Tuy bắt quả tang đã hơn 01 tháng nhưng đến nay, thông tin về việc xử lý Trung tâm Xử lý nước thải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn chưa được công bố.
Được biết, lúc 13h30 phút, ngày 04/12/2014, Đoàn Thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiến hành thanh tra Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối (Hưng Yên), đơn vị thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Sau khi điều tra, khảo sát hiện trạng môi trường khu vực xung quanh Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B và kiểm tra đột xuất tại Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối.
Những dòng kênh đen quạnh gần Khu công nghiệp Phố Nối. |
Đoàn Thanh tra phát hiện, nước thải xung quanh khu vực kênh Trần Thành Ngọ (là nguồn tiếp nhận nước thải của Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối B) có màu đen, đặc trưng của nước thải dệt nhuộm.
Hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm đang được vận hành bơm lên bể điều hòa, qua xử lý hóa lý, được bơm sang bể hiếu khí số 1 và dẫn vào bể lọc bằng than hoạt tính trước khi xả vào bể chứa nước thải sau xử lý ra ngoài môi trường (định kỳ được xả ra ngoài môi trường 01 lần/ngày vào thời điểm 22 giờ hôm trước đến 03 giờ sáng hôm sau).
Tuy nhiên, Đoàn thanh tra đã phát hiện Trung tâm đã dừng hoạt động của bể xử lý hiếu khí số 2 và dừng hoạt động của bể lắng 2 (theo quy định, nước thải sau khi qua bể hiếu khí số 01 hoặc số 02 sẽ phải qua bể lắng 2 và dẫn vào bể lọc qua than hoạt tính).
Thời điểm kiểm tra, nước thải được đấu tắt bằng đường ống thép đường kính 300mm từ bể hiếu khí số 1 vào hệ thống lọc qua than hoạt tính. Tuy nhiên, đường ống đấu tắt này được chia làm 2 đường, 01 đường đưa nước thải vào hệ thống lọc qua than hoạt tính, 01 đường có miệng xả vào hố thu nước thải sau xử lý, trên miệng xả này được lắp đặt 01 van khóa điều khiển đóng mở dễ dàng theo ý của người vận hành. Đoàn thanh tra yêu cầu Trung tâm mở van khóa này thì nước thải có màu đen xả trực tiếp ra ngoài.
Đoàn Thanh tra lấy mẫu nước thải xả trực tiếp ra môi trường của Trung tâm xử lý nước thải thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (ảnh: Vũ Huy) |
Sau đó 01 ngày, tức ào lúc 00 giờ 02 phút, ngày 05/12/2014, Đoàn Thanh tra công tác bảo vệ môi trường của Tổng Cục Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm vê môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên đã phục kích bắt quả tang Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối đang xả nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường qua đường ống đường kính 300mm.
Vào thời điểm Trung tâm đang xử trộm nước thải có ông Trần Quốc Việt là cán bộ đang trực vận hành hệ thống xử lý. Trước mặt cơ quan chức năng, ông Việt khai nhận đã mở van xả trái phép nước thải qua đường ông này vào lúc 23h30 phút ngày 04/12/2014.
Thời gian dự kiến xả trong khoảng 04 giờ theo như thông lệ đã xả từ trước đến nay được ghi trong sổ giao ca và ký trực. Theo ghi nhận của Đoàn Thanh tra vào Báo cáo của Trung tâm, mỗi ngày Trung tâm xả 01 lần, mỗi lần khoản 04 giờ liên tục, bắt đầu từ 22 giờ, 23 giờ, hoặc 24 giờ ngày hôm trước, lượng nước thải trung bình khoảng 3.500m3.
Tại thời điểm bắt quả tang, nước thải có màu đen, nhiều vẩn đục, bốc mùi hồi thối. Đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 02 mẫu nước thải. Ngoài việc xử lý nước thải cho Khu công nghiệp, Trung tâm còn nhận xử lý nước thải cho Công ty Minh Tâm (4.782m3) và Công ty Mỹ Hưng (khoảng 9m3).
Được biết, Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2005 trên tổng diện tích là 11.648m2. Hiện nay, Trung tâm đang thu gom nước thải từ 11 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và có hệ thống xử lý nước thải công suất thiết kế là 10.000m3/ngày đêm. Tập đoàn Dệt may Việt Nam được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt báo cáo tác động môi trường cho Dự án Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối tại Quyết định số 422/QĐ-BKHCN ngày 10/10/2002.
Hàng nghìn người dân địa phương đang chịu đựng cảnh ô nhiễm nhiều năm nay, hàng trăm hécta lúa bị cằn cỗi, nhiễm độc... ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Sức khỏe, tính mạng của người dân địa phương đang được đánh đổi bằng sự "tham lam" về kinh tế và sự vô cảm về đạo đức của lãnh đạo Trung tâm Xử lý nước thải thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Sự việc này, cần phải được trừng trị và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.