Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Đa Chiều ngày 17/12 đưa tin, trong khi giá dầu tiếp tục giảm sâu, đồng rúp lao dốc không phanh đến mức 80 rúp mới đổi được 1 USD, thị trường giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới Forex hôm 16/12 công bố từ 8 giờ sáng hôm qua 17/12 ngừng giao dịch đồng rúp. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đứng trước một trong những thách thức lớn nhất sự nghiệp chính trị của mình.
Trong khi đó hôm 15/12 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì hội nghị các nhà lãnh đạo thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải đã gợi ý, Bắc Kinh chuẩn bị cung cấp tài chính hỗ trợ các quốc gia thành viên đối phó với suy thoái kinh tế và thúc đẩy hoạt động sản xuất. Mặc dù không điểm mặt chỉ tên rõ ràng, nhưng đối tượng Trung Quốc muốn "giúp đỡ" ở đây ngoài Nga ra không còn ai khác.
Đồng rúp lao đốc không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động làm ăn của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Nga mà còn tạo thành mối uy hiếp rất lớn về địa chính trị với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ sẽ phải ra tay tương trợ Moscow đang trong cơn nguy khốn. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa rót tiền vì chưa thấy Nga mở lời nhờ vả hay cầu cứu.
Bên lề hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải, hôm 15/12 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có cuộc hội đàm với ông Lý Khắc Cường. Hai nhà lãnh đạo không đả động gì đến giá dầu hay đồng rúp lao dốc, mà chỉ bàn chuyện thúc đẩy hợp tác song phương tại vùng Viễn Đông của Nga. Medvedev đã không phản ứng gì trước gợi ý giúp đỡ mà Lý Khắc Cường đưa ra trong hội nghị, vì vậy giới quan sát cho rằng không phải Trung Quốc không cứu, mà vấn đề là Nga không cầu cứu.
Theo Đa Chiều, mặc dù Nga đang phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng từ đồng rúp lao dốc và cũng đang rất khát tiền, cần được ứng cứu, nhưng trong lúc đang phải đối phó với áp lực ngày càng tăng từ phương Tây, Putin không muốn Nga vì chuyện này mà trở nên lệ thuộc vào Trung Quốc Đối tác chiến lược toàn diện mà Nga ký với Trung Quốc đã cho thấy Moscow cực kỳ cảnh giác với Bắc Kinh.
Lý Khắc Cường gợi ý cho vay, Medvedev không mở lời nhờ vả. |
Nếu Mỹ và phương Tây là đối thủ công khai của Nga mà ai cũng nhìn thấy, thì theo Đa Chiều, Trung Quốc chính là một đối thủ "giấu mặt và nguy hiểm" của Moscow. Chính Trung Quốc đã tranh đoạt ảnh hưởng địa chính trị với Nga mạnh hơn cả Mỹ và châu Âu ở Trung Đông và Đông Âu hiện nay. Chính sách "một vành đai một con đường" của Trung Quốc bao gồm khu vực Trung Á, Trung và Đông Âu có những bộ phận trùng với chiến lược Âu - Á của Putin.
Putin vốn định vào ngày 1/1/2015 tới đây sẽ khởi động toàn diện liên minh Kinh tế Âu - Á bao gồm Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia nhằm khôi phục phạm vi ảnh hưởng từ thời Liên Xô. Nhưng năm ngoái Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm một loạt các nước Trung, Đông Âu và ông Cường lại vừa quay trở lại các nước này và bàn về việc "giúp đỡ thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải" vượt qua thách thức. Sự nhòm ngó của Trung Nam Hải đến địa bàn Trung và Đông Âu đang khiến Kremlin đứng ngồi không yên.
Hiện tại cạnh tranh Trung - Nga trong lĩnh vực năng lượng ở Trung Á đang ngày càng khốc liệt. Bắc Kinh muốn mở rộng hợp tác năng lượng với khu vực Trung Á, Trung và Đông Âu và đang bị Moscow kiềm chế. Chính sách của 2 nước với các quốc gia Trung Á cũng ngược nhau, trong khi Nga xem đây là sân sau của mình và nhiều lần can thiệp thì Bắc Kinh duy trì chính sách quyến rũ không can thiệp khiến một số nước đang có xu thế ngả theo Trung Quốc.
Khi sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng, trục quan hệ Trung - Mỹ cũng dần thay đổi. Từ chỗ Mỹ mất quyền chủ động trong vấn đề Đài Loan đến chỗ ngày càng cẩn thận hơn trong vấn đề Tây Tạng, Mỹ ngày càng tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng đồng rúp lần này, Nga đã rút được bài học về ngoại giao độc lập với châu Âu, đồng thời cũng hiểu rõ và tỉnh táo hơn về chiến lược của Trung Quốc đối với người Mỹ.
Putin vừa cần thể hiện thực lực trước Mỹ và phương Tây, vừa cần giữ uy với Trung Quốc và khẳng định sự tồn tại, vị thế của mình trước Bắc Kinh. Hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Nga với Việt Nam và Ấn Độ hay động thái cụ thể tàu chiến Nga tiến vào Biển Đông tập trận bắn đạn thật trong thời gian Putin đang ở Bắc Kinh tham dự hội nghị APEC là nhằm thể hiện thái độ với Trung Nam Hải.
Đa Chiều cho rằng Putin đã phải "nuốt trái đắng" trong hợp đồng khí đốt ký với Tập Cận Bình. |
Đa Chiều cho rằng, trong chuyến đi Bắc Kinh dự APEC, Putin phải "cắn răng" ký hợp đồng bán cho Trung Quốc một loạt vũ khí chiến lược như 24 chiếc Su-35, có khả năng Nga còn phải bán cho Trung Quốc 4 chiếc tàu ngầm lớp Amur, tên lửa phòng không S-400, máy bay vận tải IL476 cùng một loạt động cơ AL-31N, F-117S và D-32KP chỉ để nhằm ký được với Trung Quốc hợp đồng cung cấp khí đốt 30 năm trị giá 400 tỉ USD trước đó, nhưng giá cả lại tính theo thị trường từng thời điểm.
Putin không muốn lệ thuộc Trung Quốc đã đành, nhưng ngay cả khi cầu viện Bắc Kinh thì cái được chưa chắc bù nổi cái mất. Cầu viện Trung Nam Hải chẳng thà mở rộng quan hệ ngoại giao tìm đường khác, đó là lý do tại sao Dmitry Medvedev không đả động gì đến gợi ý "giúp đỡ" của Lý Khắc Cường.
Mặt khác, ảnh hưởng của đồng rúp lao dốc đối với đời sống người dân Nga theo Đa Chiều là có hạn chế nhất định. Hiện tại tình hình trong nước Nga vẫn ổn định, không vì chuyện đồng rúp sụt giá mà dẫn đến biểu tình hay nổ ra cách mạng màu sắc. Tỉ lệ ủng hộ Putin hiện nay vẫn ở ngưỡng 70%. Mặc dù thực tế đồng rúp đã sụp đổ, nhưng Moscow không vì thế mà hỗn loạn. Người dân Nga đã quen với những chuyện này, kể từ năm 1998 trở lại đây đồng rúp đã nhiều lần tụt giá.
Tổng thống Putin luôn tỏ ra là người đàn ông mạnh mẽ và chính điều này đã tạo nên thiện cảm và sức hút của ông với người dân Nga. Nếu giờ Putin quay sang cầu viện Trung Quốc, cái uy của ông không còn. Trừ tình huống vạn bất đắc dĩ, Putin sẽ không bao giờ mở miệng nhờ Trung Nam Hải cứu.
Hơn nữa hiện tại Nga cũng đang nỗ lực ban hành các chính sách mới giải cứu đồng rúp. Đầu tháng này Putin đã tuyên bố trong thông điệp liên bang, Nga quyết không để tỉ giá đồng rúp trở thành đối tượng đầu cơ tài chính. Đã đến lúc Moscow sờ gáy nhóm đầu cơ này.