Tàu Tam Sa 1 vừa được Trung Quốc kéo ra Hoàng Sa từ đảo Hải Nam hôm 5/1 phục vụ ý đồ tiếp tục bành trướng trên Biển Đông. |
Tân Hoa Xã ngày 7/1 đưa tin, với việc đưa con tàu "Tam Sa 1" vào hoạt động, Trung Quốc có thể vận chuyển 99 xe tăng tung hoành khắp Biển Đông trong khi Việt Nam chỉ có 1 ưu thế về vận tải hậu cần ra các đảo ở Trường Sa, đó là gần bờ.
Tờ Vượng Báo của Đài Loan hôm 7/1 cho biết, sáng 5/1 con tàu này đã rời Hải Nam tiến ra đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cất quân xâm lược và chiếm đóng trái phép từ các năm 1956, 1974 - PV).
Con tàu này dài 122 mét, rộng 21 mét, lượng dãn nước 7800 tấn, có sức chứa 456 người và 20 xe contairner tiêu chuẩn, chạy liên tục 6000 hải lý không cần tiếp nhiên liệu, tốc độ tối đa 19 hải lý/giờ. Nó có một bãi đỗ trực thăng trên sàn để thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ.
Hiện có khoảng 1000 người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, đại đa số là lính Trung Quốc được điều ra đồn trú trái phép. Mọi nhu cầu của lực lượng này đều được cung cấp từ đảo Hải Nam bằng đường hàng hải.
Dẫn lời Lý Kiệt một chuyên gia quân sự, Tân Hoa Xã cho biết năng lực đóng tàu của Việt Nam kém xa Trung Quốc, người Việt căn bản không có khả năng đóng các con tàu cỡ lớn. Đồng thời các đảo (ở Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) rất gần bờ nên Việt Nam hầu như không có nhu cầu đóng tàu cỡ lớn, chính vì vậy Việt Nam không có tàu hậu cần vận tải dân dụng cỡ lớn.
Theo một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc, đặc điểm các đảo, bãi đá ở Trường Sa là tàu lớn không thể vào, thuyền nhỏ thì không vận chuyển nổi do xung quanh có rất nhiều rặng san hô. Do đó các tàu vận tải ra khu vực Trường Sa bắt buộc phải có phương tiện vận chuyển gián tiếp.
Việt Nam chủ yếu sử dụng xuồng đáy phẳng để vận chuyển hàng vào đảo. Nhưng ưu thế lớn nhất của Việt Nam trong việc đảm bảo hậu cần lại nằm ở các cảng Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang, Vũng Tàu, có thể vận chuyển nhanh từ các cảng này.
Tân Hoa Xã cho rằng việc cung cấp hậu cần cho các đảo ở Trường Sa của Việt Nam không chỉ dựa vào hải quân, ngay cả lực lượng tàu thuyền của lục quân cũng có thể hỗ trợ cung cấp hậu cần trong hành trình ngắn.
Đài NHK của Nhật Bản hôm 5/1 cho biết, trong lúc Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á, việc Bắc Kinh đưa vào hoạt động tàu cung cấp hậu cần cỡ lớn như vậy là có mưu đồ tăng cường các hoạt động (bất hợp pháp) ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng đảo nhân tạo (trái phép) ở Trường Sa, do đó sẽ vấp phải phản đối của Việt Nam.
Trong một động thái khác có liên quan, tờ Đông Phương nhật báo của Hồng Kông ngày 7/1 bình luận, bất chấp phản đối của Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục tiến hành cải tạo trái phép biến một số bãi đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Không những thế, phụ san tờ Quân giải phóng gần đây còn công khai đăng một loạt ảnh mới nhất về các nhà nổi quân sự kiên cố ở Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn, Su Bi, Tư Nghĩa, Ga Ven (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và đồn trú trái phép từ năm 1988) cũng như tình hình huấn luyện của lực lượng quân sự đồn trú (trái phép) tại đây.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc còn công khai tuyên bố rằng sau khi cải tạo (bất hợp pháp), đá Chữ Thập đã có diện tích 0,9 km vuông. Hôm 6/1, Trung Quốc huy động các lực lượng hải cảnh, ngư chính, tàu cá và dân binh đồn trú (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa diễn tập vây bắt tàu cá nước ngoài.