Chi phí quân sự châu Phi tăng cao: gần 10 năm tăng 81%

02/01/2015 08:00
Đông Bình
(GDVN) - Các nước châu Phi gia tăng chi tiêu quân sự do kinh tế tăng trưởng, xảy ra chiến trang-xung đột, khủng bố, có thể thúc đẩy chuyên nghiệp hóa quân đội, nhưng...
Biểu tình tại Burkina Faso (ảnh nguồn: abc.es)
Biểu tình tại Burkina Faso (ảnh nguồn: abc.es)

Tờ "ABC Spanish Daily Newspaper" Tây Ban Nha ngày 28 tháng 12 đăng bài viết "Châu Phi tái vũ trang: Chuyên nghiệp hơn hay là nhiều hơn đội quân hung ác?" của phóng viên F.J. Calero và A. Alamillos. Sau đây là toàn bộ nội dung bài viết:

"Điều ước thương mại vũ khí" - điều ước giám sát, quản lý giao dịch vũ khí thông thường đầu tiên trong lịch sử vào tuần này chính thức có hiệu lực, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) và Tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam đã bày tỏ hoan nghênh đối với vấn đề này, bởi vì, điều ước này nhằm phòng ngừa vũ khí trên thị trường toàn cầu rơi vào tay lực lượng du kích, băng nhóm tội phạm và thế lực độc tài.

Mặc dù vậy, mọi người vẫn cảm  thấy lo ngại về khả năng kiểm soát có hiệu quả buôn lậu vũ khí và kết quả từ việc một số quốc gia có vấn đề nhân quyền nghiêm trọng tăng mạnh chi tiêu quân sự. Theo bài báo gần nhất của tuần san "The Economist" Anh, trong 10 năm qua, châu Phi đã trở thành nhân vật chính trong chi tiêu quân sự toàn cầu.

Số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, gần 10 năm qua, ngoài Đông Âu, châu Phi đã trở thành khu vực có mức tăng chi phí quân sự nhanh nhất toàn cầu. Từ năm 2004 đến năm 2012, mức tăng ngân sách quốc phòng của châu Phi lên tới 81%.

Chi tiêu quân sự của châu Phi minh họa trên tờ "The Economist" Anh
Chi tiêu quân sự của châu Phi minh họa trên tờ "The Economist" Anh

Chủ tịch Quỹ hòa bình Mỹ (Foundation for Peace) Jordi Armadans chỉ ra: "Khi phương Tây đang giảm chi tiêu quân sự vì khủng hoảng kinh tế và chính sách thắt chặt, ở châu Á, nhất là ở châu Phi, khoản chi này còn đang tăng lên".

Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Sam Perlo-Freeman đã tiến hành một số phân tích về số liệu, trả lời phỏng vấn tờ "ABC Spanish Daily Newspaper" cho biết: "Trong nhiều tình hình, việc gia tăng chi tiêu quân sự có liên quan đến kinh tế đang tăng trưởng, ngoài ra, thu nhập dầu mỏ cũng là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu quân sự".

Nhưng, Perlo-Freeman đồng thời cũng cho rằng: "Ở rất nhiều quốc gia, vấn đề tham nhũng liên quan đến mua bán vũ khí và cái gọi là 'quân đội bóng tối' cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy gia tăng chi tiêu quân sự".

"Điều ước thương mại vũ khí" có hiệu lực làm cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Ân xá Quốc tế, Quỹ hòa bình Mỹ bày tỏ hoan nghênh, cổ vũ. Chuyên gia thương mại vũ khí của Tổ chức Ân xá Quốc tế Alberto Estevez chỉ ra, do giới hạn của điều ước, các nước ký kết không thể dùng vũ khí bán cho những quân đội và quốc gia sử dụng vũ khí xuất phát từ mục đích phá hoại nhân quyền.

Tổng cộng có 155 nước gia nhập điều ước, nhưng nước sản xuất và nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là Mỹ hoàn toàn không phê chuẩn chính thức hiệp ước này, các nước như Nga, Ấn Độ cũng không ký kết.

Triển lãm quốc phòng châu Phi năm 2014 (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
Triển lãm quốc phòng châu Phi năm 2014 (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)

Moscow là nguồn vũ khí lớn nhất của nước lớn châu Phi Algeria, Algeria cũng là một trong những nước gia tăng chi tiêu quân sự nhanh nhất châu Phi những năm gần đây. Giữa chính quyền Bouteflika ở Algiers và nước láng giềng Morocco liên tục xảy ra xung đột, Perlo-Freeman cho rằng, đây là một nhân tố quan trọng làm cho chi tiêu quân sự của họ không ngừng gia tăng.

"Nhưng cũng tồn tại một số nguyên nhân khác, một số quốc gia tương đối nổi trội ở châu Phi hy vọng thông qua tăng chi tiêu quân sự để thể hiện thực lực địa-chính trị của nước này, từ đó tiếp cận những nước đi đầu trên trường quốc tế" - Armadans nói.

Ngoài ra, xu thế tăng chi tiêu quân sự của một số nước châu Phi cũng có liên quan chặt chẽ đến hoạt động lan tràn của tổ chức khủng bố. Như tổ chức cực đoan tôn giáo Harakat al-Shabaab ở Somalia đang kiểu soát hầu hết chợ đen vũ khí ở trong nước. Còn có tổ chức cực đoan Hồi giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 200 nữ sinh ở Nigeria cũng làm cho Quân đội Nigeria bó tay, bất lực.

Estevez cho rằng: "Tăng mạnh chi tiêu quân sự đã đem lại hiệu ứng trên 2 phương diện, mặt tích cực là chuyên nghiệp hóa của quân đội hoặc thúc đẩy phong trào chống tham nhũng của nước này, nhưng, nhìn vào phương diện khác, gia tăng chi tiêu quân sự cũng có thể sẽ làm xuất hiện vấn đề nhân quyền".

Estevez và Armadans đều cho rằng, cần tiến hành quản lý đối với những dự trữ vũ khí chảy vào các cuộc chiến tranh và xung đột này, bởi vì, hiện nay, đa số vũ khí lưu thông ở các chợ đen xuất hiện trước hết ở thị trường hợp pháp.

Morocco kỷ niệm tròn 15 năm ngày Quốc khánh (ảnh nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
Morocco kỷ niệm tròn 15 năm ngày Quốc khánh (ảnh nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)

Tuy nhiên, ở châu Phi, thương mại vũ khí của hành vi phi nhà nước vẫn là một vấn đề rất lớn, bởi vì điều ước mới có hiệu lực hoàn toàn không thể giải quyết vấn đề khẩn cấp. Perlo-Freeman chỉ ra, chợ đen vũ khí hiện nay thông qua một mạng lưới phức tạp đồng bộ trong đó có nhà sản xuất vũ khí, nhà vận chuyển và nguồn vốn để tiến hành hoạt động.

Ông chỉ ra, Iran ngư ông đắc lợi từ vũ khí của các nước như Mỹ vận chuyển cho dân quân người Kurd và chính quyền Iraq, "rất nhiều quốc gia tìm cách thông qua vũ lực giải quyết vấn đề chính trị quốc tế, nhưng kết quả là rất nhiều binh sĩ bị chết vì vũ khí sản xuất ở nước mình". Tình hình như vậy có thể sẽ tái diễn ở châu Phi, mặc dù rất nhiều quốc gia châu Phi đã gia nhập "Điều ước thương mại vũ khí".

Đông Bình