Ngày 7/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có chỉ thị chỉ thị yêu cầu Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vietnam Airlines thực hiện các chế độ đãi ngộ khác để giữ chân lao động, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy hiếp hoạt động bay của Tổng công ty. Thời hạn hoàn thành là trong quý I năm nay. Đồng thời, yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines.
Trước đó Báo Pháp luật Việt Nam dẫn nguồn tin từ Đoàn bay 919 cho biết, trong mấy tháng gần đây đã có hơn chục phi công rời Vietnam Airlines làm việc cho hãng khác. Đơn xin chấm dứt hợp đồng hiện vẫn còn nhiều.
Nhiều nhân viên kỹ thuật cao của Vietnam Airlines xin nghỉ vì cho rằng thu nhập thấp (ảnh minh họa) |
Trả lời trên báo Thanh Niên, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay: “Trong thời gian qua đã có một số lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airline xin nghỉ ốm và chuyển việc, gây ảnh hưởng đến hoạt động của Vietnam Airlines” nhưng ông Thanh từ chối trả lời câu hỏi việc xin chuyển chỗ làm của những lao động này là do chế độ đãi ngộ thấp hay nguyên nhân nào khác.
Hiện mức lương chính thức cập nhật mới nhất đến thời điểm cuối năm 2014 chưa được Vietnam Airlines công bố. Tuy nhiên theo báo cáo thông tin trước thời điểm tổ chức đầu giá cổ phần Vietnam Airlines, năm 2013, lương bình quân tháng của một phi công Vietnam Airlines ở mức 74,8 triệu đồng và tiếp viên là 18,7 triệu đồng. Kế hoạch đến năm 2018, Vietnam Airlines sẽ tăng số lượng phi công lên 1.128 người, trong đó khoảng 796 phi công Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng đội bay.
Tuy không có thông tin chính thức về mức thu nhập của phi công tại các hãng hàng không khác ở Việt Nam nhưng theo nhiều nguồn tin không chính thức được công bố trên các diễn đàn về hàng không, nếu một phi công giỏi của Vietnam Airlines chuyển sang bay cho một hãng khác ngay trong nước, thu nhập ước tính sẽ cao hơn khoảng từ 2 - 3 lần.
Báo Người Lao Động cho rằng, nhiều phi công cán bộ kỹ thuật cao của Vietnam Airlines xin nghỉ việc đã chuyển sang làm việc tại Vietjet Air. Cụ thể tờ báo viết, VietJet Air đang thực hiện chính sách thu nhập cao để thu hút lao động từ các hãng hàng không nội địa và quốc tế. Hiện nay, nhân sự của VietJet có đến 20 quốc tịch khác nhau. Trong đó, một lực lượng đáng kể lao động từ Vietnam Airlines đã sang VietJet làm việc, chủ yếu là đội ngũ kỹ thuật, tiếp viên và gần đây là phi công.
Một thợ kỹ thuật từ Công ty Kỹ thuật máy bay (Vaeco – thuộc Vietnam Airlines) sang làm việc cho VietJet Air được nhận mức thu nhập gấp khoảng 3 lần, tăng từ 20 triệu đồng lên 58 triệu đồng.
Trong khi đó trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Bùi Lâm - Phó Trưởng ban Tổ chức và phát triển nguồn nhân lực – Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cũng nhận định đây là vấn đề liên quan đến thu nhập của người lao động, khó có thể giải quyết được trong ngày một ngày hai và cần có những giải pháp tích cực đồng nhất từ nhiều tổ chức chính quyền, đoàn thể.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, cho biết việc nhân viên kỹ thuật cao phản ánh về nơi ở thì cách đây một tháng đã có cuộc đối thoại giữa phi công và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam: “Tại đây mọi việc đã được giải quyết, hiện các phi công được đưa ra khách sạn ở rồi…”.
Cũng theo ông Minh, các phi công cho rằng tiền lương của Vietnam Airlines thấp hơn VietJet nên xin nghỉ là không đúng. “Hiện thu nhập của các phi công ở Vietnam Airlines khoảng 200 triệu đồng/tháng, cao hơn lương của giáo sư, tiến sĩ và lao động ở các lĩnh vực khác ở Việt Nam. Hơn nữa hãng hàng không Vietnam Airlines thuộc quốc gia nên không thể đòi hỏi như vậy. Nếu anh là hàng không tư nhân thì câu chuyện đồng lương đó là đúng…” - ông Minh nói. Ông Minh cho rằng: “Họ phải suy nghĩ mức lương họ đang được hưởng là bao nhiêu và với số tiền đó có chật vật khi sống ở Việt Nam hay không…”.