Cảm phục chuyện thầy và trò đến lớp nơi vùng cao

25/12/2014 07:33
TÂM PHÚC
(GDVN) - Trường PTDT bán trú Tân Hợp huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La trong điều kiện khó khăn vất vả nhưng những giáo viên nơi đây vẫn đang hàng ngày thầm lặng gieo chữ ...

Một ngày mùa đông giá rét tôi có mặt tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, được tận mắt chứng kiến hoạt động dạy và học của thầy trò nhà trường trong điều kiện khó khăn. Họ thiếu thốn vất vả mọi mặt, nhưng trong lòng tôi cảm phục những người giáo viên nơi đây, những người vẫn đang hàng ngày thầm lặng gieo chữ nơi vùng cao khó khăn này.

Những khó khăn, vất vả

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tân Hợp có 28 cán bộ giáo viên với tổng số học sinh hơn 300 em chủ yếu là người dân tộc Mông, Mường và một số ít người Kinh. Đây là một trong những trường có số lượng học sinh đông trên địa bàn huyện.

Trường nằm cách thị trấn Mộc Châu chừng 30km. Với quãng đường này di chuyển bằng ô tô mất chừng 45 phút, nhưng chỉ đi được 22km là phải dừng lại và đi xe máy để vào trường vì sự khó khăn của địa hình nơi đây. 8,8km còn lại để đi vào trường thực sự là trở ngại lớn với những ai đã một lần ghé qua con đường này. Đường đất, gập ghềnh, khúc khuỷu, những đoạn cua lắt léo, bề mặt đường chi chít những ổ gà, ổ voi.

Con đường tới trường
Con đường  tới trường

Một bên là núi cao, một bên là vực sâu…thực sự đây là một thử thách cho những ai đi qua cung đường này. Những ngày trời nắng mặc dù đường rất xấu, đất bụi nhiều nhưng đi vào trường nhanh hơn, còn những hôm trời mưa thì thực sự là một thách thức lớn, đường đất trơn trượt rất khó đi, vừa di chuyển vừa phải tránh những đoạn đường xóc, tránh ổ gà ổ voi và phải quan sát kĩ vì một bên là vực sâu. 

Những lúc trời mưa to, lầy lội không đi được các thầy cô lại bỏ xe giữa đường và đi bộ vào trường, nếu đi giầy dép hay đi ủng thì đất sẽ bám vào khiến việc đi lại rất khó khăn, cách hiệu quả nhất mà các thầy cô làm lúc này là đi chân đất tới trường, với 8,8km các thầy cô phải đi bộ mất hơn 3h mới tới trường.

Điều kiện sinh hoạt của  thầy trò nơi đây hết sức khó khăn, thiếu thốn đặc biệt là về nước sinh hoạt, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Ngoài khu nhà 2 tầng được đầu tư xây dựng, thì vẫn còn 3-4 lớp học đơn sơ được dựng lên từ những tấm gỗ đã ố màu, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì giá rét, bàn ghế, ánh sáng phục vụ cho lớp học cũng hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Khu tập thể giáo viên, với những tấm gỗ được ghép thành chiếc giường nhỏ.
Khu tập thể giáo viên, với những tấm gỗ được ghép thành chiếc giường nhỏ.

Khu tập thể giáo viên, với những tấm gỗ được ghép thành chiếc giường nhỏ, các thầy cô phải sinh hoạt trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về mọi thứ. Nhưng vượt qua tất cả, vì đàn em thân yêu, hàng ngày, hàng giờ các thầy cô vẫn dồn hết tâm huyết, bám làng bám bản để truyền đạt kiến thức tới các em.

Nhọc nhằn gieo chữ

Đại đa số học sinh là người dân tộc, trình độ nhận thức còn rất hạn chế, đến mùa các em thường bỏ học ở nhà làm nương, phụ gia đình làm kinh tế coi nhẹ việc học tập tại trường….mỗi lần như thế các thầy cô lại khuyên bảo, động viên để các em tới lớp.

Lớp học đơn sơ được dựng lên từ những tấm gỗ, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì giá rét
Lớp học đơn sơ được dựng lên từ những tấm gỗ, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì giá rét

Tục tảo hôn vẫn còn diễn ra với đồng bào dân tộc ở đây, quan niệm lấy người về làm việc cho gia đình, rất nhiều học sinh đã lập gia đình từ năm lớp 8 lớp 9, hay có những tháng hàng chục học sinh bỏ học đi tìm vợ, bắt vợ ở những địa phương lân cận….khiến công tác giáo dục đặc biệt gặp khó khăn.

Sớm hiểu được nét văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc nơi đây, các thầy cô giáo vừa là người dạy chữ nhưng cũng là người bạn lớn của các em, lắng nghe, động viên, chia sẻ với các em. Các thầy cô còn đi đến từng nhà học sinh để động viên các em đi học, rồi phụ giúp cùng làm việc với gia đình.

Thầy Dương, giáo viên dạy Toán tâm sự có khi thầy cô đang giảng bài trên lớp, học sinh xin về nhà để làm việc, để đi kiếm vợ……mình phải vận động, thuyết phục các em, mong các em hiểu và nhận thức được phần nào ý nghĩa của việc học tập.

Thầy Đào Văn Kiên hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đã có nhiều tập thể, cá nhân đến thăm và giúp đỡ nhà trường trong việc dạy và học, những sự chia sẻ đó là vô cùng quý giá với thầy và trò nhà trường, là sự động viên khích lệ lớn trong nỗ lực bám làng bám bản của mỗi thầy cô.

Một mùa xuân nữa đang về, núi rừng đang bừng lên sức sống đón Xuân sang, hàng ngày các thầy cô vẫn vẫn thầm lặng gieo chữ nơi vùng cao. Thật đáng quý và trân trọng những nỗ lực của các thầy các cô đang ngày đêm miệt mài mang ánh sáng tri thức đến với con em đồng bào các dân tộc nơi đây. 

TÂM PHÚC