Uber taxi: Đừng say sưa giá rẻ mà vội quên hệ lụy

07/12/2014 08:20
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Dịch vụ taxi Uber có thật sự đáng được tung hê và giới chức Việt có đáng phải nhận “mưa bom bão đạn” khi thận trọng trước sự tồn tại của dịch vụ này?

Những ngày qua, trên khắp các diễn đàn, trên nhiều mặt báo, người ta say sưa bình luận về những cái ưu việt của dịch vụ taxi Uber, ra sức bảo vệ cho sự tồn tại của nó ở Việt Nam mà vội quên đi hoặc chưa lường trước được các hệ lụy có thể xảy đến.

Vô hình chung, giới chức Việt – những người làm luật, đặc biệt những người đứng đầu ngành giao thông nhận không ít gạch đá từ dư luận, thậm chí từ cả các chuyên gia kinh tế vì họ cho rằng ta lại đang mắc sai lầm với Uber trong việc “không quản được thì cấm” hay “không vì quyền lợi của người tiêu dùng”…

Đúng như một chuyên gia kinh tế từng nói: Việt Nam thường lạc hậu so với bạn bè quốc tế. Không khó để tìm thấy các dẫn chứng hùng hồn cho nhận định trên bởi từ xưa đến nay, không hiểu là vì khôn khéo hay “khiêm tốn” mà chúng ta luôn nhường các nước bạn đi trước một bước trong việc thử nghiệm, áp dụng cái mới, lạ.

Nhưng với Uber, xin khẳng định rằng mọi sự thận trọng không phải là thừa. Dù muốn hay không muốn, hiện Uber đã “thâm nhập” vào Việt Nam và đang gây bão dư luận. Vấn đề chỉ còn nằm ở khuôn khổ pháp lý mà người ta hay ví von là “vòng kim cô” để quản lý dịch vụ này và sự tỉnh táo, khôn ngoan của người tiêu dùng.

Với Uber, nghiện, tội phạm cũng có thể trở thành tài xế taxi

Dịch vụ taxi thông qua phần mềm ứng dụng Uber. (Ảnh: nypost.com)
Dịch vụ taxi thông qua phần mềm ứng dụng Uber. (Ảnh: nypost.com)

Công bằng mà nói, dịch vụ taxi Uber có nhiều ưu điểm vượt trội nhờ biết áp dụng công nghệ thông tin như kết nối được khách hàng với lái xe, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí đi lại từ việc chia sẻ lợi ích với người khác, tiết kiệm xăng, dầu, tận dụng được số phương tiện có sẵn đặc biệt là các xe nhàn rỗi trong xã hội, giảm bớt khí thải nhà kính, đỡ gây ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho người lái xe… Như vậy, có thể thấy Uber vừa mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, vừa có lợi cho xã hội.

Thế nhưng, hẳn không cần nói ai cũng có thể hình dung chuyện gì có thể xảy đến nếu chúng ta giao trọn tính mạng - tài sản vô giá cho một tài xế taxi là người nghiện ma túy, người mắc căn bệnh xã hội nào đó hoặc người từng có tiền án, tiền sử, thậm chí một lính mới đang học việc lái xe. Đáng lo ngại hơn cả là chúng ta – những “thượng đế” không hề biết điều đó và cũng chẳng có ai đứng ra che chở, bảo vệ ta khi có sự cố xảy đến.

Sẽ không có bất kỳ sự miệt thị, phân biệt đối xử nào ở đây, nhưng với các hãng taxi uy tín hiện hành, lý lịch của tài xế taxi là một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ. Để đảm bảo sự an toàn, hài lòng cho các thượng đế, ngoài khâu kiểm duyệt về chất lượng lái xe, kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nhiều hãng taxi còn tuyên bố chỉ tuyển những người không có tiền án, tiền sự, lý lịch rõ ràng, không mắc các bệnh xã hội, không nghiện ngập…

Còn với Uber, ai cũng có thể trở thành tài xế taxi bao gồm cả những đối tượng trên. Chỉ cần có một chiếc ô tô, trong lúc rảnh rỗi có thể mang xe ra kinh doanh với Uber. Cứ thu về cho hãng 100 đồng, Uber sẽ trả cho chủ xe 80 đồng, họ lấy 20 đồng bởi thực chất Uber không phải là một hãng kinh doanh mà chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm cho những người có xe ô tô – kể cả các công ty taxi.

Uber rẻ hơn vì trốn thuế, “ăn bớt” tính năng của đồng hồ xe?

Cơ quan chức năng xử lý xe kinh doanh dịch vụ “taxi Uber” mới đây (Ảnh: VNN)
Cơ quan chức năng xử lý xe kinh doanh dịch vụ “taxi Uber” mới đây (Ảnh: VNN)

Hiện nhiều hãng taxi lớn ở Việt Nam đều đang sử dụng loại đồng hồ tính cước tích hợp 5 tính năng ưu việt. Thứ nhất, nó được tích hợp kết nối GPS – hệ thống định vị toàn cầu - để kiểm soát doanh thu trực tuyến và có khả năng cập nhật địa chỉ đón, trả khách trên biên lai thu cước (tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng của đơn vị sử dụng).

Thứ hai, máy POS giúp khách hàng có thể thanh toán cước phí đi lại bằng mọi loại thẻ. Thứ ba, hệ thống call center – bộ đàm taxi giúp tài xế thuận lợi hơn trong việc liên lạc với tổng đài, khách hàng. Thứ tư, nó được  tích hợp máy in mini được thiết kế liền khối để in biên lai cước phí taxi và khách hàng có thể dùng hóa đơn cước phí làm căn cứ thanh toán cũng như kiểm soát hành trình và khiếu nại (nếu có), thậm chí tìm lại tài sản, đồ đạc đã để quên trên xe…

Cuối cùng, nó có thể phát tín hiệu cảnh báo khi tốc độ đến ngưỡng không an toàn, đồng thời đồng hồ sẽ dừng tính cước của quãng đường vượt quá tốc độ. Tất cả các lần vượt quá tốc độ sẽ được đồng hồ ghi và lưu trên bộ nhớ của thiết bị.

Với tính năng này, tài xế sẽ được nhắc nhở kịp thời khi vi phạm trong quá trình điều khiển phương tiện, khách hàng nhận biết và yêu cầu người lái xe điều chỉnh về ngưỡng an toàn, doanh nghiệp quản lý có thêm thông tin để giám sát, giáo dục và xử lý lái xe… góp phần đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, đồng hồ trên taxi Uber chỉ có 3/5 tính năng trên bao gồm GPS, máy POS và bộ đàm. Đó là một trong những lý do khiến taxi Uber có giá cước rẻ hơn các hãng taxi khác khoảng 20%.

Hơn nữa, trong khi các hãng taxi truyền thống đang chịu gánh nặng về thuế, phí thì Uber “trốn thuế” do luật pháp Việt Nam chưa hoàn thiện. Uber chỉ cung cấp phần mềm chứ không cung cấp xe. Đó là lý do chính giúp taxi Uber rẻ hơn tất cả.

Vì sao các hãng taxi Việt nói không với Uber?

Các hãng taxi Việt chưa "mặn mà" với Uber (Ảnh: Internet)
Các hãng taxi Việt chưa "mặn mà" với Uber (Ảnh: Internet)

Phân tích nguyên nhân Uber chưa phù hợp với thị trường Việt Nam ở thời điểm này, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Quốc Phi - Chánh Văn phòng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cho biết: “Trên thế giới, không phải nước nào cũng cho Uber tồn tại bởi thứ nhất, nó kinh doanh không công bằng. Thứ hai, ở nhiều nước, để tránh tình trạng tắc đường, họ hạn chế số lượng xe taxi. Nếu để Uber tồn tại, rất khó để kiểm soát số lượng xe taxi.

Thứ ba, luật đường bộ Việt Nam quy định, nếu xảy ra tai nạn khi đi taxi, hãng taxi phải đóng bảo hiểm, đền bù cho hành khách. Còn với taxi Uber, chưa chắc họ đã đóng bảo hiểm cho các thượng đế.

Chưa kể, ở nước ta, taxi là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Trước tiên, phải có công ty. Sau nữa, từng loại xe phải có phù hiệu, lái xe phải được huấn luyện, không bị các bệnh xã hội, nghiện ngập hay tiền án, tiền sự… Taxi Uber không có những điều trên và chúng ta hiện cũng chưa có hành lang pháp lý, đặc biệt về chính sách thuế, phí cho loại taxi này”.

Trong khi Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM Tạ Long Hỷ tuyên bố, trong vòng 1-2 năm tới sẽ ứng dụng công nghệ Uber vào hoạt động taxi, ông Hồ Phi lại cho rằng, các hãng taxi ở Việt Nam không ai dại “bắt tay” với Uber vì họ sẽ lấy mất 20% doanh thu của hãng. Chưa kể, Uber không phải chịu thuế vì việc đó.

“Muốn được hoạt động, các taxi ở Việt Nam phải được cấp phù hiệu mỗi năm, đến năm sau lại được cấp đổi. Mức phí cấp phù hiệu là 50.000 đồng/xe/năm. Cùng với đó, chúng tôi cũng phải đóng 380.000 đồng/xe taxi/tháng phí bảo trì đường bộ.

Trong khi những xe cá nhân có thể trở thành taxi Uber chỉ phải đóng 150.000 đồng/xe/tháng phí bảo trì đường bộ và không cần phù hiệu. Vậy thì lấy đâu ra cạnh tranh công bằng?”, ông Phi nhấn mạnh.

Thế nhưng, vị lãnh đạo của Tập đoàn Mai Linh khẳng định, chỉ cần công bằng về chính sách thuế, các hãng taxi ở Việt Nam sẽ không “sợ” khi cạnh tranh với taxi Uber.

“Đối với các hãng không có đầu tư dài hạn, họ sẽ lo khi dịch vụ taxi Uber được phép tồn tại ở Việt Nam.

Còn với các hãng taxi có đầu tư dài hạn, chỉ cần Nhà nước cho cạnh tranh công bằng, đặc biệt về chính sách thuế, sẽ không có gì đáng ngại cả dù rằng chúng tôi phải đầu tư về xe, về trụ sở, người quản lý, việc đóng bảo hiểm cho hành khách, chịu thiệt hại nếu xảy ra tai nạn hay khách mất đồ trên xe…

Trong khi đó, Uber chẳng phải lo mấy chuyện đó bởi họ chỉ cung cấp phần mềm và hưởng lợi từ phần mềm đó, còn các hệ lụy, “thượng đế” phải tự lo. Do vậy, muốn Uber hoạt động ở Việt Nam, trước hết phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, nhất là về chính sách thuế”, ông Phi khẳng định.

Những băn khoăn trên của ông Phi cũng chính là điều đang khiến tư lệnh ngành giao thông – Bộ trưởng Đinh La Thăng trăn trở. 

PHONG NGUYÊN