Bí quyết của những người không bao giờ bị ốm trong mùa Đông

23/12/2014 12:05
Phạm Ngà
(GDVN) - Một vài bí mật được tiết lộ dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời. Đừng ngại ngần học tập những bí quyết này bởi chắc chắn chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn!

Mùa Đông đến, thời tiết trở lạnh cũng là khi chúng ta xuất hiện những triệu chứng cảm cúm, khó chịu và ảnh hưởng đến công việc.

Nhưng, vẫn có những người có khả năng “đánh bại”  mùa cúm với sức đề kháng tốt, kể cả trong mùa lạnh. Làm thế nào để họ có thể làm được điều đó?

Một vài bí mật được tiết lộ dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời. Đừng ngại ngần học tập những bí quyết này bởi chắc chắn chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn!

Massage hàng ngày

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng massage là giải pháp tối ưu nhằm giảm bớt sự lo lắng, ổn định huyết áp cũng như nhịp tim.

Một vài hành động massage nhẹ nhàng có thể giúp chúng ta đánh bay những căng thẳng - một chìa khóa để xây dựng khả năng miễn dịch.

Tắm nước lạnh

Tắm nước lạnh từ vòi hoa sen đôi khi được coi là một loại thuốc bổ phòng ngừa cảm lạnh, cảm cúm, và nhiễm trùng. 

Các nghiên cứu cho thấy rằng khi tắm nước lạnh, quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ diễn ra nhanh hơn với hiệu suất cao hơn.

Kết quả là cơ thể sẽ ấm lên, kích hoạt hệ thống miễn dịch và sản xuất các tế bào bạch cầu nhiều hơn, ngăn ngừa cảm lạnh, thậm chí cả một số dạng ung thư.

Tuy nhiên, nếu không chịu được nước lạnh trong mùa đông, bạn có thể thay đổi nhiệt độ nước dần dần, từng chút một.

Trong mùa hè, bạn có thể tắm trong nước lạnh khoảng 10 phút thì vào mùa Đông, hãy cố gắng dành 1 phút cuối cùng sau khi đã tắm với nước ấm để tắm qua nước lạnh.

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có vấn đề về tim mạch, bởi vì cái lạnh đột ngột có thể gây ra đột biến trong chỉ số huyết áp.

Ăn gừng thường xuyên

Trong nhiều thế kỷ, gừng đã được chọn làm bài thuốc điều trị gốc rễ cho một loạt các rắc rối về tiêu hóa, bao gồm cả táo bón.

Các nhà nghiên cứu tin rằng các hợp chất có trong gừng kích thích sự bài tiết tiêu hóa, cải thiện trương lực cơ đường ruột, và giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa dễ dàng hơn.

Bạn có thể nhấm nháp một chút gừng tươi có trong trà để các hoạt chất làm việc tốt nhất, hay cũng có thể ăn gừng sấy khô, nghiền bột và nấu chín để có kết quả tương tự.

Rửa tay hàng ngày

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, rửa tay là hành động số 1 bạn có thể làm để tránh cảm lạnh (chưa kể đến các vi khuẩn như E. coli và salmonella, nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến ngộ độc thực phẩm)

Rửa với xà phòng và nước ấm thường xuyên trong ít nhất 20 giây. Chà mạnh lên tất cả các bộ phận của bàn tay, và kiểm tra bụi bẩn có mắc kẹt trong móng tay của bạn.

Lau khô bằng khăn giấy, hoặc bằng một chiếc khăn tay vải (lưu ý mỗi thành viên trong gia đình có riêng một chiếc khăn tay, không nên dùng chung để tránh lây lan vi khuẩn và mầm bệnh).

Bổ sung vitamin C và kẽm

Mặc dù vai trò của vitamin C và kẽm trong phòng chống cảm lạnh vẫn còn gây tranh cãi, nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy vitamin C đặc biệt hữu ích cho những người bị căng thẳng cực độ.

Kẽm có vai trò trong việc ngăn chặn và ức chế sự sinh sản của các loại virut trong cơ thể.

Các chuyên gia gợi ý mỗi người nên dùng một lượng vitamin C nhất định, khoảng 500mg mỗi ngày khi xuất hiện những triệu chứng cảm lạnh đầu tiên; cùng với đó hãy ngậm viên kẽm thường xuyên và nhiều lần trong ngày để bệnh không phát triển.

Ăn nhiều tỏi

Từ lâu, tỏi đã được sử dụng để phòng ngừa cảm cúm hiệu quả. Lý do là trong tỏi có chứa chất chống oxy hóa dồi dào, có khả năng tăng cường hoạt động hệ thống miễn dịch và chống lại chứng viêm đau.

Điều đó có nghĩa là loại thảo dược này ngoài vai trò tăng cường bảo vệ chống lại bệnh tật hàng ngày, nó còn có thể giúp ngăn ngừa ung thư và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Nếu bạn lo lắng về mùi hôi của tỏi có thể ảnh hưởng đến giao tiếp, có thể lựa chọn những sản phẩm khác ít gây tác dụng phụ như chiết xuất hay tinh dầu tỏi để thay thế tỏi tươi.

Luôn suy nghĩ tích cực

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thái độ, trạng thái tâm lý của mỗi người với một số thể cúm.

Mặc dù những mối liên hệ này không thực sự rõ ràng nhưng các nhà khoa học đều cho rằng "não giao tiếp với các hệ thống miễn dịch, và ngược lại”.

Nếu bạn không thể tạo được những suy nghĩ tích cực, ít nhất, bạn cũng đừng lưu lại những suy nghĩ tiêu cực, bi quan trong đầu.

Đừng xoáy sâu vào các triệu chứng bị bệnh và luôn ám ảnh về nó. Bạn có thể không thay đổi tính cách của mình, nhưng hãy cố gắng thay đổi hành vi theo hướng lạc quan, tích cực.

Phạm Ngà