Trong các bài viết trước, chúng ta đã được tìm hiểu về nghiên cứu của ông Nguyễn Thi Thanh (Khánh Hòa) và đề xuất giải pháp của ông về bệnh học đường. Suốt 10 năm qua, người cựu chiến binh của chiến trường Campuchia năm xưa, ông Nguyễn Thi Thanh (57 tuổi) vẫn luôn trăn trở một điều làm sao để khắc phục bệnh học đường đang ngày càng gia tăng trong học sinh.
Xuất phát từ cái tâm của người làm cha làm mẹ
Ông Nguyễn Thi Thanh cho biết, mình bắt đầu thai nghén tìm hiểu về “bệnh học đường” từ năm 2003, thời điểm Việt Nam chuẩn bị tổ chức Sea Games 22. “Mỗi khi xem Việt Nam thi đấu với các nước trong khu vực, thường vận động viên Việt Nam thuộc dạng thấp bé nhẹ cân, các vận động viên thường thi đấu rất tốt ở đầu cuộc chơi, nhưng lại bị đuối sức ở cuối và để thua một cách ngậm ngùi”, ông nói.
Cựu chiến binh Nguyễn Thi Thanh suốt 10 năm vẫn luôn trăn trở với bệnh học đường. (Ảnh: NVCC) |
Mọi người khi xem thấy như vậy đều rất xót xa nhưng với ông Thanh, không dừng lại ở đó, ông bày tỏ: “Với tôi không chỉ dừng lại ở xót xa, mà tôi luôn trăn trở làm cách nào đó để nâng cao tầm vóc, nâng cao thể lực của người Việt Nam. Có như thế, con em chúng ta, thanh thiếu niên Việt Nam mới có thể sánh vai cùng bạn bè năm châu, không còn mặc cảm về vóc dáng, không còn bị đuối sức trong các giải đấu…”
Bên cạnh đó, ông Thanh cho biết bằng chính quan sát của bản thân, là một phụ huynh học sinh nên ông hiểu hơn ai hết điều này. “Tôi có 10 năm làm chi hội trưởng chi hội cha mẹ học sinh. Trong quá trình làm chi hội trưởng, tôi quan sát thấy tình trạng bệnh học đường ở học sinh ngày càng tăng”.
Chia sẻ thêm về thời gian làm chi hội trưởng, ông Thanh cho biết, khi còn làm chi hội trưởng của lớp, cứ vào tiết sinh hoạt cuối tháng, ông lại trực tiếp có mặt ở lớp để nghe báo cáo về tình hình học tập, hoạt động của lớp trong suốt tháng qua. Ngoài ra, ông còn phát động một cuộc thi đua trong học tập cho các con mang tên “Vượt qua chính mình” với khẩu hiệu “Tôi học chưa tốt chứ tôi không dốt”.
Cuộc thi dành phần thưởng động viên, khích lệ cho những học sinh đạt thành tích của tháng này cao hơn tháng trước. vượt một bậc học chứ không phải chỉ cho học sinh khá, giỏi. Như vậy, học sinh nào cố gắng, có tiến bộ trong học tập đều sẽ được thưởng.
Với tấm lòng của người làm cha làm mẹ, một công dân luôn quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, ông Nguyễn Thi Thanh vẫn ngày đêm ấp ủ làm sao để giải quyết được bệnh học đường trong trường học.
Đưa xà đơn vào trường học, không cần tiền của Bộ
Với đề xuất đưa xà đơn vào chương trình học thể dục, sẽ có nhiều thắc mắc liệu xà đơn có nguy hiểm với học sinh, ông Thanh cho biết: “Ai có thể chỉ ra có môn thể dục – thể thao nào mà không gây té ngã hay chấn thương? Ai đã từng biết đi xe đạp mà không một lần té ngã? Ai đã từng biết bơi mà không một lần uống vài ngụm nước? Từ khi con người sinh ra biết đi rồi biết chạy… hỏi ai không bị té ngã?”
"Treo người trên xà đơn và làm một số động tác thích hợp là một trong số ít bài tập có lợi trực tiếp cho phát triển chiều cao thân thể. Bài tập này và số ít bài tập khác trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển hệ xương sẽ được biên soạn, phổ biến ứng dụng". - ông Dương Nghiệp Chí - Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao (Hà Nội) viết trong thư gửi ông Thanh năm 2005
Động tác của người tập xà đơn chỉ là dùng sức mạnh nội tại của mình nâng bản thân mình lên thôi, không có gì là quá sức. Ông Thanh ví điều này như động tác “vượt lên chính mình”. Xà đơn cơ bản là môn hoạt động theo chiều lên xuống, nếu chấn thương thì chỉ do “tuột tay” và rơi tự do tại chỗ, nên chỗ tập là hố cát hay có nệm lót là yên tâm.
Theo ông Thanh “Thế giới có thể không đặt nặng lắm về tập xà đơn trong nhà trường phổ thông bởi vì ở họ học văn hóa và các hoạt động ngoại khóa với các hình thức tập luyện phong phú hơn ở ta nhiều, còn ở nước ta hãy xem chương trình quá tải ra sao? Hãy đến các trường đạt “chuẩn quốc gia” xem chỗ để học sinh rèn luyện thể chất ra sao. Thử tính xem ở đó có bao nhiêu phần trăm học sinh mang bệnh học đường”.
"Chúng ta cần tôn trọng thực tế là đất nước ta đã trải qua chiến tranh triền miên – Nạn đói năm 1945 ngoài việc giết chết 1/10 dân số còn làm cho 9/10 dân số còn lại bị suy kiệt. Đó là sự suy kiệt về thể chất của cả một dân tộc. Ngày nay, khi đã gần 40 năm đất nước được hòa bình, thống nhất, thời gian đó đủ cho nhiều chục triệu người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được gia đình và xã hội cho ăn học đầy đủ. Tại sao trong điều kiện được đầy đủ hơn thì bệnh học đường lại tăng nhiều hơn?" - ông Thanh bày tỏ.
Ông cho biết thêm, đồng ý rằng trong gien của ta có “tố chất thấp bé – nhẹ cân” nhưng kiến thức của nhân loại cũng đã chứng minh: trong giai đoạn phát triển của từng cá thể, nếu có điều kiện tác động tích cực lên cá thể đó thì có thể xảy ra hiện tượng đột biến gien theo chiều hướng của tác động tích cực đó. Chúng ta đừng biện minh hay đổ lỗi cho “gien di truyền” để thờ ở đến mức vô cảm trước căn bệnh học đường. Một chương trình giáo dục tốt là phải cho ra những “sản phẩm” tốt nhất trong khả năng có thể chấp nhận được. Chối bỏ trách nhiệm hay thờ ơ, im lặng trước hiện thực của căn bệnh học đường ngày càng tăng làm ột tội ác đối với tiền nhân và tương lai đất nước của thế hệ chúng ta.
Với việc thực hiện dự án đưa xà đơn vào dạy trong trường học, theo ông Thanh sẽ không cần tiền của Ngành Giáo dục.
Cảm phục chuyện thầy và trò đến lớp nơi vùng cao
Trường PTDT bán trú Tân Hợp huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La trong điều kiện khó khăn vất vả nhưng những giáo viên nơi đây vẫn đang hàng ngày thầm lặng gieo chữ ..
Ông Thanh cho biết đã từng trình bày việc này với nhiều doanh nghiệp và họ trả lời rằng, nếu xà đơn có trong chương trình giảng dạy của nhà trường phổ thông thì việc tài trợ kinh phí lắp đặt xà đơn cho các trường trên toàn quốc là không khó. Đặc biệt, việc quảng cáo thương hiệu của doanh nghiệp lên bộ xà đơn có lẽ là loại quảng cáo rẻ tiền nhất so với các hình thức quảng cáo hiện nay. Đã vậy, ở các trường toàn quốc đều có các công ty bảo hiểm học đường, Hội phụ huynh… sẵn sàng chung tay vì tương lai con em chúng ta nên kinh phí cho “dự án” này không phải là điều đáng suy nghĩ.
Điều cuối cùng mà người cựu chiến binh này muốn nói, “Tôi năm nay đã 57 tuổi rồi, thế hệ chúng tôi sinh ra trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên việc học tập và rèn luyện có nhiều hạn chế. Thế hệ chúng tôi được cha mẹ, thầy cô ước muốn là những con ngoan trò giỏi là đủ rồi. Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, con em của chúng ta phải giỏi về kiến thức – tốt về nhân cách và khẻo, đẹp về vóc dáng nữa. Có như vậy con em của chúng ta mới không tự ti và đủ tự tin để sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Vẫn biết rằng căn bệnh học đường còn do nhiều lý do khác nữa như ánh sáng lớp học, góc nhìn lệch, tư thế ngồi học chưa đúng… và biện pháp để chữa bệnh học đường càng chậm đưa ra chừng nào thì thế hệ trẻ Việt Nam và đất nước càng bị thiệt chừng ấy."