Truyền thông Nhật Bản cổ vũ xây dựng đồng minh ngăn chặn Trung Quốc

04/01/2015 08:27
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc đang vươn ra biển, thúc đẩy Nhật Bản tăng tầm ảnh hưởng khu vực, thực hiện chiến lược mới liên kết với các quốc gia có biển ngăn chặn Trung Quốc.
Năm 2014, tàu khu trục Côn Minh Type 052D biên chế cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Năm 2014, tàu khu trục Côn Minh Type 052D biên chế cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 2 tháng 1 đưa tin, báo chí nước ngoài gần đây cho biết, năm 2014 việc xây dựng Hải quân Trung Quốc duy trì sự phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Tỷ lệ tàu chiến tính năng cao tiếp tục tăng

Theo tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 31 tháng 12 năm 2014, năm 2014 tiếp tục là một năm bận rộn của các nhà chế tạo tàu chiến Trung Quốc. Khoảng 40 tàu của 6 nhà máy đóng tàu hoặc là đang chế tạo, hoặc là đang tiến hành thử nghiệm, hoặc là đã chế tạo xong. Mặc dù số lượng chế tạo cơ bản duy trì ổn định, nhưng tỷ lệ tàu chiến hiện đại, tính năng cao đang tiếp tục tăng lên.

Hiện nay đang sản xuất tàu khu trục có 2 loại cấp độ.

Lô tàu khu trục lớp Lữ Dương II Type 052C đầu tiên đưa vào hoạt động từ năm 2005. Chiếc thứ năm biên chế vào tháng 12 năm 2014, chiếc thứ sáu cũng là chiếc cuối cùng đã tiến hành chạy thử.

Tháng 3 năm 2014, chiếc tàu khu trục lớp Lữ Dương III Type 052D đầu tiên đi vào hoạt động; chiếc thứ hai chạy thử trong cả năm 2014; chiếc thứ ba và thứ tư bắt đầu chạy thử vào tháng 12 năm 2014; chiếc thứ năm đang tiến hành lắp ráp ở nhà máy Trường Hưng Đảo, Thượng Hải.

Nhà máy đóng tàu này cũng đang chế tạo 2 tàu khu trục lớp này khác. Ngoài ra, một dây chuyền sản xuất khác gần đây khởi động ở nhà máy đóng tàu Đại Liên, 2 tàu khu trục lớp Lữ Dương III nghe nói đang chế tạo.

Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức lễ biên chế tàu khu trục tên lửa Tế Nam số hiệu 152 Type 052C.
Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức lễ biên chế tàu khu trục tên lửa Tế Nam số hiệu 152 Type 052C.

Tàu hộ vệ chủ lực Hải quân Trung Quốc là lớp Giang Khải II Type 054A. Tàu hộ vệ lớp Giang Khải II đầu tiên đi vào hoạt động năm 2008, trong khi đó, đến đầu năm 2014 đã có 16 chiếc đi vào hoạt động. Năm 2014, tàu Hoàng Cương số hiệu 577 tiến hành chạy thử, 3 chiếc khác đang tiến hành lắp ráp.

Đầu năm 2013, Trung Quốc hoàn thành chế tạo chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Giang Đảo Type 056 lớp 1.500 tấn đầu tiên, sau đó tiếp tục chế tạo 7 chiếc.

Năm 2014, lại có 10 chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Giang Đảo đi vào hoạt động, ngoài ra có 5 chiếc hiện đang tiến hành lắp ráp. 2 tàu quét mìn Type 081A cũng đi vào hoạt động trong năm 2014.

Đầu năm 2014 có tin đồn cho biết, 1 chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Ngọc Chiêu Type 071 khác đang chế tạo. Trong khi đó, đến tháng 12 năm 2014, công tác chế tạo chiếc thứ tư cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, 2 tàu đổ bộ lớp Ngọc Đình III Type 072 có thể tích nhỏ hơn cũng xuất hiện trong năm.

Hoạt động chế tạo tàu ngầm năm 2014 “lặng yên không một tiếng động”, sự xuất hiện của 1 chiếc tàu ngầm lớp Nguyên Type 039B (đã qua cải tiến để giảm đặc trưng nhận biết) là động thái rõ ràng duy nhất.

Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Type 039 xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka vào tháng 9 năm 2014
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Type 039 xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka vào tháng 9 năm 2014

Hải quân Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với tàu tiếp tế trên biển hạm đội. Hiện nay, 2 tàu tiếp tế tổng hợp lớp Phúc Trì Type 903 và 1 tàu tiếp tế hậu cần Type 904 đang chế tạo. 1 chiếc tàu trinh sát lớp Đông Điều Type 815 khác cũng hạ thủy vào tháng 3 năm 2014. Tháng 10 năm 2014, chiếc tàu thử nghiệm vũ khí lớp Đại Hoa Type 909 thứ tư đi vào hoạt động.

Những nhà máy đóng tàu này cũng đã chế tạo một số tàu chiến của lực lượng bảo vệ bờ biển, bao gồm 2 tàu lớp 10.000 tấn. Ngoài ra, tàu chiến còn được sản xuất để xuất khẩu cho Algeria, Bangladesh và Nigeria.

Nhật-Mỹ muốn xoay chuyển "bất lợi về số lượng"

Theo tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản ngày 31 tháng 12 năm 2014, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ độc lập ở vào "thế bất lợi số lượng" trong cán cân sức mạnh quân sự Mỹ-Trung.

Bài viết cho rằng, trước đây, căn cứ vào các tài liệu như báo cáo "Cân bằng quân sự" (năm 2011) của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh để tiến hành so sánh: Tàu chiến mặt nước chủ yếu của Quân đội Trung Quốc có 36 chiếc, Quân đội Mỹ có 9 chiếc; tàu ngầm của Quân đội Trung Quốc có 38 chiếc, Quân đội Mỹ có 3 chiếc; máy bay chiến đấu của Quân đội Trung Quốc có 403 chiếc, Quân đội Mỹ có 154 chiếc.

Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 Trung Quốc
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 Trung Quốc

3 năm sau, căn cứ vào báo cáo "Cán cân quân sự" bản năm 2013, tiếp tục tiến hành so sánh sức mạnh hải quân của Mỹ-Trung, số lượng của Quân đội Mỹ không có thay đổi gì, trong khi đó tàu chiến mặt nước của Quân đội Trung Quốc tăng lên 69 chiếc, tàu ngầm tăng lên 70 chiếc, hầu như đã tăng gấp đôi.

Nhật Bản và Mỹ làm thế nào mới có thể làm xoay chuyển thế bất lợi này?

Quân đội Mỹ cộng với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Quân đội Hàn Quốc và Quân đội Australia, những đồng minh này miễn cưỡng có thể chuyển sang có "ưu thế số lượng". Nhưng nếu xét tới biến số "Hàn Quốc hiện nay có thể nghiêng về Trung Quốc", thì cần hợp tác với vài nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nước thuộc bán đảo Đông Dương như Lào (nước tiếp giáp với đất liền Trung Quốc) và Campuchia cũng tồn tại biến số "có thể nghiêng về Trung Quốc".

Vì thế, hai nước Nhật-Mỹ đoàn kết với "các nước ven biển ở châu Á" có quan hệ lợi hại và thống nhất như Việt Nam để "ngăn chặn Trung Quốc" là rất quan trọng. Tuy nhiên, "đồng minh quốc đảo" Nhật-Mỹ-Australia mà các chuyên gia ngoại giao thường nói, về định nghĩa, là không khả thi, cần đổi thành "đồng minh biển" có tính tự lập và tính bổ sung.

Tác giả nhấn mạnh đến một quan điểm từng đề cập trong nguyệt san "Chính luận" - đó là "lấy đồng minh biển châu Á để ngăn chặn Trung Quốc". Bởi vì, nửa thế kỷ trước, học giả chính trị quốc tế trẻ chủ trương Nhật Bản thoát khỏi ý thức "quốc đảo", trở thành một "quốc gia biển".

Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 Trung Quốc
Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 Trung Quốc

Khi đó, giáo sư Kosaka Masataka, Đại học Kyoto vào năm 1964 đã có bài viết trên tờ nguyệt san "Chuo Koron" tháng 9 đề xuất quan điểm "Nước Anh từng là quốc gia biển, Nhật Bản từng là quốc đảo", đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Bài viết này đã tiến hành so sánh giữa nước Anh tận dụng biển với nước Nhật Bản trốn ở sau biển, chủ trương Nhật Bản trở nên tự lập với tư cách là quốc gia biển.

Trong nửa thế kỷ sau khi Kosaka Masataka đưa ra cảnh báo, bá quyền biển của Mỹ bắt đầu phủ bóng đen, Trung Quốc trỗi dậy với tư cách là quốc gia bá quyền khu vực mới. Mặt khác, Nhật Bản đã lập nên chính quyền của Shinzo Abe, cuối cùng đã xuất hiện động thái muốn thoát khỏi bế tắc chính trị. Đây là sự chuyển đổi từ chủ nghĩa hòa bình không tưởng sang chủ nghĩa hòa bình tích cực. Thông qua sửa đổi giải thích Hiến pháp, tiến tới thực hiện quyền tự vệ tập thể là bước đi đầu tiên.

Nửa thế kỷ trước, giống như Trung Quốc lấy thử nghiệm hạt nhân để buộc Nhật Bản chuyển đổi thành quốc gia biển, Trung Quốc đến nay vươn ra đại dương là một quan điểm khác đang tiếp tục thúc đẩy Nhật Bản chuyển đổi.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 Trung Quốc
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 Trung Quốc
Đông Bình