Nga đã mất quyền kiểm soát nền kinh tế của mình và có thể bị buộc phải áp đặt kiểm soát ngoại hối theo kiểu Liên Xô sau "cú sốc và sợ hãi" do hành động của ngân hàng trung ương đưa ra tăng lãi suất cơ bản từ 10,5 lên 17%, nhưng không thể ngăn chặn sự sụp đổ của đồng rúp so với các ngoại tệ mạnh là USD và Euro.
Ảnh Telegraph. |
"Tình hình rất nghiêm trọng", Telegraph dẫn lời Phó chủ tịch ngân hàng trung ương Nga Sergei Shvetsov nói. "Những gì đang xảy ra giống như một cơn ác mộng mà chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được cách đây một năm".
Một phần của sự sụt giảm của đồng rúp hôm nay được cho là kết quả của sự sụt giảm giá dầu. Một thùng dầu thô Brent giảm xuống dưới mốc 60 USD/thùng, mức thấp kỷ lục kể từ năm 2009.
Giá dầu giảm đã khiến đồng rúp sụt giảm. Đồng rúp đã mất gần 50% so với đồng USD trong năm nay. Và nếu cả hai cùng tiếp tục giảm thì nền kinh tế Nga, trong trường hợp tồi tệ nhất, sẽ bước vào cuộc suy thoái tương tự như trong những năm 1980, tờ Guardian nhận định.
Giá dầu, đồng rúp tác động thế nào đến nền kinh tế Nga?
Theo BBC, động thái tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương Nga trong những ngày qua đã gây sửng sốt. Nhưng nó chỉ có tác dụng giúp đồng rúp đỡ mất giá tạm thời và làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư, bởi nguyên do dẫn tới sự tụt dốc không phanh này nằm ở bên ngoài.
Nguồn thu chính của Nga phụ thuộc rất lớn vào dầu khí. |
Giá dầu tiếp tục được đẩy xuống do nhu cầu yếu (chủ yếu từ Trung Quốc và châu Âu), OPEC không hành động, và Mỹ tăng sản lượng cao hơn. Mỹ hiện tăng sản xuất dầu hơn 65% so với năm trước sau sự bùng nổ trong sản xuất đá phiến sét, và đầu ra ở Iraq, Libya bị gián đoạn vì tình hình chính trị bất ổn.
Tính toán gần đây cho thấy, nước Nga cần giá dầu ở mức 105 USD/thùng mới đủ để ngân sách hòa vốn. Các nghiên cứu khác nhau cho biết, Nga sẽ mất khoảng 12-14 tỉ USD doanh thu mỗi năm khi mỗi một thùng dầu tụt giảm 10 USD.
Dầu khí chiếm khoảng một nửa thu nhập của chính phủ, và hơn 60% kim ngạch xuất khẩu (khoảng 530 tỉ USD) của cả nước. Do đó, sự sụt giảm giám dầu có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga.
Chi tiêu công cũng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ dầu khí. Nếu không có nguồn thu này, chính phủ sẽ tăng các khoản nợ của mình lên khoảng 10% một năm, theo số liệu của IMF.
Nợ nước ngoài của Nga lên tới 731 tỉ USD vào tháng 5/2014. 74% trong số này được tính bằng ngoại tệ, 35 tỉ USD nợ nước ngoài đến hạn thanh toán trong tháng 1/2015. Điều này có nghĩa là sự mất giá của đồng rúp làm cho Moscow tốn kém hơn khi trả nợ.
Nếu giá dầu không được cải thiện, lạm phát ở Nga sẽ gia tăng và dự báo nền kinh tế sẽ sụt giảm gần 5% trong năm tới, BBC cho biết.
Và biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ làm cho nền kinh tế Nga khó khăn hơn. Telegraph dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, Mỹ không có ý định giảm bớt áp lực lên Nga để ngăn chặn nền kinh tế nước này rơi tự do.
Mỹ đang thúc giục và kỳ vọng Tổng thống Barack Obama sẽ không phủ quyết "Đạo luật Hỗ trợ Ukraine Tự do" mà Quốc hội đã thông qua, trong đó cho phép cung cấp khoản viện trợ quân sự 350 triệu USD cho Kiev và tăng biện pháp trừng phạt các công ty năng lượng hàng đầu của Nga.
Tuy nhiên, Nga chưa phá sản. Nga vẫn còn 420 tỉ USD dự trữ, phần lớn số này là đồng USD.
Các kịch bản và giải pháp cho nền kinh tế Nga
Nếu tỷ giá đồng rúp với USD hạ xuống mức dưới 60 rúp/1 USD, lạm phát có tăng, nhưng chỉ đạt đỉnh 12-15% trong quý II năm 2015, GDP giảm khoảng 1-2%. |
Capital Economics cho rằng hiện nay có ba kịch bản có thể cho đồng rúp trong năm 2015.
Thứ nhất, nếu đồng rúp tiếp tục trượt giá (ở mức 70 rúp trở lên/1 USD), Nga sẽ đối mặt với tình trạng lạm phát lên đến 20% trong năm 2015, các doanh nghiệp sẽ chịu nhiều áp lực và có thể gây ra một chuỗi vợ nợ trong khu vực tư nhân hay thậm chí mở ra một cuộc khủng hoảng kinh tế. GDP có thể giảm đến 7,8% trong năm 2015.
Thứ hai, nếu rúp ổn định ở mức 65 rúp/1 USD, lạm phát sẽ ở mức 15-20% và có thể dẫn đến một số khó khăn, nhưng một cuộc khủng hoảng ngân hàng trên diện rộng sẽ khó có thể xảy ra. GDP sẽ giảm khoảng 2-5%.
Thứ ba, nếu tỷ giá đồng rúp với USD hạ xuống mức dưới 60 rúp/1 USD, lạm phát có tăng, nhưng chỉ đạt đỉnh 12-15% trong quý II năm 2015, GDP giảm khoảng 1-2%.
Để giảm thiểu tác động của giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Guardian đã gợi ý ba giải pháp thoát khỏi khủng hoảng kinh tế cho Nga.
Thứ nhất, Ngân hàng Trung ương Nga cần phải hỗ trợ đồng rúp. Từ đầu năm nay, họ đã bơm hơn 70 tỷ USD để làm điều này và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 100 tỉ USD trong cả năm nay.
Thứ hai, trực tiếp hỗ trợ trả nợ nước ngoài cho các công ty và tập đoàn lớn. Các công ty như Rosneft và VTB Bank cũng có thể yêu cầu các quỹ lớn hơn mức 90 tỉ USD của Quỹ phúc lợi quốc gia, một quỹ đầu tư được thiết kế để hỗ trợ các công ty trong lúc khó khăn.
Thứ ba, việc áp đặt lệnh trừng phạt từ cả Mỹ và EU đang đẩy Nga tiến về phía Đông. Nhưng Guardian cảnh báo Moscow không quá ảo tưởng vào biện pháp này bởi kế hoạch hợp tác bán khí cho Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là không khả thi, trong khi trong quan hệ với Trung Quốc, Nga không phải là mạnh nhất về kinh tế./.