Ai, ngành nào thưởng tết cao nhất qua dự báo của nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm

22/12/2014 06:50
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng khó có thưởng tết cao, và các ngành thưởng lớn không phải là khối ngân hàng, dầu khí.

Nhiều ngày qua, dư luận đang xôn xao bàn tán về chuyện lương, thưởng tết. Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam để tìm hiểu về mức thưởng tết của các doanh nghiệp trước thềm năm mới.

Theo đánh giá của ông, mức thưởng tết của các doanh nghiệp năm nay so với các năm trước sẽ thế nào?

Ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói về chuyện thưởng tết năm nay ( Ảnh: TBNH)
Ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói về chuyện thưởng tết năm nay ( Ảnh: TBNH)

Chắc chắn sẽ có sự khác biệt bởi năm nay tình hình kinh tế đã có sự khởi sắc so với những năm trước đó. Tình hình sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp đã được cải thiện, lãi xuất ngân hàng cũng có phần dễ chịu hơn, một số thủ tục hành chính cũng bớt cồng kềnh hơn… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Nói cách khác, mức thưởng tết năm nay sẽ được cải thiện đáng kể so với các năm trước nhưng sự khác biệt chưa rõ, chưa có sự bứt phá.

Theo ông những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nào sẽ có mức thưởng tết cao?

Tôi nghĩ đó sẽ là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xuất khẩu, đặc biết xuất khẩu hải sản, lâm sản. Sẽ không có mức thưởng khủng, nhưng chắc chắn ở các doanh nghiệp đó mức thưởng tết sẽ nhỉnh hơn.

Với những lĩnh vực xưa nay người ta vẫn nghĩ là thưởng khủng như dầu khí, ngân hàng… giờ mức thưởng đã khác rồi. Lý do là bởi ở lĩnh vực ngân hàng, nợ xấu đang tăng cao. Còn với dầu khí, giá xăng dầu trên thế giới cũng như trong nước đang trên đà giảm mạnh. Do vậy, chắc chắn họ sẽ không có mức thưởng nhiều như mọi năm, thậm chí theo tôi mức thưởng sẽ còn thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khác.

Sếp của doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nào sẽ nhận thưởng tết “khủng” nhất thưa ông?

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm năm nay thưởng tết sẽ không có thưởng “khủng" (Ảnh minh họa)
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm năm nay thưởng tết sẽ không có thưởng “khủng" (Ảnh minh họa)

Như tôi đã nói ở trên, năm nay sẽ không có thưởng “khủng”. Có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, nền kinh tế vẫn chưa thực sự khởi sắc. Thứ hai, thời gian qua, dư luận theo dõi rất sát sao, thậm chí lên án mạnh mẽ trước thực trạng có sự chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của sếp và nhân viên nên sẽ chẳng có ai dại đưa ra mức thưởng khủng để trở thành tâm bão của dư luận. Thứ ba, trong năm nay, có quá nhiều doanh nghiệp kêu lỗ, thậm chí phá sản nên sẽ khó có mức thưởng khủng.

Thế còn doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nào sẽ có mức thưởng tết đáng buồn nhất, thậm chí không có thưởng thưa ông?

Các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo máy… chắc chắn sẽ có mức thưởng kém. Ngoài ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ thưởng ít thậm chí cắt thưởng do trong năm nay sức cạnh tranh của họ chưa cao.

Điều đó sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới đời sống của người lao động thưa ông?

Mặc dù ngoài thưởng tết từ các doanh nghiệp, nhà nước cũng đã có những điều chỉnh về lương cho người có thu nhập thấp, nhưng cuộc sống của phần lớn người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thậm chí, với tình trạng làm phát leo thang như hiện nay, tôi thấy đời sống của họ còn bấp bênh hơn chứ chưa được cải thiện.

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2015. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, cả nước sẽ có khoảng 5 triệu người được điều chỉnh tăng 8% lương cơ sở, tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp đặc biệt  là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang than gặp khó không thể trả lương cho người lao động chứ đừng nói tới việc tăng lương. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Giờ nhà nước quy định mức sàn như thế lại không có cơ sở thì họ sẽ càng khó khăn hơn. Kết thúc năm 2014, với nhiều doanh nghiệp để không nợ lương nhân viên còn khó, nói gì tới việc tăng lương.

Vậy làm sao để người lao động có thể cải thiện đời sống mà không cần chờ lộ trình tăng lương hay thấp thỏm đợi thưởng tết thưa ông?

Trước hết giá cả các mặt hàng phải ổn định. Thứ hai, tăng lương nhiều khi không quan trọng bằng việc trả đúng vào thời điểm để người lao động có thể trang trải các khoản chi tiêu hàng ngày.

Thay vì nợ lương, gộp vài tháng mới trả một lần, các doanh nghiệp nên trả lương đều đặn hàng tháng để cuộc sống của người lao động ổn định hơn. Muốn chấm dứt việc nợ lương, phải tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Còn muốn giảm lạm phát, phải kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện tại, do thu nhập chưa tăng nên sức mua còn hạn chế.

Theo đánh giá của ông, trong năm 2015 tới nền kinh tế sẽ ra sao và đời sống của người lao động liệu có được cải thiện?

Tôi lạc quan cho rằng, trong năm 2015 tới mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn bởi hầu hết các hạn chế, tồn tại của năm 2014 chúng ta đã giải quyết xong.

Trong năm 2015, chúng ta sẽ hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu dài hạn như sắp xếp lại ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp… tất cả những yếu tố đó cộng hưởng lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN