Hôm nay ‘siêu lừa’ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm hầu tòa phúc thẩm

15/12/2014 07:02
Thế Phú
(GDVN) - Hôm nay, ‘siêu lừa’ Huỳnh Thị Huyền Như hầu tòa phúc thẩm với cáo buộc liên quan đến tội danh ‘Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản’ và ‘Làm giả con dấu, tài liệu..."

Theo lịch xét xử, hôm nay (15/12), tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch, Ngân hàng Vietinbank – chi nhánh TP.HCM) và 22 đồng phạm bị cáo buộc đến 6 tội danh khác nhau.

Đặc biệt, bị cáo Huyền Như được xác định có vai trò là chủ mưu của vụ án này, bị truy tố với 2 tội danh ‘Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản’ và ‘Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức Nhà nước’.

Trước đó, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã tuyên án Huyền Như phải chịu tổng mức án là chung thân cho 2 tội danh nói trên. Cũng tại phiên tòa này, Chủ tọa đã bác hầu hết các yêu cầu của luật sư, khi cho rằng chính Vietinbank mới là đối tượng phải chịu trách nhiệm liên đới, đền bù thiệt hại số tiền gần 4.000 tỷ đồng mà Huyền Như và các đồng phạm đã chiếm đoạt.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, năm 2007, khi còn là cán bộ tín dụng của Vietinbank, Huyền Như đã đứng ra vay hơn 200 tỷ đồng để đầu tư vào kinh doanh bất động sản.

Do đầu tư, làm ăn kinh doanh thua lỗ, bất động sản lại không bán được, lại phải chịu lãi suất rất cao, nên Huyền Như đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Nhận thấy mình đã mất khả năng thanh toán nợ, nên để có tiền trả, trong vòng từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã lấy danh nghĩa là huy động vốn cho Vietinbank, nhưng lại tự đứng ra thảo luận lãi suất cho vay với các tổ chức, cá nhân.

'Siêu lừa' Huyền Như và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.
'Siêu lừa' Huyền Như và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.

Đồng thời, ‘siêu lừa’ Huyền Như còn làm giả 8 con dấu của Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè, 7 công ty và nhiều đơn vị khác để lập ra 110 hợp đồng tiền gửi, cùng với nhiều hồ sơ mở tài khoản, thẻ gửi tiết kiệm, nhằm rút tiền lừa đảo.

Tổng số tiền mà Huyền Như đã lừa của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân là gần 4.000 tỷ đồng. Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, cơ quan công tố TP.HCM đã có kháng nghị bản án, đề nghị tăng mức hình phạt đối với 2 bị cáo, vì cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên chưa phản ánh đúng mức độ vi phạm của các bị cáo này.

Ngoài ra, 60 bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng đã có đơn kháng cáo gửi tới tòa phúc thẩm, xin giảm nhẹ hình phạt hay trả lại tài sản.

Đối với Huỳnh Thị Huyền Như, bị cáo này không có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mà chỉ xin trả lại căn biệt thự tại Hội An, Quảng Nam. Huyền Như cho rằng, đây là tài sản của riêng mẹ Huyền Như, không liên quan đến vụ án này nên phải được trả lại.

Căn biệt thự này có giá trị 43 tỷ đồng, hiện đang do Indochina Resort (Hội An, Quảng Nam) quản lý.

Để đảm bảo thi hành án, hàng loạt các bất động sản, căn hộ cao cấp, sổ tiết kiệm, xe ô tô có giá trị của Huyền Như cũng đã bị kê biên.

Đây là một trong những vụ án được cho là có giá trị tài sản bị chiếm đoạt ‘khủng’ nhất từ trước tới này (gần 4.000 tỷ đồng). Chỉ tính riêng hồ sơ của vụ án này cũng đã nặng hơn 300kg.

Phiên tòa dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/12/2014.

Thế Phú