Bộ Giao thông Vận tải đang đổ lỗi cho ai?

31/12/2014 07:00
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Hai sự cố đường sắt Cát Linh – Hà Đông liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn, Bộ Giao thông vận tải đang đổ lỗi cho ai?

Biện pháp mạnh...

Hôm 29/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ký quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ phụ trách, liên quan sự cố sập đà giáo và bê tông thuộc dự án đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) rạng sáng 28/12.

Tiếp đó Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, trực thuộc Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng xem xét, thay thế đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đồng thời đề nghị có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc để có biện pháp chấn chỉnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa kỷ luật hàng loạt cán bộ có liên quan tới sự cố đường sắt
Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa kỷ luật hàng loạt cán bộ có liên quan tới sự cố đường sắt

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Tổng thầu EPC là đơn vị nhận trách nhiệm chính và chịu toàn bộ chi phí để khắc phục sự cố sập đà giáo, bê tông tại xà mũ trụ H7 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, tổng thầu EPC thuê nhà thầu phụ đã để xảy ra nhiều sự cố. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại hợp đồng với đơn vị này (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) và có Công hàm gửi Đại Sứ quán Trung Quốc để có biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT cấm nhà thầu phụ trực tiếp gây ra sự cố không được tham gia vào các dự án giao thông trong thời gian tới.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng kiến nghị thay thế đơn vị tư vấn giám sát của dự án đồng thời đề nghị Bộ GTVT nghiêm khắc cảnh cáo Trưởng tư vấn giám sát Diêm Chí Cương và đình chỉ vô thời hạn đối với  ông Tạ Trung Văn, tư vấn giám sát phụ trách nhà ga bến xe Hà Đông.

Như thế đã đủ?

Các biện pháp nêu trên được coi là động thái mạnh mẽ của ngành Giao thông vận tải (GTVT) trong việc xử lý trách nhiệm của cán bộ có liên quan. Cũng căn cứ theo đánh giá sơ bộ về nguyên nhân của sự cố mới vừa xảy ra, việc cơ quan chuyên trách hoài nghi về năng lực nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát là hoàn toàn có cơ sở.

Sự cố đường sắt Cát Linh - Hà Đông hôm 28/12
Sự cố đường sắt Cát Linh - Hà Đông hôm 28/12

Tuy nhiên, công bằng mà nói, không thể đổ lỗi hết trách nhiệm về một phía, và càng không nên có tư tưởng “mất bò mới lo làm chuồng”. Chẳng lẽ, một dự án được đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD khi bàn giao thầu, đơn vị chủ quản lại không xem xét, thẩm định kỹ càng năng lực của đơn vị trúng thầu, đơn vị tư vấn giám sát? Nếu cho rằng, trình độ năng lực của các đơn vị nói trên chưa đạt yêu cầu để thực hiện dự án, thì trách nhiệm của Chủ đầu tư ở đâu?

Với những nghi ngại trên, nếu không được khắc phục kịp thời, ai dám đảm bảo sẽ không có sự cố nào tương tự xảy ra khi hằng ngày, có đến hàng nghìn người dân vẫn “kiên cường”, nhẫn nại, đối mặt trực tiếp với những khối bê tông khổng lồ treo lơ lửng trên đầu, có nguy cơ đổ sụp xuống đường bất cứ lúc nào? Thế nhưng thực thực tế lại đang diễn ra theo đúng suy nghĩ của nhiều người.

Hằng ngày, người dân vẫn phải đối mặt trực tiếp với những khối bê tông khổng lồ treo lơ lửng trên đầu
Hằng ngày, người dân vẫn phải đối mặt trực tiếp với những khối bê tông khổng lồ treo lơ lửng trên đầu

Trước sự cố nói trên, một số nhà quan sát trong nước cho rằng, Bộ GTVT cần đưa ra những phương án cụ thể trước mắt cũng như lâu dài, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tránh những sự cố tương tự có thể xảy ra.

Cùng chung nhận định trên, mới đây thể hiện quan điểm trên Báo GDVN, Tiến sĩ Dương Xuân Thành, một nhà quan sát các vấn đề kinh tế - xã hội trong nước đưa ra gợi ý về phương án đảm bảo an toàn thi công đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

“Trước mắt Bộ GTVT cần phối hợp với thành phố Hà Nội phân luồng giao thông, trong thời gian thi công không để các phương tiện và người dân lưu thông phía dưới. Ngoài ra cần tổng rà soát lại mức độ an toàn các phương tiện cơ giới thi công và đội ngũ tham gia, đặc biệt là tư vấn giám sát”, Tiến sĩ Dương Xuân Thành gợi ý.

Tiến sĩ Dương Xuân Thành cảnh báo và nêu bài học về những tai nạn đường sắt thảm khốc đã xảy ra trước đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ông cũng đề nghị Bộ GTVT cần xem xét lại năng lực nhà thầu và tư vấn giám sát, để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc trong tương lai.

QUỐC TOẢN