Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường lĩnh án phạt 19 năm tù…
Chiều 5/12, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường – Cựu giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường (có trụ sở tại Hà Nội) 14 năm tù về tội vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh và 5 năm tù về tội xâm phạm thi thể. Tổng cộng hình phạt là 19 năm tù. Bị cáo bị cấm hành nghề 5 năm sau khi thực hiện xong hình phạt tù.
Hành vi phạm tội của Tường đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội và gia đình nạn nhân, gây phẫn nộ trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người thầy thuốc và uy tín của ngành Y tế; Gây tổn thất, thiệt hại to lớn về tinh thần, vật chất đối với gia đình nạn nhân và cơ quan Nhà nước trong quá trình điều tra vụ án, tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Nguyễn Mạnh Tường (trái), Đào Quang Kháng (phải) tại phiên xét xử sơ thẩm hôm 5/12 |
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền số tiền 585 triệu đồng; Cấp dưỡng nuôi hai con của chị Huyền mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các cháu trưởng thành.
Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt Đào Quang Khánh - bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường mức án 24 tháng tù về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tổng hợp hình phạt 33 tháng tù giam. Tuy nhiên, bị cáo Khánh được xác định là có vai trò giúp sức có mức độ; hành vi trộm cắp tài sản thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, giá trị tài sản chiếm đoạt không lớn, đã được thu hồi. Khánh phạm tội khi chưa thành niên nên được tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Cũng tại phiên xét xử, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh gửi lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân, đồng thời mong Hội đồng xét xử xem xét có mức án phù hợp để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.
Gia đình nạn nhân xem xét kháng cáo
Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, các bên có liên quan đã đưa ra nhiều quan điểm trái chiều khi Hội đồng xét xử đưa ra mức án đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cùng đồng phạm…
Về phía đại diện gia đình nạn nhân, bà Nguyễn Thị Hiền (mẹ đẻ chị Huyền) cho rằng, việc cơ quan tố tụng không kết án Nguyễn Mạnh Tường về tội giết người là chưa thỏa đáng.
Bà Hiền đưa ra viện dẫn: “Lúc con tôi nguy kịch, Tường vẫn không đưa cháu đi cấp cứu. Con tôi không bị động kinh mà Tường lại tiêm thuốc động kinh, sau đó thản nhiên đưa bạn đi lễ chùa. Tường đã bỏ qua tất cả, không đưa con tôi đi cấp cứu. Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Mạnh Tường vẫn cố tình đưa ra lý lẽ để chối tội. Tuy nhiên theo quan điểm của gia đình tôi và luật sư thì trong vụ án này, rất nhiều bằng chứng, chứng minh Tường phạm tội giết người, nhưng không hiểu tại sao tòa án lại ra phán quyết như vậy?. Kể cả lời phát biểu cuối cùng của tại phiên tòa vẫn đề nghị xem xét Nguyễn Mạnh Tường về tội giết người”.
“Tôi đã tham khảo ý kiến luật sư, ngay cả khi quy trách nhiệm bị cáo Tường phạm tội giết người, có thể số năm tù mà bị cáo phải nhận sẽ ít hơn. Tuy nhiên, ai làm người nấy chịu, chúng tôi cần các cơ quan pháp luật xét xử công bằng, đúng người, đúng tội. Tôi đề nghị truy tố những nhân viên khác của thẩm mỹ viện Cát Tường vì đã che giấu, giúp đỡ Nguyễn Mạnh Tường thực hiện hành vi phạm tội”, Bà hiền bức xúc.
Bà Hiền đặt trường hợp: “Nếu không quy kết bị cáo Tường vào tội giết người thì khó mà quy trách nhiệm của các đối tượng có liên đới trong vụ việc. Như vậy, các đối tượng có liên quan sẽ không bị trả giá đích đáng trước hành vi của mình”.
Bà Nguyễn Thị Hiền (mẹ đẻ) chị Huyền cho rằng, một số phán quyết của tòa án là chưa thỏa đáng |
Từ những lập luận trên, mẹ đẻ nạn nhân đặt ra nghi vấn về cách xử lý vụ án của các cơ quan thực hiện tố tụng: “ Kết luận vụ việc còn chung chung, có biểu hiện giảm nhẹ hành vi phạm tội của Nguyễn Mạnh Tường. Tôi không hiểu tại sao, cả một hệ thống các cơ quan chuyên trách có trách nhiệm, với các trang thiết bị hiện đại như vậy mà không thể kết luận rõ ràng được cái chết của con tôi, để rồi cơ quan thực thi pháp luật không thể quy kết Tường vào tội giết người. Nếu các đối tượng không phạm tội giết người thì tại sao con tôi lại phải chết oan uổng như vậy? Ai chịu trách nhiệm trước cái chết của con gái tôi?”.
Nói về trường hợp của bị cáo Đào Quang Khánh, bà Hiền cho rằng, mức phạt đó là phù hợp và đủ tính răn đe đối tượng: “Khánh vẫn còn là đứa trẻ con, là người làm thuê cho thẩm mỹ viện Cát Tường, nên chúng tôi cũng không nặng nề với cháu. Cơ quan chức năng cũng nên mở cho cháu nó một con đường làm lại cuộc đời”.
Về mức đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân cho rằng chi phí được đưa ra là chưa thỏa đáng: “Mức đền bù như thế là thấp, bởi nếu mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng thì tiền học không đủ huống gì…”
Cũng theo bà Hiền, với những phán quyết chưa thỏa mãn từ phía cơ quan tố tụng, gia đình nạn nhân sẽ bàn thảo, xem xét kháng cáo vụ án: “Việc này chúng tôi cần thời gian bàn thảo với luật sư để đưa ra quyết định phù hợp trước những phán quyết chưa thỏa đáng của tòa án”, bà Huyền cho biết.
Đồng quan điểm với gia đình nạn nhân, Luật sư Vũ Gia Trưởng – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân bày tỏ quan điểm, nếu không tìm ra nguyên nhân cái chết của chị Huyền thì không thể kết tội hai bị cáo.
Luật sư Trưởng nói: "Tường là đối tượng gây ra cái chết của chị Huyền nhưng Viện kiểm sát truy tố đối tượng về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh là không đúng mà cần truy tố tội giết người".
Luật sư Trưởng viện dẫn: "Chủ thể của tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh phải là đối tượng đặc biệt hành nghề khám bệnh chữa bệnh cấp phát thuốc. Tường không phải những đối tượng đó vì chưa được nhà nước cấp phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh về phẫu thuật thẩm mỹ. Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng không phải cơ sở khám chữa bệnh vì không thỏa mãn các điều kiện thành lập, không có giấy phép hoạt động về phẫu thuật thẩm mỹ. Đây chỉ là một cơ sở chui, Tường là bác sĩ chui về phẫu thuật nâng ngực mà thôi. Hành vi phạm tội của Nguyễn Mạnh Tường trong vụ án này đã được thực hiện bởi lỗi cố ý", ông nhấn mạnh.