Theo Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tập thể người lao động trong doanh nghiệp được xem xét giao doanh nghiệp khi đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện:
1. Tự nguyện đăng ký nhận giao doanh nghiệp.
2. Cam kết duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm tối thiểu từ 3 năm trở lên kể từ ngày nhận giao doanh nghiệp (trừ trường hợp có thỏa thuận khác với từng cá nhân người lao động), đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Kế thừa công nợ và các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp sau khi đã xử lý theo các quy định của Nghị định này. Kế thừa quyền và nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
4. Không được bán, cho thuê, tự giải thể doanh nghiệp trong thời hạn tối thiểu là 3 năm sau khi nhận giao, trừ trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Chính phủ đang áp dụng nhiều cơ chế chính sách nhằm đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. |
Sau khi nhận giao, đại diện tập thể người lao động tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở) cùng Giám đốc DN tổ chức Hội nghị người lao động để biểu quyết theo thể thức đa số quá bán việc tự nguyện nhận giao DN; cử người đại diện tiến hành các thủ tục nhận giao doanh nghiệp.
Ban Đổi mới tại DN tiến hành phân loại tài sản, xác định và phân loại công nợ; lập báo cáo tài chính; dự kiến chi phí tổ chức thực hiện giao doanh nghiệp. Căn cứ số liệu trên sổ kế toán, kết quả kiểm kê, phân loại, xử lý tài sản, tài chính và công nợ theo các nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính và công nợ, Giám đốc DN và Ban Đổi mới tại DN lập phương án xác định giá trị DN được giao cho tập thể người lao động. Trường hợp chi phí tổ chức thực hiện giao doanh nghiệp theo dự kiến lớn hơn giá trị phần vốn nhà nước còn lại tại DN thì phải chuyển sang hình thức giải thể, phá sản.
Người được Hội nghị người lao động bầu làm đại diện tổ chức thực hiện lập danh sách kèm theo hồ sơ liên quan của người lao động, phân loại lao động; xây dựng và thông qua phương án nhận giao DN bao gồm cả phương án sản xuất kinh doanh và phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động; thực hiện các điều kiện nhận giao DN; cam kết sử dụng số lao động tự nguyện nhận giao DN.
Hồ sơ xin nhận giao DN được đại diện tập thể người lao động gửi đến Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị của Ban Đổi mới và Phát triển DN, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định giao DN phải xem xét, phê duyệt hồ sơ xin nhận giao DN và ban hành quyết định giao DN cho tập thể người lao động.
Ban Đổi mới và Phát triển DN cùng Giám đốc doanh nghiệp tổ chức bàn giao DN theo phương án đã được phê duyệt cho tập thể người lao động, có sự chứng kiến của đại diện cơ quan có thẩm quyền quyết định giao DN và cơ quan tài chính DN.
Sau khi nhận giao, đại diện tập thể người lao động tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc Đại hội thành viên, tùy theo loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc hợp tác xã mà tập thể người lao động nhận giao đã lựa chọn, thực hiện đăng ký DN theo quy định của pháp luật về đăng ký DN. Hồ sơ đăng ký DN phải bao gồm bản sao hợp lệ quyết định giao DN, hợp đồng giao nhận DN và biên bản bàn giao DN cho tập thể người lao động.
Quyền sở hữu đối với DN sau khi giao toàn bộ giá trị tài sản còn lại của DN sau khi đã được xử lý theo quy định thuộc sở hữu tập thể người lao động và chia thành các cổ phần hoặc các phần vốn góp để giao cho từng người lao động tham gia nhận giao DN.
Mỗi người lao động nhận giao DN được giao quyền sở hữu một phần giá trị tài sản còn lại này bằng cổ phần hoặc phần vốn góp tương ứng với số năm đã làm việc cho khu vực nhà nước; được hưởng cổ tức, phần lợi nhuận; có quyền để thừa kế nhưng không được chuyển nhượng số cổ phần hoặc phần vốn được giao trong thời hạn 3 năm sau khi nhận giao DN.