Xúc động buổi gặp gỡ, chia tay các hội viên VIPUA

19/12/2014 13:43
Xuân Trung
(GDVN) - Buổi gặp gỡ, vinh danh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho VIPUA sáng nay (19/12) diễn ra trong không khí thân tình và ấm cúng.

Trước khi tiến hành Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, sáng nay tại Trường Đại học Thăng Long (một trong những trường tiên phong cho mô hình giáo dục đại học ngoài công lập Việt Nam) diễn ra buổi gặp mặt các hội viên VIPUA. 

Buổi gặp mặt có sự hiện diện của hầu hết các thành viên, trong không khí ấm cúng, tình cảm, Chủ tịch Trần Hồng Quân dõng dạc nói: “Không phải chúng ta vẫy chào vĩnh biệt VIPUA, mà chỉ là giã biệt “ngôi nhà nhỏ” của một thời tận tụy và ấm cúng, để VIPUA của chúng ta sẽ hiện diện một cách không lu mờ cả về tinh thần lẫn thực thể trong Hiệp hội chung – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để cùng nhau thực hiện sứ mạng lớn hơn”.

Xúc động buổi gặp gỡ, chia tay các hội viên VIPUA ảnh 1

Chủ tịch Trần Hồng Quân và các đại biểu trong buổi gặp mặt sáng nay.

GS. Trần Hồng Quân cho biết, sau 10 năm tồn tại Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam, "chúng ta đã phấn đấu đến ngày nay, đó cũng là bước trưởng thành để chúng ta hội nhập vào môi trường chung Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam".

Buổi gặp gỡ sáng nay như một lời cảm ơn các thành viên Hiệp hội trong suốt thời gian qua luôn ủng hộ, đóng góp ý kiến và chung tay xây dựng nền giáo dục đại học Việt Nam. 

GS. Trần Hồng Quân bày tỏ, buổi gặp mặt chia tay lần này không phải là để xa nhau mãi, mà chúng ta (các trường ngoài công lập) tiếp tục gặp nhau trong “ngôi nhà” chung là Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Thậm chí cũng không loại trừ do những yêu cầu khác nhau các trường, các thành viên vẫn có thể tập hợp để bàn những vấn đề ngoài công lập.

Xúc động buổi gặp gỡ, chia tay các hội viên VIPUA ảnh 2

Chủ tịch Trần Hồng Quân tặng kỷ niệm chương các hội viên.

Thực tế, việc xây dựng hệ thống ngoài công lập, đó là một tầm nhìn xa, đó là một xu thế nhưng chúng ta đã gặp nhiều khó khăn trong suốt một quá trình dài. Xu thế chung sẽ dần dần hướng tới tính tự chủ cao, tính tự chủ cao sẽ tiếp cận với mô hình trường ngoài công lập hiện nay. Việc hội nhập giữa các trường công lập và ngoài công lập không có gì mâu thuẫn, không có gì đối lập, thậm chí đã có những quan điểm trùng nhau trong quá trình phát triển giáo dục đại học.

Thế mạnh của các trường Đại học, Cao đẳng công lập là mạnh về cơ sở vật chất, đội ngũ và hệ thống đào tạo. Mô hình ngoài công lập là mô hình hiện đại, khi gộp công lập và ngoài công lập sẽ sớm có một hệ thống vững chãi hơn để giúp nền giáo dục đại học Việ Nam phát triển, để sớm giải quyết được hai vấn đề lớn là nguồn lực và động lực. 

Động lực sẽ từ đâu? Đó là tự thân các trường, từng cá nhân, từng cán bộ quản lý chứ không phải động lực từ các chỉ tiêu hành chính. Muốn như vậy đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội chịu trách nhiệm trước xã hội, các trường phải tự lực phấn đấu, tự vươn lên để được xã hội chấp nhận, khắc phục được những tình trạng trì trệ hiện nay.

Xúc động buổi gặp gỡ, chia tay các hội viên VIPUA ảnh 3

Các hội viên chụp ảnh kỷ niệm.

Từ mô hình các trường ngoài công lập đã để lại rất nhiều bài học. Trong quá trình xây dựng Nghị quyết 29 thì có nhiều tiêu chí mới được xác lập và có sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ nhằm thực hiện cho kỳ được về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học. 

Giáo dục đại học là đào tạo ra lực lượng lao động, nguồn nhân lực và đó là sức mạnh của quốc gia. Việc ra đời Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đó cũng là yêu cầu khách quan, là nguyện vọng của các trường, các nhà giáo dục. 

Trong buổi gặp mặt sáng nay, GS. Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long bày tỏ niềm cảm ơn tới VIPUA đã giúp đỡ nhà trường để có những bước phát triển như ngày hôm nay. GS. Dũng xúc động cho biết, đây hoàn toàn không phải là cuộc chia tay mà sẽ chuyển thể sang mô hình lớn hơn, giúp sức cho chất lượng giáo dục đại học Việt Nam phát triển. 

Cũng bày tỏ tình cảm của mình tới VIPUA, GS. Trần Hữu Nghị nhớ lại những ngày đầu khi trường ông ra nhập VIPUA: “Đó là một mô hình mới nhưng có nhiều kinh nghiệm, và tôi nghĩ rằng khi ra nhập VIPUA tôi sẽ học hỏi được nhiều điều ở đây. Cái quý nhất đối với các trường ngoài công lập là mô hình giáo dục hiện đại, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy có chất lượng. Và chất lượng là yếu tố sống còn ở một trường đại học. Việc ra đời Hiệp hội lớn hy vọng sẽ thay đổi nền giáo dục đại học, sẽ đóng góp nhiều ý kiến cho chủ trương, chính sách của nhà nước. 

Bản thân tôi ngồi ở đây, trong không khí đầm ấm và đầy tình cảm này, tôi thấy rất sung sướng, nếu không có VIPUA thì trường Đại học DL Hải Phòng không được như ngày hôm nay, VIPUA là chỗ dựa vững chắc cho trường”.

Ông Lê Công Cơ (Đại học Duy Tân – Đà Nẵng) không dấu được niềm xúc động trong buổi gặp mặt này, ông Cơ đặc biệt biết ơn GS. Trần Hồng Quân – năm 1986 đã mạnh dạn cho ra đời một số trường dân lập. Cũng chính GS. Quân đã dìu dắt VIPUA để đến với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng.

Ông Cơ cũng bày tỏ nỗi niềm, thế kỷ này là thế kỷ của trí tuệ, đúng ra đất nước phải lấy đại học là động lực để phát triển, vì giáo dục đại học làm tăng trưởng kinh tế, làm lạnh mạnh hóa xã hội, làm cho xã hội tốt hơn. 

“Các nước trên thế giới cũng phát triển như vậy, tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt nhưng trí tuệ con người thì phát triển không ngừng. Con người sẽ tìm ra vật liệu mới, năng lượng mới để tồn tại và phát triển, thì đó là môi trường giáo dục đại học. Mong rằng với Hiệp hội lớn sự hợp tác công-tư được tốt hơn” ông Cơ tin tưởng.

Sáng mai (20/12) Đại hội lần thứ nhất, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ được tiến hành. Trước đó, chiều nay sẽ diễn ra Đại hội trù bị. 

Xuân Trung