Thảo luận về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động, nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm đặt biệt tới các quy định về chính sách an toàn lao động cho người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động và quy định về thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động được nhiều đại biểu góp ý.
Đá số Đại biểu Quốc hội nhất trí việc cần thiết ban hành Luật an toàn vệ sinh lao động và đánh giá vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu tạo việc làm bền vững, thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân theo quy định của Hiến pháp, cũng như thực hiện các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu đề nghị việc xây dựng và ban hành Luật an toàn vệ sinh lao động cần quan tâm tới chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động và khắc phục tổn thương về sức khoẻ cho người lao động.
Đại biểu Quốc hội yêu cầu siết chặt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. ảnh: TTBC. |
Nhiều đại biểu tán thành với việc Dự án luật mở rộng đối tượng áp dụng chính sách an toàn vệ sinh lao động tới người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động như tại các làng nghề, cơ sở sản xuất... nhằm hướng tới mục tiêu ở đâu có việc làm ở đó có an toàn, vệ sinh lao động.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) phân tích: “Hiện nay, chúng ta có trên 6 vạn doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa kể hàng chục vạn cơ sở sản xuất trong các làng nghề, lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là khu vực mà máy móc thiết bị chưa hiện đại, quy trình sản xuất chưa chặt chẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động. Trong khi đó, hơn 60% lao động tham gia sản xuất ở khu vực này, chính vì vậy việc quy định bổ sung chính sách mới cho người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động là rất cần thiết”.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nhất trí với việc quy định thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động ở 3 cấp: Trung ương, tỉnh, và huyện. Đây là quy định quan trọng nhằm đảm bảo thực thi giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một cách hữu hiệu, đồng thời cũng đảm bảo xử lý nhanh khi có tai nạn xảy ra. Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ ràng, chặt chẽ để tránh phát sinh thêm bộ máy, biên chế.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) nêu ý kiến: “Hiện nay, theo thống kê có khoảng 130/400 lực lượng thanh tra, rất mỏng so với yêu cầu và khi đã mở rộng thêm đối tượng này thì chúng tôi đề nghị tăng cường thêm thanh tra ở các Bộ, ngành, riêng về lĩnh vực an toàn lao động. Và nhất là các Sở, ngành ở các địa phương để tăng cường tập huấn, hướng dẫn và có quy chuẩn rõ ràng để lực lượng thanh tra này thực sự bám sát cơ sở và chỉ đạo có hiệu quả”.
Đề cập những quy định về điều tra, giải quyết tai nạn lao động chết người xảy ra ở các doanh nghiệp, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) cho rằng tai nạn chết người ở các doanh nghiệp thời gian qua thường bị các doanh nghiệp giấu diếm gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Đại biểu đề nghị: “Trong quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở, tôi đề nghị cho công đoàn cơ sở tham gia vào các đoàn điều tra về tai nạn lao động tại cơ sở đó. Thứ 2, khi ở cơ sở mà có tai nạn lao động chết người, theo khoản 2 điều 30 thì trách nhiệm của công đoàn cơ sở phải thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước biết để cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các thủ tục điều tra”.
Trước đó vào chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động. Nhiều ý kiến tán thành cần có thanh tra chuyên ngành nhưng phải quy định rõ chế tài để thanh tra còn xử lý nghiêm.
Hiện nay, chỉ có 150 thanh tra viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động nên trung bình mỗi năm chỉ thanh tra pháp luật lao động nói chung và an toàn, vệ sinh lao động nói riêng được khoảng 0,22% doanh nghiệp đang hoạt động. Các vụ thanh tra này cũng chỉ thực hiện được ở cấp bộ, cấp tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động có tính phức tạp đặc thù. Đây vừa là hoạt động thanh tra con người thực thi chính sách, chế độ lại vừa kiểm tra độ an toàn của máy, thiết bị, công cụ sản xuất mà người lao động sử dụng tại nơi làm việc và cả các yếu tố nguy hiểm, có hại trong có môi trường lao động (như ồn, rung, bụi, hơi khí độc...).
“Cần phải có quy định thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là lực lượng thanh tra chuyên ngành, đặc thù, có tiêu chuẩn riêng”, Bộ trưởng Chuyền nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: Thanh tra. |
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Trương Thị Mai cũng cho rằng: Nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực không có quan hệ lao động, cần phải có thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là lực lượng thanh tra chuyên ngành đủ điều kiện để bao quát được cả hai khu vực.
Ủng hộ cần có thanh tra chuyên ngành, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, có bao nhiêu thanh tra chuyên ngành lao động? Người có công thì có thanh tra chuyên ngành không? Tệ nạn xã hội có thanh tra chuyên ngành không? Dạy nghề có thanh tra chuyên ngành không? Hay chỉ là cách thức chia nhỏ, có khi làm phân tán lực lượng? Nhất là, dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ người sử dụng lao động mà thực hiện không đúng quy định về an toàn, vệ sinh lao động thì bị xử lý thế nào?
“Phải quy định rõ chế tài để thanh tra còn dễ xử lý và cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm, bảo đảm an toàn cho người lao động”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.