Sự cố sập giàn giáo trong quá trình thi công nhà ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đặt ra rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý, thiết kế, thi công, đặc biệt là sự quan tâm đến an toàn sinh mạng và tài sản người dân tham gia giao thông dọc tuyến đường này.
Được biết đơn vị trúng thầu là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc còn Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông thuộc loại hợp đồng tổng thầu EPC (Engineering, Procurement and Construction contract) nghĩa là hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ khâu thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
Ngay từ tháng 5/2014 Bộ GTVT đã nêu đích danh 57 doanh nghiệp năng lực kém trong đó có Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc. [1]
Nói đến đường sắt Trung Quốc, bên cạnh các công trình xây dựng tầm cỡ thế giới như tuyến đường sắt Bắc Kinh đi Lhasa (Tây Tạng), dài 1.956 km thì người ta cũng không quên nhắc đến vị Bộ trưởng Bộ Đường sắt Lưu Chí Quân, người đã bị kết án tử hình vì tội “xà xẻo các dự án” cũng như chuyện tàu cao tốc Trung Quốc đâm nhau trên đoạn đường sắt trên cao khiến gần 40 người thiệt mạng.
Một vụ tai nạn tàu cao tốc ở Trung Quốc năm 2011 khiến 40 người thiệt mạng. ảnh Globalpost |
Việc giao cho một nhà thầu Trung Quốc kém năng lực, thuộc một ngành mà Bộ trưởng bị tử hình vì tham nhũng nhận thầu thi công công trình ở trung tâm Thủ đô là câu hỏi đã được nhiều người đặt ra và dường như ít người có trách nhiệm muốn trả lời.
Sau tai nạn chết người xảy ra ngày 6/11/2014 trên chính công trường thi công đường sắt trên cao này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã hứa trước Quốc hội, đã rốt ráo chỉ đạo nhưng rồi chỉ có sự may mắn của số phận mới giúp cho bốn người ngồi trên taxi thoát chết khi giàn giáo sập xuống nóc xe, vậy lỗi tại ai?
Bộ trưởng Thăng có sốt sắng đến mấy cũng không thể có mặt suốt ngày suốt đêm tại công trường. Cách chức một vài người không phải là giải pháp cuối cùng để nâng cao chất lượng thi công cũng như không thể bảo đảm an toàn cho người dân và chính những lao động có mặt tại hiện trường.
Tai nạn trên công trường từ rơi dầm thép đã chuyển sang mức sập giàn giáo, vậy liệu nó đã chấm dứt hay còn tiếp diễn với cường độ cao hơn?
Ý thức trách nhiệm, trình độ, tay nghề của đội ngũ công nhân, kỹ sư thi công là một trong các nguyên nhân xảy ra tai nạn, song điều đáng nói là Tư vấn giám sát - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh có vai trò gì? Họ được thuê, được trả tiền để giám sát thi công, vậy sau tai nạn chết người, họ đang làm gì tại công trường?
Đến bao giờ người dân mới hết bức xúc vì năng lực và đạo đức nghề nghiệp của các nhà thầu nước ngoài mà Bộ GTVT đã liệt kê? Để cho họ trúng thầu chẳng lẽ lại không phải là trách nhiệm của chính những người tổ chức đấu thầu?
Không thể mất bò mới lo làm chuồng, không thể vì may mắn chưa gây thêm chết người mà tiếp tục thi công, coi thường mạng sống của người dân.
Bộ GTVT cần phối hợp với thành phố Hà Nội phân luồng giao thông, trong thời gian thi công không để các phương tiện và người dân lưu thông phía dưới. Ngoài ra cần tổng rà soát lại mức độ an toàn các phương tiện cơ giới thi công và đội ngũ tham gia, đặc biệt là tư vấn giám sát.
Từ vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường sắt Trung Quốc, bài học gì sẽ được rút ra cho Việt Nam nếu an toàn cho người dân và các công trình ven tuyến đường không được đặt lên hàng đầu?
Liệu đã đến lúc phải hủy hợp đồng tư vấn giám sát để thuê những đơn vị có trình độ và trách nhiệm cao hơn?
Câu hỏi này, thiết nghĩ Bộ trưởng Đinh La Thăng nên sớm có câu trả lời.