Hôm 15/12, truyền thông trong nước đưa tin, Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Văn hóa Thể thao và Du lịch...thông báo việc chính quyền thành phố Bằng Tường (Trung Quốc) đề nghị cấp phép cho 1.000 xe với khoảng 1.500 người vào du lịch tại Việt Nam và quá cảnh sang các nước ASEAN, nhân dịp hội chợ thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong tháng này.
Dự kiến, toàn bộ số xe này sẽ chia thành nhiều tuyến đi du lịch khắp Việt Nam, trong đó có những đoàn xuyên Việt từ Lạng Sơn đến Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, hoặc quá cảnh sang Lào, Campuchia.
Hàng loạt xe caravan được phía Trung Quốc đề nghị được đưa vào du lịch tại Việt Nam (ảnh: Dân trí) |
Về việc này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng họ không thể tự quyết được vấn đề mà cần xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan. Nếu các cơ quan thống nhất chủ trương cho xe Trung Quốc vào du lịch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc với phía Trung Quốc để lên phương án cho đoàn xe này di chuyển trên các tuyến đường.
Cũng theo thông tin từ phía Bộ Giao thông Vận tải, sau khi tiếp nhận được văn bản trên, Bộ Quốc phòng Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề nghị cấp phép cho xe Trung Quốc vào Việt Nam đi du lịch với số lượng lớn.
Dự kiến trong tuần này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trả lời cho thành phố Bằng Tường (Trung Quốc) về đề xuất trên.
Về việc này, nhiều cựu quan chức Việt Nam cho rằng, cần cảnh giác trước những động thái được cho là bất thường này từ phía Trung Quốc.
"Vấn đề này cần phải được nhìn nhận cụ thể, dựa trên góc độ luật pháp. Việc cho phép hay không cho phép số lượng lớn xe Trung Quốc vào Việt Nam du lịch còn phụ thuộc vào những quy định luật pháp hiện hành", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên tư lệnh Quân khu IV nhận định.
Cũng theo Tướng Thước: "Cái gì mà Bộ Quốc phòng đã lên tiếng thì chắc chắn họ đã nắm được về nguyên tắc về đảm bảo an ninh Quốc gia. Nếu luật pháp quy định không cho phép thì cứ thế mà làm".
Tướng Thước lưu ý rằng, trong tình hình giữa hai nước đang có những căng thẳng về tranh chấp biển đảo thì phải hết sức cảnh giác trước những động thái về kinh tế - chính trị từ phía Trung Quốc: "Hợp tác làm ăn kinh tế nhưng phải luôn luôn cảnh giác. Những vấn đề gì mà ảnh hưởng đến an ninh Quốc gia thì tôi kiên quyết phản đối, đặc biệt là những vấn đề có liên quan tới Trung Quốc"
Trước đó, dẫn nguồn tin trên tờ VnEconomy, vào tháng 8/2012, Việt Nam và Trung Quốc đã ký một hiệp định vận tải đường bộ giữa hai quốc gia. Theo đó, từ 22/8/2012 các xe khách và xe tải sẽ có thể chạy qua biên giới Việt - Trung trên một cung đường dài 1.300 km từ Hà Nội đến Thâm Quyến.
Hiệp định này đã nới lỏng những hạn chế đối với xe tải và xe khách chạy trên tuyến nối các vùng kinh tế chính của tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và 6 tỉnh của Việt Nam, bao gồm cả Lạng Sơn và Quảng Ninh, và hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng