Phát biểu cho ý kiến về dự thảo Luật giá trong buổi họp đầu tiên, phiên họp thứ 2 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy.
“Luật giá chưa bao quát hết”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, dự thảo Luật Giá gồm 5 chương, 51 điều. Ngoài những quy định chung, Luật có các chương quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng; hoạt động điều tiết giá của nhà nước; thẩm định giá và điều khoản thi hành.
“Trong chương trình luật, pháp lệnh được QH thông qua, tên của dự án luật dự kiến là Luật Quản lý giá; nhưng sau khi tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý, Chính phủ đề nghị lấy tên là Luật Giá”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ giải thích thêm.
Liên quan đến hoạt động điều tiết giá của nhà nước, dự luật bao gồm các nội dung: bình ổn giá thị trường, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá. (Dự thảo Luật Giá đã bỏ các nội dung chống bán phá giá, kiểm soát giá độc quyền có trong Pháp lệnh Giá để tránh chồng chéo với Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Luật Cạnh tranh).
Đáng lưu ý, bên cạnh việc kế thừa những biện pháp bình ổn giá đã được quy định trong Pháp lệnh giá, dự thảo Luật lần này đã bổ sung nhiều biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường, gồm các biện pháp về tài chính và tiền tệ; lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá.
Đồng thời, dự luật đã bỏ biện pháp “trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác” để thay thế bằng biện pháp “áp dụng các biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với pháp luật và các cam kết quốc tế”.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật, song đưa ra nhận xét: “Dự án Luật chưa làm nổi bật được những điểm đột phá, những sửa đổi căn bản; chưa làm rõ được bước tiến mới về chất thông qua việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật”.
Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp với quy luật thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung – cầu. Trong khi đó, dự thảo Luật lại chưa bao quát được một số nội dung quan trọng, đơn cử như về những trường hợp cụ thể mà Nhà nước cần thiết phải điều tiết, can thiệp vào giá thị trường; áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Ông Hiển đặt câu hỏi: “Ở mức độ nào được coi là có biến động bất thường về giá? Tính chất tác động của biện pháp bình ổn như thế nào”?
“Các bên ngồi với nhau chưa kỹ”
Góp ý về dự thảo Luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý Ban soạn thảo: “Với nội dung quy định như dự thảo thì Luật này chỉ nói về việc quản lý giá. Nếu gọi là Luật Giá thì phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều”.
Các nội dung về trách nhiệm, thẩm quyền trong dự thảo Luật cũng được người đứng đầu UB Pháp luật nhìn nhận là “chưa có sự phân định rõ ràng giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giữa Bộ với cá nhân Bộ trưởng, UBND tỉnh với Chủ tịch UBND tỉnh”. Ông Phan Trung Lý cũng không tán thành việc Luật giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính quy định tới 15/51 điều, khoản bằng văn bản dưới luật.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ với Thường trực UB Tài chính - Ngân sách quan điểm cho rằng Nhà nước chỉ nên can thiệp về giá khi có biến động lớn, ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của nhân dân, nhưng cũng phải dùng biện pháp kinh tế, hết sức hạn chế biện pháp hành chính.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn phê bình Ban soạn thảo dự luật và Ủy ban Tài chính – Ngân sách “ngồi với nhau chưa kỹ” nên vẫn còn khá nhiều vấn đề chưa thống nhất. Ông lưu ý Ban soạn thảo tham khảo kỹ ý kiến của tất cả các ủy ban có liên quan trước khi trình ra UBTVQH các vấn đề như thẩm quyền quyết định giá; danh mục hàng hóa, dịch vụ cần can thiệp về giá. “Đặc biệt, Luật phải nêu cụ thể những biện pháp bình ổn giá được phép áp dụng, cấp nào có thẩm quyền đưa ra biện pháp đó”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã phát biểu tiếp thu nhiều nội dung quan trọng được UBTVQH cho ý kiến. Bộ trưởng Huệ khẳng định: “Dự thảo Luật sẽ tuân thủ nguyên tắc quản lý giá là theo pháp luật và bình ổn giá bằng biện pháp kinh tế. Chỉ khi kiểm tra phát hiện vi phạm mới xử lý bằng biện pháp hành chính”. Ông cũng nói thêm, Ban soạn thảo đã tiếp nhận và tiếp thu nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong quá trình xây dựng Luật.