Giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, vì sao trong nước vẫn chưa giảm?

18/12/2014 10:40
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Minh Phong, chính sách điều hành giá xăng dầu hiện nay đơn giản, thô sơ khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chịu thiệt.

Giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục giảm sâu, theo quy luật của thị trường cũng như quy định kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên mức giảm là bao nhiêu? Và việc cứng nhắc trong thời gian điều chỉnh giá xăng dầu như hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến thị trường?

Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong đã có những phân tích dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế độc lập...

Giá xăng dầu trong nước giảm chưa tương xứng với thế giới

Trên thế giới, theo thống kê giá dầu hiện nay chỉ bằng chưa đến một nửa so với 6 tháng trước. Chốt phiên giao dịch 15/12, giá dầu WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex hạ 1,9 USD tương đương 3,3% còn 55,91 USD/thùng – thấp nhất kể từ tháng 5/2009. So với cuối 2013 giá dầu WTI hiện giảm 43%. 

Trong nước, mặc dù sau 12 lần điều chỉnh giảm, hiện giá xăng dầu đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu trong nước giảm vẫn chưa tương tương xứng với mức giảm trên thị trường thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm điều chỉnh giá xăng dầu để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy kinh tế vi mô trong ngắn hạn.

Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều chịu thiệt vì chính sách điều hành giá hiện nay
Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều chịu thiệt vì chính sách điều hành giá hiện nay

Nhận định giá mặt hàng xăng dầu hiện nay, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định:  Giá xăng dầu trong nước đã giảm nhưng mức giảm vẫn thấp. Cụ thể giá xăng dầu hiện nay dù giảm song song với xu hướng giảm của giá thế giới tuy nhiên mức độ giảm chưa tương xứng. Cụ thể so với giá dầu thời điểm chưa có biết động giá dầu thế giới đã giảm đến 30% trong khi giá dầu trong nước sau 11 lần điều chỉnh chỉ giảm 20%. 

Theo đó, nguyên nhân giá xăng dầu trong nước giảm chưa tương xứng do trong giá xăng của chúng ta phải bù các thuế, vì vậy tỉ lệ giảm giá không tương đương. Hơn nữa có lợi ích nhóm trong điều hành giá xăng dầu.

Một bất cập khác quy định điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay là 15 ngày tốt hơn 30 ngày so với trước đây. Tuy nhiên TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, quy định cứng nhắc khoảng thời gian điều chỉnh giá như hiện nay là gây bất lợi cho doanh nghiệp xăng dầu. Cụ thể, với diễn biến thị trường giá giảm liên tục nhưng quy định doanh nghiệp tích trữ 15 ngày, tức là doanh nghiệp phải mua từ trước đó với giá cao nhưng khi điều chỉnh giá thấp, doanh nghiệp không được phép ngưng bán, dù biết rằng nếu bán doanh nghiệp sẽ lỗ.

“Nghị định 84 cũng như quản lý của mình vẫn rất đơn giản, thô sơ khiến cho doanh nghiệp kiểu gì cũng “chết” kể cả giá lên cũng như giá xuống. Việc bắt chặt thời gian 15 ngày cả dự trữ cả kinh doanh là khá mù mờ. Theo tôi để đảm bảo an ninh trong bối cảnh chưa tách ra (đáng nhẽ phải có quỹ dự trữ năng lượng quốc gia do chính phủ quản lý chứ không phải doanh nghiệp làm), thì cần phải phân ra theo tỷ lệ thị phần, cụ thể cần quy định mỗi doanh nghiệp có một lượng cứng xăng dầu dự trữ là bao nhiêu và số đó phải chốt lại. Còn việc giá xăng dầu tăng hay giảm như thế nào do nhà nước điều chỉnh để doanh nghiệp không lỗ, không kêu”, TS Phong cho biết. 

Cách làm như vậy sẽ khách quan, còn lại lỗ lãi doanh nghiệp phải chịu. Tránh tình trạng doanh nghiệp kêu lỗ để chủ động xin tăng giá mỗi khi thị trường thế giới biến động tăng. Ngược lại khi giá thế giới giảm, chưa một lần, doanh nghiệp đề xuất xin giảm giá bán lẻ theo.

Để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường, quỹ bình ổn giá xăng dầu ra đời. Tuy nhiên TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu không có ý nghĩa gì thậm chí nó còn làm tăng chi phí xăng dầu, tăng giá bán làm nhiễu cả thị trường. 

“Khi giá xăng tăng lên lúc thì một phần giá trị phải nộp vào quỹ, lúc giá xăng giảm thì bán ra không đúng thị trường. Xét cả về mặt kinh tế, cả thị trường và bình ổn cũng không có tác dụng, không có lợi. Vì vậy theo tôi phải bỏ còn nếu chưa bỏ được phải điều chỉnh để xử lý bình ổn quốc gia cho phù hợp”, ông Phong nói.

Chia sẻ với hụt thu ngân sách

Trong khi giá xăng trên thị trường thế giới giảm sâu, người tiêu dùng chưa kịp mừng vì giá xăng dầu trong nước có cơ hội giảm theo thì Bộ Tài chính lại có quyết định điều chỉnh giá mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng tăng 9%, từ 18% lên 27%; thuế nhập khẩu dầu diezel tăng 9%, từ 14% lên 23%; thuế nhập khẩu dầu hỏa tăng 10%, từ 16% lên 26%.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu có 2 tác động cả tích cực nhưng cũng khá nhạy cảm bởi sẽ ảnh hưởng ngay đến quyền lợi của người tiêu dùng.

“Trong bối cảnh ngân sách đang hụt thu, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phải tính toán, thời gian qua chúng ra thực hiện một loạt biện pháp như chống thất thu thuế chống trượt giá, tăng thu một số khoản thu đặc biệt rượu, bia, thuốc lá… Do vậy việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu được xem là cách để tăng thu ngân sách”, TS Phong cho biết.

Tuy nhiên vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ rõ việc đề nghị tăng thuế nhập khẩu xăng dầu xuất phát từ vấn đề cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể doanh nghiệp nhập xăng dầu đủ 15 ngày trước (nhập giá xăng cao nhưng thuế thấp) đề nghị tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để doanh nghiệp khác hạn chế nhập mới vì dù nhập mới với số lượng lớn lợi thế giá xăng thấp nhưng chịu thuế cao hơn. Tính tỷ lệ thì giá xăng dầu và lợi nhuận tương đương nhau.

Đề xuất này của doanh nghiệp được chấp nhận ngay khi giúp tăng thu ngân sách trong cả việc nhập khẩu xăng và bán lẻ xăng.

Tuy tăng ngân sách nhưng sẽ ảnh hưởng quyền lợi tiêu dùng, về vấn đề này theo ông Phong điều quan trọng dù người tiêu dùng chịu thiệt nhưng tiền chảy vào ngân sách không chảy vào túi doanh nghiệp. Trong lúc ngân sách hụt thu đây là cách người tiêu dùng chia sẻ với nhà nước.

“Tăng thuế nhập khẩu khiến giá xăng không giảm như mong đọi, trong bối cảnh nguồn thu hụt việc giữ giá làm tăng ngân sách vì lợi ích chung của quốc gia, còn doanh nghiệp không được lợi. Người tiêu dùng chia sẻ với nhà nước”, TS Phong cho biết.

Về diễn biến thị trường xăng dầu trong thời gian tới, theo TS Nguyễn Minh Phong giá xăng dầu sắp tới sẽ không giảm nữa. Vài ba tháng nữa sẽ tăng trở lại vì nếu giá xăng dầu giảm không nước nào được lợi, Mỹ cũng bị thiệt. Nguyên tắc chung khi không có lợi giá sẽ tăng trở lại nhất là khi các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn giảm năng suất khai thác, tạo nguồn khan trên thị trường.

Mai Anh