“Chàng trai năm ấy” vừa có suất chiếu ra mắt bao giới tại hai địa điểm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Bộ phim theo như lời kể của đạo diễn Quang Huy là lấy cảm hứng từ cuốn tự truyện ‘Bắt đầu một kết thúc’ của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Câu chuyện kể về khát vọng được cống hiến cho nghệ thuật và bản lĩnh đương đầu trước bạo bệnh của người nghệ sỹ trẻ. Với cốt truyện đã từng ‘gây bão’ ngoài đời thực, Quang Huy đã mạnh dạn đưa câu chuyện cảm động đó thành phim. Nhưng…
Kịch bản thiếu kịch tính, thừa nhân vật
Một bộ phim được đánh giá là hay chắc chắn đầu tiên phải có một kịch bản tốt. Ở “Chàng trai năm ấy”, Quang Huy đã có một nước cờ sai lầm khi ‘bê’ nguyên câu chuyện của nam ca sĩ đoản mệnh Wanbi Tuấn Anh lên màn ảnh.
Nghị lực sống và tinh thần lạc quan của Wanbi Tuấn Anh vốn là một câu chuyện đã lay động biết bao nhiêu trái tim người hâm mộ và yêu mến chàng ca sĩ trẻ. Nhưng cũng chính vì câu chuyện mà ai ai cũng tường tận như thế, vô hình chung là mất đi sự kịch tính và hồi hộp để đến với “Chàng trai năm ấy” trên màn ảnh.
Khán giả xem phim không tò mò về câu chuyện sẽ diễn biến ra sao mà chỉ tò mò xem Sơn Tùng MTP và các diễn viên, ca sỹ còn lại diễn xuất thế nào.
Việc đưa những câu chuyện có thật hoặc lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật để làm phim vốn không mới trong điện ảnh và đã có rất nhiều bộ phim thành công. Tuy nhiên vớ Chàng trai năm ấy, có thể khẳng định việc Quang Huy sử dụng câu chuyện của Wanbi Tuấn Anh thực ra là một cách ‘chơi dao’ đầy mạo hiểm và ông bầu ca nhạc đang nắm đằng lưỡi.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các nhân vật trong phim cũng ‘có vấn đề’. Câu chuyện về ca sỹ trẻ Đình Phong và bốn người bạn: Sky, Lâm, Băng, Hà không đủ thuyết phục. Khán giả tinh ý có thể đặt ra câu hỏi: “Liệu không có những người bạn trong phim, nhân vật Đình Phong có thể bộc lộ nội tâm?”, câu trả lời là “Được” bởi tuyến nhân vật Sky, Băng, Hà rất mờ nhạt, không hỗ trợ nhiều cho sự phát triển và thay đổi tâm lý của nhân vật Đình Phong.
Tuyến nhân vật phụ trong phim rất mờ nhạt, không hỗ trợ nhiều cho sự phát triển và thay đổi tâm lý của nhân vật Đình Phong. |
Tuyến nhân vật ‘siêu phụ’ như bố mẹ Phong, cậu fan đồng tính do Don Nguyễn thủ vai cũng là những nhân vật thừa, không tác động nhiều lên nhân vật chính.
Nhân vật bà mẹ của Đình Phong được xây dựng như một bà mẹ vô tâm, nhạt nhẽo đến tàn nhẫn. Rõ ràng, không ai hiểu và yêu con bằng mẹ, nhất là với một gia đình chỉ có một cậu con trai như trong phim. Nhưng khán giả không thấy sự tinh ý, nhạy cảm của một bà mẹ, không thấy cách bà yêu con và hết lòng vì con mà chỉ thấy một bà mẹ xinh đẹp, hời hợt, kịch và vô tâm đến lạ lùng.
Con trai bị bệnh cũng không biết, để bạn của con và con lừa một cách dễ dàng, khi con đi chữa bệnh ở Singgapore cũng không đi cùng mà lại để cho các bạn của con đi, đến khi biết con mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ biết khóc lóc và phó mặc số phận của con cho bạn bè và ngồi kể lể… Liệu có một người mẹ nào lại có thể vô tâm đến tàn nhẫn với con mình như thế? Mẹ của Wanbi Tuấn Anh sẽ nghĩ gì khi xem phim???
Nhân vật đồng tính do Don Nguyễn thủ vai lại là một nhân vật mà tác giả kịch bản tham lam đưa vào để nhồi nhét mấy mớ đạo đức về người đồng tính. Nhân vật đó cũng là một dạng ‘có cũng được, không có cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mạch phim”.
Diễn xuất ‘kịch’
Ngoài đường dây kịch bản lỏng lẻo, các nhân vật xuất hiện dàn trải, thì diễn xuất của dàn diễn viên tay ngang cũng không gây ấn tượng với khán giả. Nhân vật Băng do Phạm Quỳnh Anh thủ vai gây khó chịu với tạo hình xa lạ và ‘làm quá’ không cần thiết khi thoại trong phim. Ngô Kiến Huy vai Hà nhí nhố an toàn như những vai anh đã diễn trước đó. Hứa Vĩ Văn diễn gọn gàng và hợp vai, nhưng nhân vật vốn dĩ ‘chỉ có vậy’ nên anh cũng không gây đột phá nhiều, dù nhân vật Lâm ham tiền có rất nhiều chất liệu để khai thác thêm, đoạn gần cuối khi Lâm đau đớn vì thương Đình Phong và bị bạn bè hiểu lầm Hứa Vĩ Văn diễn hơi quá đà nên gây gượng gạo và không thật.
Nhân vật Băng do Phạm Quỳnh Anh thủ vai bị cho là ‘làm quá’ không cần thiết khi thoại trong phim. |
Hari Won diễn tự nhiên, có những phân đoạn cô diễn rất tốt và nhận được sự đồng cảm từ khán giả. Nhưng nhân vật Sky cũng ‘chỉ vừa vừa vừa vừa thôi’ (nói theo bài hát trong phim).
Nhân vật trung tâm là Đình Phong do Sơn Tùng MTP thủ vai có diễn xuất ổn nhất. Dù lần đầu chạm sân điện ảnh nhưng Sơn Tùng tỏ ra có năng khiếu ở lĩnh vực này. Nếu không phải là Đình Phong mà là một vai khác, ở một câu chuyện khác không Wanbi có lẽ Sơn Tùng cũng sẽ nhập vai tốt.
Góc quay đậm chất ca nhạc, bối cảnh không hợp lý
Câu chuyện mặc dù bi kịch nhưng vẫn đượm màu lãng mạn, các góc máy khá đa dạng khi sử dụng cả fly cam để có những cảnh toàn từ trên cao, mang cảm giác rợn ngợp nhưng… thừa thãi. Bối cảnh trong nhà Đình Phong xa lạ, chật chội mà nhuốm màu ‘MV ca nhạc’. khó ai có thể tin một ca sỹ ngôi sao lại có thể ở trong một khu tập thể nghèo nàn như thế, mặc dù tác giả cố đổ thừa cho gã quản lý ham tiền và chàng Đình Phong thoáng tính nhưng khó có thể thuyết phục người xem.
Bối cảnh trong căn phòng của vị bác sỹ cũng gây… cười cho khán giả bởi sự giả tạo. Tất nhiên, phim là phim, đời là đời và không thể cái gì ở đời cũng phải mang lên phim nhưng cái cách xây dựng bối cảnh phòng khám u tối, với một ông bác sỹ ‘dở người’ thật khó có thể gây niềm tin ở khán giả.
Những cảnh quay trong những buổi biểu diễn của Đình Phong cũng không xứng tầm với câu chuyện được kể. Liên tiếp những cảnh cận và toàn hình khán giả, được trám vào nhau môt cách rời rạc, thiếu linh hoạt, thiếu hẳn sự ‘hòa nhoáng’ rợn ngợp của môt show ca nhạc của một ngôi sao đình đám.
Ngoài ra, công tác hậu kì phim, đặc biệt là phần dựng phim cũng chưa hoàn thiện. Phim là những lát cắt và ghép vào nhau một cách vội vàng, chỉ một vài cảnh được chuyển tốt, còn lại phần nhiều là ‘nhảy’ hình vô tội vạ, thiếu hẳn sự liên kết trong mạch truyện. Nếu cắt đi một vài phân đoạn trong phim, tiếp tục nối với nhau thì có lẽ câu chuyện cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Điểm sáng cho phim lại chính là những ‘lùm xùm’ của ca khúc chủ đề ‘Chắc ai đó sẽ về’. Bài hát được sử dụng hợp lý và xuyên suốt, đây vốn là điểm mạnh của ông bầu ca nhạc Quang Huy.
Chàng trai năm ấy tuy là một ‘bước lùi’ của Quang Huy so với “Thần tượng” năm ngoái nhưng có lẽ vẫn sẽ gây sốt với khán giả. Tất nhiên không phải là vì nội dung phim mà là cách ông bầu sử dụng nguyên liệu để làm phim, đó là: Sơn Tùng MTP, Wanbi Tuấn Anh, Phạm Quỳnh Anh, Hari Won, Ngô Kiến Huy… đều là những yếu tố hút khán giả đến rạp.