Biển Đông: TQ dập khuôn cách Liên Xô kiểm soát biển Okhotsk trong quá khứ?

12/01/2015 09:59
Đông Bình
(GDVN) - Bắc Kinh muốn cạnh tranh chiến lược với Mỹ, bảo vệ tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam để có năng lực đe dọa hạt nhân, do đó tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp.
Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông (nguồn Tân Hoa xã)
Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông (nguồn Tân Hoa xã)

Trang mạng "The Hindu" Ấn Độ ngày 7 tháng 1 đưa tin, có nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh tuyên bố "chủ quyền" (bất hợp pháp) ở Biển Đông ở mức độ lớn hơn là để cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ không hoàn toàn là tranh đoạt dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên.

Theo bài báo, mặc dù Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư đối với các mỏ dầu ở biển gần, nhưng đối với chiến lược hạt nhân của Mỹ - chứ không phải đối với nhu cầu an ninh năng lượng - có lẽ mới là nguyên nhân cốt lõi Bắc Kinh "tuyên bố chủ quyền" ở Biển Đông một cách bất hợp pháp.

Bài báo dẫn truyền thông Trung Quốc cho rằng, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đẩy nhanh các bước khai thác dầu mỏ trên biển, đặc biệt là khai thác dầu mỏ ở phía tây Biển Đông. Mục tiêu của họ là xây dựng một mỏ dầu lớn có sản lượng hàng năm là 10 triệu tấn.

Bài báo cho rằng, nhu cầu năng lượng tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc xem ra thực sự là một nguyên nhân để họ "tuyên bố chủ quyền", hành động này cũng đã làm trầm trọng hơn tranh chấp với các nước ven Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Trung Quốc ngang nhiên, phi pháp tuyên bố có "chủ quyền" đối với phần lớn vùng biển trong đó có "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò). "Đường chín đoạn" từ đảo Hải Nam - cực nam Trung Quốc mở rộng ra vài trăm đến trên 1.000 km về phía nam và phía đông, đã bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) có ý nghĩa chiến lược.

Tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận (ảnh tư liệu)

Lý do dùng để ủng hộ yêu sách lãnh thổ (bất hợp pháp, vô hiệu) này của Trung Quốc là, trong lịch sử hơn 2.000 năm, hai quần đảo này đều là một phần "không thể tách rời" của lãnh thổ Trung Quốc (cho dù Bắc Kinh chỉ bịa đặt chứng cứ và chẳng có chứng cứ nào thuyết phục).

Nhưng, Việt Nam từ chối chấp nhận lý do của Trung Quốc và và đưa ra các tài liệu chính thống để chứng minh chủ trương lãnh thổ của mình. Đối với họ, Việt Nam ngay từ thế kỷ 17 đã xác lập quyền quản lý đối với vùng biển này. Bắc Kinh cũng gây ra xung đột với Manila do vấn đề lãnh thổ bãi cạn Scarborough cách Philippines khoảng 160 km.

Theo bài báo, để khẳng định "quyết tâm bảo vệ yêu sách chủ quyền" phi pháp của mình (ý đồ bành trướng lãnh thổ), ngày 5 tháng 1 năm 2015, Trung Quốc đã điều tàu tiếp tế giao thông cỡ lớn Tam Sa-1 mới nhất của nước này từ đảo Hải Nam chạy tới đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Đảo Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam cũng tuyên bố (và có bằng chứng lịch sử, pháp lý đầy đủ) đối với hòn đảo (cùng quần đảo) này.

Khi bác bỏ "thuyết năng lượng", rất nhiều nhà phân tích tin rằng, Bắc Kinh "tuyên bố chủ quyền" (bất hợp pháp) ở Biển Đông ở mức độ lớn hơn là do cạnh tranh chiến lược lâu dài Trung-Mỹ dựa trên chiến lược hạt nhân, chứ không hoàn toàn là để tranh giành tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.

Bảo vệ tài sản trên biển - đặc biệt là một lô tàu ngầm hạng nhất giúp cho Trung Quốc có khả năng tấn công hạt nhân và năng lực răn đe tin cậy - hầu như là nguyên nhân buộc Bắc Kinh “đuổi” các đối thủ cạnh tranh khác ra khỏi Biển Đông.

Tàu ngầm Hải quân Trung Quốc triển khai trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm Hải quân Trung Quốc triển khai trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Bài báo cho rằng, Trung Quốc mãi đến gần đây mới trang bị tên lửa Cự Lang-2 có tầm bắn 7.350 km và lắp cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớn Tấn. Một trang mạng quân sự Nga cho rằng, nghiên cứu chế tạo tên lửa tầm bắn đạt 11.000 km cũng sẽ tăng cường năng lực tấn công hạt nhân lần hai cho Trung Quốc, loại tên lửa này sẽ trang bị cho tàu ngầm hạt nhân lớp Đường Type 096.

Để sở hữu năng lực uy hiếp/đe dọa tin cậy, những tên lửa xuyên lục địa này phải được triển khai ở khu vực duyên hải được bảo vệ đầy đủ.

Trên trang mạng "Học giả Ngoại giao", học giả Tetsuo Kotani Nhật Bản cho rằng, chính vì Trung Quốc hiện nay muốn bảo vệ "đá quý trên vương miện" biển của mình tránh bị Mỹ tấn công ở cự ly gần, đặc biệt là các cuộc tấn công từ lực lượng săn ngầm chuyên nghiệp, họ mới buộc phải kiểm soát Biển Đông. Thông qua phòng thủ nhiều tầng và yểm trợ trên không để bảo vệ căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam đến nay đang trở nên cực kỳ quan trọng.

Bài báo cho rằng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng áp dụng đối sách tương tự, thông qua kiểm soát biển Okhotsk để bảo vệ tài sản tấn công hạt nhân lần thứ hai của mình. Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô khi đó đã triển khai 100 tàu ngầm và 140 tàu chiến mặt nước trong đó có tàu sân bay lớp Kiev, dùng để bảo vệ tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm của họ.

Tuy nhiên, tình hình của Trung Quốc tương đối khó khăn, bởi vì khác với biển Okhotsk, Biển Đông là tuyến đường quốc tế bận rộn và tuyến đường thương mại quan trọng toàn cầu, đối với các nước khác trên thế giới cũng cực kỳ quan trọng.

Hình ảnh này được cho là tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 triển khai ở Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc
Hình ảnh này được cho là tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 triển khai ở Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc
Đông Bình