có đề xuất như thế, các cơ quan liên quan cũng nên thảo luận, xem xét”.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh (Hà Nội) lại cho rằng đề xuất đó là hợp lý bởi như vậy sẽ đảm bảo thuần phong, mỹ tục của ta.
“Tuy nhiên, rất khó để xác định thế nào là ôm trong sáng. Giả sử có đưa vào luật đi chăng nữa thì trong thực tế có thể thực thi luật hay không đòi hỏi cả quá trình giám sát, kiểm tra thường xuyên.
Chưa kể, việc giám sát thực thi luật là điều đang thiếu, thậm chí yếu trong cả hệ thống luật pháp của ta. Do vậy tôi nghĩ việc cấm dịch vụ này chỉ mang tính chất phòng ngừa còn thực tế, khó đảm bảo việc thực thi luật”, ông Truyền nêu quan điểm.
Vị luật sư này cũng cho rằng rất khó để phân biệt dịch vụ ngủ ôm trong sáng và nạn mại dâm.
“Bản thân tôi cũng chưa sử dụng dịch vụ này bao giờ nên cũng chưa biết cách để phân biệt. Còn về hình thức xử lý, đã là hành vi cấm của pháp luật thì tùy mức độ mà xử lý. Nếu nhẹ có thể chỉ xử phạt hành chính, còn nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự. Với dịch vụ này, tôi nghĩ thường sẽ chỉ xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp”, ông Truyền nói thêm.
Không đặt tên xấu cho con
Đại biểu Nguyễn Thị Nhung |
Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch tại phiên họp Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Nguyễn Thị Nhung cho rằng, dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.
Bà Nhung dẫn chứng có những người đặt tên cho con theo tên nước ngoài hoặc tên gây mặc cảm như: Lê Văn Thật, Nguyễn Văn Lỳ; hoặc tên quá dài, gây phức tạp khi sử dụng, như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân.
Từ những phân tích trên, vị đại biểu quốc hội này đề nghị luật Hộ tịch cần quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho con phù hợp với văn hoá, tránh những cái tên xấu, quá dài, không thuần Việt.
Thế nhưng, bình luận về đề xuất này, trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói, đặt tên con như thế nào là quyền của các bậc phụ huynh, sao lại đề xuất quy định như thế?
Ông Thuyết nhấn mạnh: “Tôi nghĩ Quốc hội cũng chẳng rảnh rỗi để làm những việc như vậy. Nếu đó là chuyện ích nước, lợi dân thì còn đáng để đem ra bàn chứ chuyện đặt tên cho con thuộc quyền cá nhân, tôi nghĩ chẳng cần thiết phải ra quy định.
Tôi chẳng thấy những cái tên dài, phức tạp hay xấu gây ảnh hưởng gì tới việc quản lý nhân hộ khẩu cả. Đến người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam chúng ta còn quản lý được thì ba cái chuyện đó có nhằm nhò gì đâu?”,
Đại biểu quốc hội phải khám tâm thần
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa |
Đó cũng là đề xuất gây bão dư luận của Luật sư – đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. HCM).
Trong buổi thảo luận tổ chiều 5/11 về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tại nghị trường, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, người được giới thiệu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội cần có chứng nhận về sức khoẻ vì nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, nếu để người có vấn đề về thần kinh làm đại biểu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
“Khám sức khỏe để ứng cử ĐBQH không phải như khám để thi bằng lái xe. Tôi để nghị phải trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. Sau đó đạt chuẩn mới cho ứng cử” - đại biểu Nghĩa nói.
Mặc dù đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các đại biểu quốc hội khác, nhưng nó vẫn gây xôn xao dư luận bởi không dễ để luật hóa đề xuất này.