Trong nhiều năm, muối vẫn bị buộc tội chính là nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp cao và có liên quan tới các ca đột quỵ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tờ Medical Journal của Anh (BMJ) mới đây cho biết: để điều trị cao huyết áp, nên tập trung vào việc giảm lượng đường gia tăng, chủ yếu là fructose chứ không phải là muối trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Đường có thể là tác nhân gây tăng huyết áp còn hơn cả natri – thành phần có trong muối.
Những bằng chứng khoa học nền tảng, những nghiên cứu về dân số cũng như thử nghiệm lâm sàng của cơ thể đối với đường (đặc biệt là đường fructose monosaccharide) đều chỉ ra những tác động tiêu cực và nghiêm trọng của đường đối với việc làm tăng huyết áp.
Các chuyên gia đến từ Cục dự phòng Tim mạch - Viện Tim Saint Luk (Mỹ) nói thêm: phương pháp giảm chỉ số huyết áp bằng cách cắt bỏ lượng muối hiện nay đang gây tranh cãi.
Họ cho rằng việc hạn chế lượng muối ăn chỉ có thể làm sụt giảm chỉ số huyết áp với mức độ tương đối thấp.
Một số nghiên cứu thậm chí còn đề nghị mỗi ngày nên ăn 3-6gr muối để đạt hiệu quả tối ưu cho sức khỏe, và tiêu thụ ít hơn 3gr muối có thể dẫn đến những biểu hiện tiêu cực đối với cơ thể.
Điều này có nghĩa ăn nhiều muối không có hại bằng ăn nhiều đường.
Các chuyên gia cũng khẳng định đường tự nhiên không ảnh hưởng nhiều, muốn giảm các bệnh tim mạch thì phải giảm tiêu thụ lượng đường từ thức uống có gas cũng như sản phẩm bánh kẹo công nghiệp.
Đường ngô là chất làm ngọt phổ biến nhất được sử dụng trong chế biến thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như nước ép trái cây có đường và soda, nước có gas.
Chế độ ăn uống thêm các loại đường bổ sung này sẽ làm chúng ta đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 3 lần so với những người tiêu thụ ít hoặc không dùng.
Những người tiêu thụ trên 74gr fructose một ngày sẽ có nguy cơ cao huyết áp lên tới 77% (huyết áp trên 160/110 mm Hg), gây nguy hiểm cho sức khỏe cũng như dễ dẫn tới đột quỵ.
Các bằng chứng còn cho thấy: đường nói chung, và đặc biệt là fructose, có thể góp phần vào nguy cơ tim mạch tổng thể thông qua một loạt các cơ chế.
“Trên thế giới, lượng đường được tiêu thụ trong nước giải khát có liên quan đến 180.000 ca tử vong mỗi năm”, các nhà nghiên cứu giải thích.
Theo một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, hơn 40% calo có nguồn gốc từ đường bổ sung được tìm thấy trong đồ uống có ga, và các loại nước ngọt khác.
Các tổ chức y tế cũng đã kêu gọi các bậc cha mẹ nên hạn chế nước trái cây, thức uống có ga và thực phẩm có chứa nhiều hàm lượng đường trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ.
Các chuyên gia cũng lo ngại rằng đường còn là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng sâu răng ở trẻ em, nguy cơ béo phì và còn có thể ảnh hưởng đến khả năng học hỏi.