Có nhiều vấn đề giáo dục phải Thủ tướng, chứ Bộ trưởng không quyết được

03/01/2015 08:07
Xuân Trung
(GDVN) - Quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm về thành tựu của giáo dục trong năm qua và mong muốn của ông trong năm tới.

Quanh câu chuyện của ngành giáo dục trong năm 2014, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Trong câu chuyện với chúng tôi, TS. Nguyễn Tùng Lâm luôn nhắc đi nhắc lại mong muốn của mình là năm 2015 giáo dục phải làm thật nghiêm khắc, làm thật ở các cấp, đặc biệt ở Kỳ thi THPT quốc gia.

Ngành giáo dục đã dũng cảm nhiều việc

PV: Thưa ông, đối với giáo dục năm vừa qua ông đánh giá thế nào về hành động của ngành và những điểm nào khiến ông tâm đắc?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Trong năm qua ngành giáo dục đã có nhiều việc làm nổi trội, đầu tiên là quyết tâm lấy khâu đổi mới thi cử là khâu đột phá. Có nhiều ý kiến muốn lùi lại để đợi chương trình mới nhưng theo tôi quyết định này là đúng mà mạnh dạn. Đồng thời trong năm qua ngành giáo dục cũng quyết tâm dồn 2 kỳ thi làm một, trong đó tìm ra những phương án đỡ căng thẳng cho học sinh, đỡ tốn kém cho cha mẹ học sinh, điều đó là rất tốt. Tôi đánh giá cao chuyển biến này.

Có nhiều vấn đề giáo dục phải Thủ tướng, chứ Bộ trưởng không quyết được ảnh 1

TS. Nguyễn Tùng Lâm mong muốn năm 2015 giáo dục sẽ tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả cao trong công cuộc đổi mới.

Nếu thi cử chúng ta không làm tốt thì việc dạy dỗ sẽ kém chất lượng, nhất là giai đoạn chúng ta đổi mới để rèn học sinh theo những phẩm chất, năng lực. Trong năng lực chống học thuộc lòng, học vẹt. Đưa học sinh vào phương pháp thực hành, vấn đề này đáng nhẽ phải làm từ nhiều năm trước. Giờ chúng ta mới dùng thi cử để buộc học sinh theo.

Thứ hai, việc Bộ GD&ĐT cũng quyết tâm làm chương trình và bộ sách giáo khoa, đó là việc làm rất tích cực, bởi vì đây là công việc khó. Đặc biệt là việc chuẩn bị những bộ công cụ để đánh giá năng lực, đánh giá chương trình…

Có nhiều vấn đề giáo dục phải Thủ tướng, chứ Bộ trưởng không quyết được ảnh 2

Đầu năm nghe thầy giáo bàn chuyện đứng lớp

(GDVN) - “Văn là người, 100% các bộ môn khác đều phải sử dụng đến Văn… và có 3 yếu tố tạo nên một giờ học Văn chất lượng và hiệu quả”.

Thứ ba, tôi đánh giá cao việc áp dụng không chấm điểm ở tiểu học. Đưa ra một số mô hình giáo dục hiện đại, cổ vũ các cơ sở giáo dục thực hiện (bàn tay nặn bột). 

Ông có nghĩ rằng coi khâu thi cử là khâu đột phá của đổi mới giáo dục trong năm qua có là quá muộn?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Muộn thì không muộn, tôi sợ nhiều ý kiến cho rằng phải chờ chương trình, sách giáo khoa mới mới có thể đổi mới được thi cử. Nhưng tôi cho rằng việc “ấn nút” của Bộ GD&ĐT là dũng cảm, là tốt, vì thực tế sách giáo khoa còn khoảng 3-4 năm nữa mới có.

Ngay từ năm 2013 tôi đã có ý kiến phải đổi mới thi cử, bằng cách nào cũng phải làm. Nhưng lúc đó quan chức cũng đã trả lời phải chờ chương trình, sách giáo khoa mới.

Điều đáng lẽ ngành phải làm tốt hơn

Trong năm vừa qua, ông có thấy nuối tiếc điều gì với ngành giáo dục, giá như những điều đó được thực hiện trong năm qua thì sẽ tốt hơn?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng khâu đột phá trong tổ chức, quản lý của ngành giáo dục đáng lẽ phải làm mạnh hơn nữa, nhưng chưa làm được. Đổi mới ở đâu? Giáo dục đòi hỏi một cơ chế đặc thù, nhưng đặc thù không phải chỉ để xin thêm tiền, nhiều người nghĩ vậy. Nhưng tôi có quan điểm, đặc thù là để làm sao ngành giáo dục được tự chủ tài chính, làm sao có hiệu quả.

Hiện có nhiều trường ở miền núi, xây xong không có học trò học, như thế có phải lãng phí? Trong khi tiền cho giáo dục đang thiếu mà chúng ta làm lại không hiệu quả. 

Cái đặc thù trong giáo dục mà tôi muốn là phải quy về trách nhiệm cá nhân. Những vấn đề về giáo dục Thủ tướng phải trả lời chứ không phải chỉ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chúng ta còn nhiều thứ chưa thể thay đổi được nhưng giáo dục thì phải thay đổi trước.

Thêm nữa, giáo dục phải được phát triển theo đúng quy luật kinh tế thị trường, không được né tránh. Quy luật kinh tế thị trường là tạo ra giá trị thì mỗi trường phải được độc lập, chứ không được thi đưa giả vờ, trường chuẩn chất lượng cao mà học sinh vẫn học trong lớp học thiếu thốn. Trong giáo dục phải dẹp ngay bệnh thành tích.

Sau quản lí là đội ngũ nhà giáo, các trường đại học chưa chuyển biến, giáo viên chưa được bồi dưỡng, trong khi không được đợi chương trình mới mới bồi dưỡng giáo viên mà phải làm ngay, thường xuyên. 

Tôi đồng ý với Bộ GD&ĐT có thể bồi dưỡng online để lan rộng tới các nơi, từng giáo viên,nhưng phải có hai bộ phận đi theo, phải có những bộ phận giáo viên giỏi, nòng cốt để giúp đỡ, để đánh giá lẫn nhau. Cũng cần phải có một Trung tâm đánh giá năng lực giáo viên, sau đó cấp cho họ chứng chỉ, như vậy giáo viên kết thúc khóa học sẽ được hưởng một mức lương mới. Chính sách nhà nước không nên cào bằng, giáo viên nào đạt được tới trình độ đổi mới thì được cấp chứng chỉ, và từ đó theo bậc lương mới. Làm như vậy mới có động lực cho giáo viên đổi mới.

Thưa ông, ngoài ra còn vấn đề gì của giáo dục trong năm qua khiến ông trăn trở?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Như trên tôi đã trao đổi, đó là tình hình giáo dục chung, còn cấp tiểu học, việc trong năm qua không áp dụng chấp điểm tôi cho là đúng nhưng chúng ta đi hơi quá nhanh. Nhanh ở chỗ chúng ta chưa huấn luyện giáo viên, chưa giải thích mà đã làm.

Có nhiều vấn đề giáo dục phải Thủ tướng, chứ Bộ trưởng không quyết được ảnh 3

Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới phải xong trước 2018

(GDVN) - Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Trong câu chuyện này nếu các nơi làm đối phó thì giáo dục sẽ nát. Bởi thầy chưa được tập huấn, không nắm được học trò, bố mẹ không nắm được con. Thói quen chúng ta đã không có nhưng còn kỹ thuật đánh giá học trò cũng không phải đơn giản. Do đó về tư tưởng thì rất đúng nhưng chúng ta làm hơi vội.

Trong năm 2015, năm mà chúng ta triển khai nhiều công việc đổi mới ở các cấp học. Ông kỳ vọng gì ở năm nay?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đã đổi mới thi cử, đặc biệt là gộp 2 kỳ thi làm một thì chúng ta phải làm thật tốt, làm thật chứ không à uôm. Tỷ lệ đỗ bao nhiêu chúng ta vẫn phải chấp nhận, nhưng quan trọng hơn là chúng ta chống được bệnh thành tích. Hiện nay trong đầu óc các cấp quản lí vẫn sợ tỷ lệ thấp.

Đây là Kỳ thi THPT quốc gia, đã là quốc gia thì phải khác với bình thường, người dự thi phải đúng chuẩn, chuẩn đầu ra. Thực tế có nhiều em không học, những em như vậy dứt khoát không được dự thi. Do đó, Bộ GD&ĐT cần tập trung làm tốt kỳ thi, nếu kỳ thi thất bại thì dân hoàn toàn mất niềm tin, những khẳng định lại phải làm đúng theo tinh thần đã chuẩn bị.

Trân trọng cám ơn ông.

Xuân Trung