Vương Kỳ Sơn, thường vụ Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, "đội trưởng đội đả hổ" của Tập Cận Bình. |
Tờ Đa Chiều ngày 9/12 đưa tin, sau đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc chiến dịch chống tham nhũng thế như chẻ tre khiến Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương dưới quyền Vương Kỳ Sơn trở thành một cơ quan quyền lực được chú ý nhất Trung Quốc.
Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương nằm ở số 41 phố Bình An, Bắc Kinh, không có bảng tên đơn vị, không có băng rôn khẩu hiệu hay bất kỳ biểu tượng nào thường thấy như các cơ quan quyền lực nhà nước khác ở Trung Quốc càng làm cho nó trở nên bí hiểm, thu hút sự tò mò chú ý.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 4/9 vừa qua cơ quan đả hổ này đã mở cửa đón tiếp 50 học giả và cựu quan chức cấp cao đến từ 28 quốc gia trên thế giới đến thăm trụ sở của nó. Tất cả các nhân vật này đều là người có kiến thức về Trung Quốc và quan điểm chính trị thân Bắc Kinh.
Tờ Phoenix Weekly của Hồng Kông tường thuật lời Kerry Brown, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc từ đại học Sydney cho biết sau chuyến thăm: Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc có khoảng 1000 người, 23% là nữ. Với khối lượng công việc khổng lồ họ phải hoàn thành, người ta khó có thể tưởng tượng được đội quân đả hổ lại ít như vậy. Họ cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật các cấp.
Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, số 41 phố Bình An, Bắc Kinh. |
Kerry Brown được Phoenix Weekly tường thuật cảm tưởng về trụ sở của cơ quan đả hổ Trung Quốc cho biết, điều ngạc nhiên nhất đối với học giả này là trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương lại...giản dị đến thế! Văn phòng làm việc, quy trình công tác không khác gì các cơ quan nhà nước khác ở Trung Quốc.
Cùng đưa tin về hoạt động này, tờ Đại Công Báo có quan điểm thân Bắc Kinh khẳng định đội quân đả hổ đập ruồi của ông Tập Cận Bình có khoảng 1000 người là thông tin mật lần đầu tiên được công bố cho báo chí. Trước đó vào năm 2008 có tin cho rằng biên chế của cơ quan này khoảng 800 người, như vậy từ khi ông Sơn lên nắm quyền cơ quan này chỉ tăng thêm 200 nhân viên.
Sau hai lần cải cách cơ cấu, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đã tăng số phòng Kiểm sát từ 8 lên 12, mỗi phòng biên chế 30 nhân viên. Số nhân viên trực tiếp làm nghiệp vụ kiểm sát khoảng 100 người, đội quân giám sát chấp hành án lên tới gần 700 người, chiếm gần 70%, trong đó hơn 1 nửa thuộc quân số của 12 phòng Kiểm sát.
Trong chiến dịch đả hổ đập ruồi tập trung vào các quan chức cỡ "bự" như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn, đội quân đả hổ phải làm thêm giờ đã trở thành chuyện cơm bữa. Thậm chí từ hôm 26/11 vừa qua các phòng Kiểm sát của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đã phải làm "công tác tâm lý" cho lực lượng "chiến sĩ đả hổ" của mình.