Dự đoán thú vị về kinh tế năm 2015 của chuyên gia

04/01/2015 07:52
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ những mảng sáng – tối trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 đồng thời có những dự đoán cho năm 2015.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2014 nền kinh tế Việt Nam đã có những sự phát triển đáng mừng như tăng trưởng GDP đã vượt lên chỉ tiêu - đạt 5,93%, lạm phát đã giảm đáng kể - đạt hơn 2%, lãi suất tín dụng giảm… tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp  có thể tiếp cận được với nguồn vốn.

Hàng hóa xuất khẩu tăng khá. Sự tăng trưởng ấy chủ yếu là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp này chiếm khoảng 68% tổng số lượng hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ đã có những nỗ lực lớn với nhiều chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh. Thủ tướng đã có những yêu cầu cắt giảm các thủ tục phiền hà như  thuế, hải quan… Đó là những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương
TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương

Tuy vậy, ông Doanh nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đáng mừng, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế.

Thứ nhất, trang thiết bị cho người lao động trong nước còn đơn giản, cơ sở vật chất - hạ tầng còn yếu kém. Hơn nữa, lượng lao động được đào tạo về chuyên môn - kỹ thuật không nhiều, đa số là lao động phổ thông… dẫn đến năng suất lao động chưa cao.

Thứ hai, tuy rằng nguồn lao động giá rẻ ở nước ta dồi dào, môi trường kinh doanh đã có sự cạnh tranh lành mạnh, nhưng sức hút đầu tư nước ngoài chưa lớn”.

Trong khi đó TS. Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Viện trưởng viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết thêm, năm 2014, tiền lương vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

“Mặc dù kinh tế đã có nhiều dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Số doanh nghiệp từng bị giải thể, phá sản đến nay vẫn chưa phục hồi được việc sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều. Điều đó tác động rất lớn tới thị trường việc làm của người lao động. Nói cách khác, nhiều người rất khó khăn mới kiếm được việc làm có thu nhập ổn định.

Chưa kể số sinh viên đã tốt nghiệp đại học thất nghiệp cũng còn quá nhiều. Từ chuyện sinh viên đã tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp có thể thấy một số điều sau:

Thứ nhất, đó là hồi chuông cảnh tỉnh với nền giáo dục nước nhà. Rõ ràng, chúng ta chưa bám sát vào thị trường lao động để đào tạo.  

Thứ hai, đó cũng là hồi chuông với những người đang ngồi trên ghế nhà trường – những người luôn mong muốn bằng mọi giá phải vào được đại học. Không ít người trong số họ sau khi tốn rất nhiều tiền ăn học đại học, cao đẳng, ra trường lại đi làm công nhân.

Cuối cùng, những con số biết nói đó là hồi chuông cảnh tỉnh với các bậc phụ huynh luôn muốn tìm mọi cách để con mình vào được đại học”, ông Điều nhấn mạnh.

Những dự đoán nền kinh tế 2015

TS. Lê Đăng Doanh dự đoán, hiện nay khó khăn lớn của nền kinh tế Việt Nam là làm sao cải cách được các thể chế, chính sách, giảm bớt được gánh nặng tham nhũng, hệ thống quan liêu. Thứ hai, giải quyết được vấn đề cơ sở vật chất hạ tầng bởi hiện cơ sở vật chất, hạ tầng của ta vẫn còn đang yếu kém. Thứ ba, nguồn nhân lực của chúng ta còn ít được đào tạo và đào tạo chất lượng chưa cao…

Nếu chúng ta làm tốt được những mặt còn hạn chế, tồn tại đó thì chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào một nền kinh tế khởi sắc và phát triển.

“Tôi hi vọng rằng, bức tranh kinh tế trong năm 2015 của Việt Nam sẽ theo phương hướng tiếp tục ổn định về kinh tế vĩ mô đồng thời tăng cường những cải cách tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh… như Thủ tướng đã từng phát biểu.

Năm 2015, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ phải đạt 6,2%, cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao nguồn nhân lực của nước ta. Đấy là những mục tiêu rất quan trọng, chúng ta phải làm sao để thực sự nâng cao được hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Doanh nói thêm.

TS. Đặng Quang Điều - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn.
TS. Đặng Quang Điều - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn.

Đồng quan điểm, TS Đặng Quang Điều cho rằng, nếu Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, họ nên xem lại khái niệm “thất nghiệp”. Nếu chúng ta chỉ dùng khái niệm thất nghiệp riêng cho đất nước ta mà không theo thông lệ chung của thế giới thì con số mà họ đưa ra chẳng đáng để quan tâm làm gì.

“Có một điều hiển hiện ở nhiều gia đình là con em họ sau khi tốt nghiệp đại học vẫn không xin được việc làm. Vậy thì họ chẳng có cơ sở để tin vào một con số không theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế: tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý II/2014 là 1,84%.

Rõ ràng định hướng nghề nghiệp của chúng ta còn rất kém. Ngoài ra, không ít người có tâm lý thích làm các công việc văn phòng, làm quan hơn là người lao động trực tiếp dẫn tới tình trạng nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp.

Tôi cho rằng sang năm 2015 thực trạng trên vẫn chưa được cải thiện. Muốn xóa bỏ thực trạng trên, những học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường cần phải xác định rõ nhu cầu của thị trường và có định hướng đúng đắn cho nghề nghiệp tương lai của mình”, ông Điều nêu quan điểm.

Cũng theo ông Điều, hiện nay ngành điện tử, xây dựng, kỹ thuật… đang thiếu lao động trong khi khối hành chính sự nghiệp đang rất thừa lao động, nhất là với chủ trương tinh giản biên chế trong thời gian tới.

TS Cao Sỹ Kiêm: "Khó khăn của ngành ngân hàng là ý thức chấp hành luật còn kém"

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, theo nhận định của TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước, năm 2015  năm 2015 khả năng phát triển của lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng lên và khả năng quản lý rủi ro cũng sẽ tốt hơn do cả 2 ngành này đều đang có những hoạt động hướng tới thị trường.

Ngoài ra, việc sửa luật, hoàn thiện cơ chế cũng đã tiếp sức cho sự phát triển bền vững, lâu dài của lĩnh vực này. Hoạt động của ngành ngân hàng cũng đã bắt đầu phối hợp được với bên ngoài, có sự liên kết tốt hơn giữa các ngân hàng và ngân hàng – doanh nghiệp. Việc thu gọn, sáp nhập các ngân hàng, tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp…cũng tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng cũng như doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là việc làm thế nào để có thể vươn lên thông qua phát triển sản xuất. "Với trình độ khoa học cũng như ý thức chấp hành luật của nhiều người còn thấp như hiện nay, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất. Ngoài ra, để có thể phát triển hơn nữa, cần tối giản các thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế quản lý".

PHONG NGUYÊN