Án tử hình – truyền thông và tư pháp

11/12/2014 07:08
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Uốn nắn các biểu hiện lệch lạc của truyền thông là không sai nhưng làm sao để phát huy sức mạnh của báo chí trong công cuộc phòng chống tội phạm, tham nhũng?

Vụ án liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải đã, đang và sẽ khiến giới luật sư, truyền thông và các cơ qua thực thi pháp luật mất nhiều thời gian và công sức tìm hiểu.

Bàn luận về các chứng cứ có tội hay vô tội của Hồ Duy Hải không phải là mục đích của bài viết này. Điều cần lý giải là vì sao có một số bản án được tuyên sau khi xử phúc thẩm vẫn phải xử lại, vì sao có không ít tội phạm nhận tội trước tòa nhưng sau đó lại kháng án?

Liệu đã đến lúc nên có cái nhìn “sòng phẳng” hơn về công tác điều tra xét xử song song với việc chú ý đến từng vụ án đơn lẻ? Cả ba nhánh quyền lực quốc gia: lập pháp, hành pháp và tư pháp đều không tách khỏi yếu tố con người: Người làm luật, người thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật và người/pháp nhân bị chi phối bởi các điều khoản của luật (bao gồm các tổ chức, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam và người/tổ chức nước ngoài có liên quan đến các pháp nhân có yếu tố Việt Nam…).

Án tử hình – truyền thông và tư pháp ảnh 1Mẹ của tử tù Hồ Duy Hải viết đơn kêu cứu lên Chủ tịch nước

(GDVN) - Bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của tử tù Hồ Duy Hải vừa được hoãn thi hành án đã có đơn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Cho đến nay, số lượng và quy mô các trường đào tạo trình độ Cao đẳng – Đại học thuộc khối Công an, Luật có thể nói là tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên gần 70 năm sau ngày tuyên ngôn độc lập, mãi đến ngày 24/04/2013 Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội mới được thành lập. Trong khi đó đề xuất thành lập Đại học Tòa án hoặc Học viện Tòa án nhận được không ít ý kiến phản đối.

Một trong các lý do phản đối là “nhiệm vụ đào tạo pháp luật, đào tạo nguồn lực để bổ nhiệm, tuyển dụng vào các chức danh tư pháp đã được nhà nước ta giao cho các trường đại học chuyên trách như: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa Luật của một số trường đại học khác, Học viện Tư pháp…”. [1]

Nhiệm vụ của Tòa án là xét xử trên cơ sở công tố của viện Kiểm sát. Nói nôm na, Tòa án giống như cơ quan trọng tài giữa Công tố và luật sư bào chữa. Các thẩm phán phải căn cứ vào tranh tụng trong phiên tòa giữa cơ quan giữ quyền công tố và luật sư bào chữa (hoặc tự bào chữa) mà đưa ra phán quyết nghi phạm có tội hay vô tội. Như vậy thẩm phán, hội thẩm và kiểm sát viên đều phải là những người nắm chắc pháp luật, nói cách khác ít nhất thẩm phán, kiểm sát viên phải có trình độ đại học về luật trước khi được bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp.

Có thể dự đoán Học viện Tòa án nếu được thành lập thì nhiều nội dung đào tạo sẽ trùng với nội dung bên trường luật, nhưng nếu giống như  Đại học Kiểm sát, sau khi tốt nghiệp các “cử nhân tòa án” được ưu tiên tuyển dụng thì cơ hội làm việc của cử nhân tốt nghiệp tại các trường Đại học Luật, Học viện Tư pháp sẽ bị thu hẹp nếu không nói là không còn cơ hội.

Loại trừ một số cá nhân có biểu hiện lệch lạc về nhân cách, có thể thấy sự yếu về chuyên môn của một số thẩm phán, kiểm sát viên một phần là do quy trình đào tạo, từ việc lựa chọn nhân sự đến nội dung, chương trình, sách giáo khoa và cơ cở vật chất.

Minh chứng cho nhận định này là số liệu được ĐH Kiểm sát Hà Nội công bố: “Hiện nay trường có 75 giảng viên thuộc biên chế của trường, trong đó có 09 tiến sĩ và 42 thạc sĩ luật, 04 người đang làm nghiên cứu sinh, 15 người đang học cao học. Trường có sáu khoa và năm 2014 chỉ tuyển sinh duy nhất ngành Luật với 300 chỉ tiêu”. [2]

Một trường ĐH công lập trong biên chế cơ hữu không có một giáo sư, phó giáo sư nào, chỉ có 9 tiến sĩ có đảm bảo quy định về đội ngũ giảng viên theo các điều khoản của Luật Giáo dục đại học? Trong khi đó “Từ khi thành lập trường đến nay, Trường Đại học Kiểm sát đã đào tạo cho các Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp 2.950 học viên trình độ trung cấp kiểm sát; 9.677 học viên trình độ cao đẳng kiểm sát; phối hợp đào tạo hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật cho gần 6000 học viên”. [2]

Ngôn từ trên trang thông tin điện tử của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có chỗ chưa rõ ràng, nó khiến người đọc phải hiểu là chỉ chưa đầy 2 năm (từ khi thành lập ĐH Kiểm sát, tháng 4/2013)  ĐH Kiểm sát đã phối hợp đào tạo hoàn chỉnh gần 6.000 cử nhân luật. Đúng ra phải viết “trong quá trình phát triển, cho đến khi thành lập ĐH Kiểm sát, nhà trường đã đào tạo được ...”. 

Án tử hình – truyền thông và tư pháp ảnh 2Quyền im lặng và trách nhiệm phải nói

(GDVN) - Quyền im lặng là quyền con người, là quyền tự làm chủ bản thân do đó nếu quyền im lặng của họ bị tước đoạt thì rất có thể họ cũng bị tước quyền được nói.

Nếu biết rằng theo nghị quyết 522e/NQ-UBTVQH13 của Quốc hội, toàn ngành kiểm sát chỉ có 10.424 kiểm sát viên các cấp, thế nhưng ngành này có gần 6.000 cử nhân tốt nghiệp theo kiểu “phối hợp đào tạo”, con số này đáng khen hay đáng lo? Liệu có thể khẳng định kiến thức của “các cử nhân phối hợp” này tương đương với “cử nhân chính quy” tốt nghiệp các ĐH luật?

Đối với ngành Tòa án, tình trạng liệu có tốt hơn bên Kiểm sát?

Chính vì việc đào tạo trong một thời gian dài có những bất cập nên đội ngũ kiểm sát viên, thẩm phán trình độ cao còn thiếu, chưa đáp ứng đòi hỏi của nền tư pháp nước nhà. Hơn nữa dù có thành lập ĐH Kiểm sát thì trình độ đại học mà trường này đào tạo lại vẫn là cử nhân luật. Liệu đây có phải là sự phân tán nguồn tài nguyên chất xám theo kiểu “chia ruộng” thời cải cách ruộng đất?

Nêu lên để thấy một phần nguyên nhân của những bất cập trong lĩnh vực tư pháp bắt nguồn từ “yếu tố lịch sử”, từ việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn trong suốt mấy chục năm qua. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác xin không đề cập trong khuôn khổ bài viết này.

Một khi chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp còn có những mặt hạn chế  thì việc tuyên một bản án tử hình khó có thể nói là tuyệt đối chính xác, vì vậy việc xem xét lại một số án tử hình đã tuyên là hết sức cần thiết.

Nhiều điều làm sai có thể sửa chữa nhưng không thể sửa người chết sống lại. Chính vì thế trên thế giới, tính tới ngày khai mạc Hội nghị thế giới bãi bỏ án tử hình lần 5 tại Madrid, Tây Ban Nha (12/6/2013) có tới 105 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình, 38 nước có án tử hình nhưng không thực thi trong hơn 10 năm qua. Chỉ còn 58 nước vẫn áp dụng án tử hình trong đó có Việt Nam. [3]

Nghị quyết số 49-NQ/TW ban hành ngày 2/6/2005 chỉ rõ mục đích của cải cách tư pháp: “Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”.

Giảm án tử hình, xem xét lại một số bản án tử hình đã tuyên thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, sự cẩn trọng trong thực thi pháp luật, đó là biểu hiện tích cực của các cơ quan tư pháp trước ý kiến của người dân và truyền thông, song không phải chỉ khi dư luận có ý kiến thì các cơ quan tư pháp mới dành thời gian xem xét. Nếu ông Nguyễn Thanh Chấn không có tình tiết gảm nhẹ để chịu mức án chung thân mà là án tử hình thì liệu ông có còn sống để chờ ngày được minh oan? Tuy thế có những án tử hình đã tuyên như trường hợp Lã Thị Kim Oanh thì không thấy truyền thông kêu oan hộ bị án bao giờ.

Án tử hình – truyền thông và tư pháp ảnh 3Khởi tố ông Phạm Tuấn Chiêm - chấm hết hay chỉ mới bắt đầu?

(GDVN) - Chủ tọa phiên tòa không thể ép các thẩm phán làm theo ý mình, vì vậy không thể nói hai thẩm phán còn lại là vô can trong bản án oan của ông Chấn.

Tiếng nói của truyền thông là vô cùng quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là chỉ ra những điều chưa hợp lý mà cơ quan tư pháp chưa hoặc không nhận thấy khi kết tội nghi phạm. Tuy nhiên nếu không tỉnh táo, nếu cứ “ném đá” theo phong trào thì có khi chính truyền thông lại phải nhận sự rủi ro không đáng có như chiến dịch  “ném đá” qua bài viết “Hà Nội đứng top 10 thế giới về nạn... móc túi”.  

Nghị quyết 49-NQ/TW cũng đưa ra định hướng: “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền…”. Tuy nhiên sử dụng hình phạt tiền đối với lĩnh vực truyền thông cũng nên cân nhắc, phạt làm sao để người bị phạt tâm phục, khẩu phục, để dư luận xã hội đồng tình với lý do và mức độ phạt mới là mục đích của người quản lý. Về điều này thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm đều biết nhưng không hiểu sao có lúc việc xử phạt vẫn khiến đối tượng bị phạt ấm ức, việc xử phạt nặng tính răn đe hơn là cảnh báo.

Uốn nắn các biểu hiện lệch lạc của truyền thông là không sai nhưng làm sao để phát huy sức mạnh của báo chí trong công cuộc phòng chống tội phạm mới là điều có ý nghĩa. Vượt quá giới hạn cần thiết có thể sẽ khiến một bộ phận truyền thông tránh né các chủ đề nhạy cảm, chuyển sang lĩnh vực “cướp, hiếp, sốc, sex” để câu view, để có tiền nuôi sống tờ báo và người viết báo. “Ném đá”  dù là của truyền thông hay của bất kỳ đối tượng nào cũng không phù hợp với tinh thần nghị quyết 49-NQ/TW của Trung ương, đó không phải chỉ là suy nghĩ của một hai người.

Trở lại vụ án Hồ Duy Hải, như ý kiến của thẩm phán Lê Quang Hùng, phó chánh án TAND tỉnh Long An: “Với lương tâm người làm thẩm phán, chỉ cần 0,01% căn cứ cũng sẽ xem xét. Nếu phát hiện những tình tiết mới thì TAND tối cao và Viện KSND tối cao sẽ xem xét tất cả để xử đúng người đúng tội, không để oan sai”.  

Án tử hình – truyền thông và tư pháp ảnh 4Ông Phạm Thế Duyệt bình luận lời xin lỗi của ông Trần Văn Truyền

(GDVN) - Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bình luận gì về lời xin lỗi và lời hứa của ông Trần Văn Truyền!

Trong vòng 01 tháng, cho đến 4/1/2015 cần phải tìm ra các chứng cứ mới về vụ án dường như là một câu đố với gia đình tử tù và truyền thông hơn là thể hiện sự quan tâm của thẩm phán Lê Quang Hùng đến việc xem xét lại bản án. Điều cần thiết để tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra là tòa án, viện kiểm sát cần làm các thủ tục để xử phúc thẩm lại bản án (giống như vụ “vườn mít”) chứ không phải cần “chứng cứ mới” để xử giám đốc thẩm. Liên quan đến mạng sống một con người, liên quan đến việc công lý được thực thi như thế nào không thể tính bằng thời gian một tháng, điều này ai cũng hiểu nhất là những người có trách nhiệm trong ngành Tư pháp lại càng hiểu.

Một khi đã xử lại phúc thẩm, thì nguyên tắc tối quan trọng là “bị can và luật sư bào chữa không cần tìm chứng cứ mới để biện hộ cho bị can vô tội mà chỉ cần chứng minh được, rằng các chứng cứ mà bên công tố đưa ra là không có giá trị buộc tội”.

Đối với truyền thông, thay vì tập trung vào “dấu vân tay, con dao, cái thớt” trong bản án phúc thẩm - những tình tiết được khẳng định là không mới, chỉ ra được những điều khoản cho phép hủy bản án phúc thẩm để xử lại mới là điều cần làm bởi vì chỉ khi đó, dù không tìm được các chứng cứ mới vẫn có thể  thay đổi phán quyết của tòa dựa vào các chứng cứ cũ.

Đối với tòa án, nếu các chứng cứ cũ là chưa thuyết phục thì kể cả hết thời hạn một tháng để đưa ra chứng cứ mới cũng vẫn nên xem xét lại bản án đã tuyên, đó chính là sự nhân văn trong thực thi pháp luật theo tinh thần nghị quyết của Đảng.

Câu nói “người khen đúng chỉ là bạn, người chê đúng mới là thầy” có ý khuyên người ta đừng ngại những lời chê phải nhưng cũng ngầm ý rằng người “được chê” không nên phiền lòng nếu lời chê đó là chân thành. Nghe lời “chê” là nghĩa vụ của cơ quan công quyền trước nhân dân, “chê” đúng là trách nhiệm mà truyền thông không thể thoái thác dù có khi phải mang hệ lụy về mình./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.luatnamlong.com/…/de-an-thanh-lap-hoc-vien-toa-a…

[2]http://tks.edu.vn/info/subcate/11_11_Qua-trinh-phat-trien-cua-Truong.html?TabId=GT&pos=1

[3]http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/124582/105-nuoc-da-bo-an-tu-hinh.html

XUÂN DƯƠNG