Theo Cục Quản lý môi trường y tế, công tác bảo hộ lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế luôn được lãnh đạo Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam quan tâm chỉ đạo.
Ngày 21/8/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BYT về việc tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở y tế và Quyết định số 3079/QĐ-BYT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống làm công tác bảo hộ lao động trong các cơ sở y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các nội dung hoạt động về cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Y tế, nhiều tổ chức công đoàn cơ sở trong ngành y tế cũng đã chú trọng xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bảo hộ lao động; tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, phối hợp tổ chức huấn luyện bảo hộ lao động cho người lao động; tham gia xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; kiểm tra, giám sát công tác bảo hộ lao động tại cơ sở.… Qua đó đã nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho mỗi cán bộ công nhân viên.
Mỗi bác sĩ đều phải hy sinh rất nhiều, đôi khi họ còn bị nhiễm bệnh từ các bệnh nhân. |
Bác sỹ Nguyễn Thúy Liễu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết, xác định làm nghề y là nghề rất dễ bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp, cho nên chúng tôi luôn ý thức phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về an toàn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp để vừa bảo vệ được bản thân mình, vừa có sức khỏe tốt chăm sóc bệnh nhân. Chính nhờ sự nỗ lực, tận tâm của các tổ chức nên công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ công nhân viên y tế đã được cải thiện một cách đáng kể.
Hiện nay, không chỉ ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện mà nhiều tuyến xã nhân viên đã được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ như: khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, mũ, kính, dép. Đồng thời, ngành y tế cũng đã tiến hành khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho nhân viên y tế nhằm đảm bảo quyền lợi và phòng tránh các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nhằm tuyên truyền sâu rộng và nâng cao hơn nữa ý thức an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên ngành y, năm qua, Cục Quản lý môi trường y tế cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn “Nghiệp vụ y tế lao động” cho lãnh đạo và cán bộ viên chức của Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về công tác ATVSLĐ và phòng chống bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế cho các cán bộ lãnh đạo Sở Y tế, Công đoàn ngành y tế và bệnh viện đa khoa toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng Đại học Y khoa Vinh đã tổ chức điều tra, nghiên cứu rà soát năng lực và nhu cầu đào tạo về y tế lao động cho cán bộ y tế, cơ sở lao động khu vực miền Trung.…
Theo danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ loại I đến loại VI thì ngành y tế có tới 12 danh mục nghề loại VI, 19 danh mục nghề loại V và 17 danh mục nghề loại IV. Trong 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam thì bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế cũng chiếm tỷ lệ cao như: Bệnh lao nghề nghiệp, viêm gan vi rút nghề nghiệp, bệnh HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và một số bệnh nhiễm độc khác.