Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập sau khi cưỡng chiếm của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988. Hiện tại Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo bất hợp pháp hòng đặt căn cứ quân sự tại đây. |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 13/1 đăng bài phân tích của học giả Ei Sun Oh, thành viên cao cấp Viện Học thuật quốc phòng và chiến lược trường S. Rajaaratnam, đại học công nghệ Nam Dương, Singapore bình luận, chiến lược cân bằng của Malaysia trong vấn đề Biển Đông khi làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay sẽ không chỉ là "bảo hiểm rủi ro". Khu vực đang tập trung nỗ lực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, nhưng các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông dù đã lắng xuống nửa cuối năm 2014, nhưng vẫn tiếp tục là một vấn đề khó khăn.
Malaysia sẽ xử lý vấn đề Biển Đông như thế nào khi vừa là một quốc gia có yêu sách ở Biển Đông, vừa giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2015 là vấn đề rất quan trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực. Gần đây một số nhà nghiên cứu đã khái quát đặc điểm quản lý tranh chấp Biển Đông từ phía Malaysia đối với Trung Quốc giống như một phương pháp tiếp cận "bảo hiểm rủi ro". Tức làm sao vừa không để ảnh hưởng đến yêu sách của Kuala Lumpur và vừa không để ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Bắc Kinh, cân bằng lợi ích quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc và ASEAN.
Ei Sun Oh bình luận, lập luận về "bảo hiểm rủi ro" có thể chính xác một phần, nhưng nó đặt ra một tầm nhìn toàn diện và đầy sắc thái về vai trò quốc tế của Malaysia cũng như cái nhìn "thực tế hơn" trong khu vực. Đầu tiên theo Ei Sun Oh, trong hàng trăm năm qua Malaysia đã định hình là một trung tâm thương mại sôi động trong khu vực, đặc biệt kể từ khi quốc gia này tiến hành công nghiệp hóa nhanh chóng trong nửa thế kỷ qua với sự hỗ trợ quan trọng từ đầu tư nước ngoài.
"Tâm lý quốc gia phổ biến" của Malaysia bao gồm cả người dân và chính quyền đều thể hiện một sự ưa thích tự nhiên mạnh mẽ hướng tới những mối quan tâm về kinh tế như cải thiện thương mại và đầu tư, "trái ngược với tư tưởng thái quá và lo ngại dân tộc". Khối lượng giao dịch thương mại giữa Malaysia và Trung Quốc rất lớn, vượt qua 100 tỉ USD mỗi năm trong vài năm qua, Trung Quốc trở thành đối tác lớn nhất của Malaysia. Những mối quan hệ kinh tế song phương có hiệu quả và dễ hiểu khi nó "làm lu mờ các tranh chấp Biển Đông leo thang không liên tục".
Do đó Ei Sun Oh cho rằng Kuala Lumpur không áp dụng các phương pháp tiếp cận "đối đầu trong tranh chấp Biển Đông như Việt Nam và Philippines"?! Và điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi theo Ei Sun Oh và Thời báo Hoàn Cầu, Việt Nam "không may gặp phải xung đột vũ trang và chiến tranh kéo dài, đau thương trên con đường xây dựng đất nước, nên thái độ được cho là chủ nghĩa dân tộc mạnh hơn của Việt Nam không có gì khó hiểu".
Cần nhấn mạnh rằng, đúng là người Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh bởi phải đối phó với các đạo quân xâm lược hung hãn từ các đế quốc hàng đầu cũng như từ láng giềng phương Bắc buộc người Việt phải luôn luôn cảnh giác và có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ rất cao. Tuy nhiên, Việt Nam không hề có cái gọi là "phương pháp tiếp cận đối đầu" như học giả Ei Sun Oh và Thời báo Hoàn Cầu chụp mũ.
Người Việt chỉ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và những gì thuộc về mình một cách hợp pháp, quyết không để cho ai đó được đằng chân lân đằng đầu, bành trướng và gặm nhấm từng tấc đất, tấc biển của cha ông để lại. Bằng cách nói rằng Việt Nam "tiếp cận vấn đề Biển Đông một cách đối đầu", Ei Sun Oh và Thời báo Hoàn Cầu đã và đang bóp méo sự thật, biến nạn nhân thành hung thủ, trong khi bênh vực kẻ cắp - PV.
Tàu Bình Minh 02 từng bị tàu Hải giám Trung Quốc liều lĩnh xông vào cắt cáp ngay trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. |
Còn với Philippines, sở dĩ không có cách "bảo hiểm rủi ro" như Malaysia trong quan hệ với Trung Quốc trên Biển Đông, theo Thời báo Hoàn Cầu và Ei Sun Oh là bởi quốc gia này đã không có một sự phát triển kinh tế lớn, cũng không có sở thích tìm kiếm kết quả phát triển kinh tế thương mại như Malaysia. Phải chăng ý Thời báo Hoàn Cầu và học giả Ei Sun Oh là, Philippines không coi Trung Quốc là đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất, không có gì nhiều để mất nên mới "đối dầu" với Bắc Kinh trên Biển Đông theo cách nói của học giả và tờ báo này?
Quay trở lại với khái niệm bảo hiểm rủi ro, Thời báo Hoàn Cầu và Ei Sun Oh cho rằng cần được hiểu trong bối cảnh rộng lớn hơn. Ngoài việc duy trì các quan hệ kinh doanh "màu mỡ" với Trung Quốc, Malaysia cũng giống nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác cũng hoan nghênh việc Mỹ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực. Tập trận chung, các nỗ lực chống khủng bố tùy còn ít nhưng tiếp tục đóng vai trò xây dựng và là nền tảng của hợp tác an ninh Mỹ - Malaysia. Kuala Lumpur chắc chắn cũng không bỏ rơi tình đoàn kết với các nước láng giềng trong khu vực trong vấn đề Biển Đông.
Malaysia vẫn cam kết và chủ động thúc đẩy các giải pháp ngoại giao trong khu vực, nhưng cũng không kém phần thoải mái và cởi mở trong đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông. Nhưng dù song phương hay đa phương, Malaysia đều khá linh hoạt trong việc sử dụng các phương tiện mà Thái Lan, Indonesia, Singapore đã sử dụng thành công. Malaysia có vẻ thuận lợi hơn trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán COC được cho là không động chạm đến vấn đề chủ quyền, cung cấp khuôn khổ thực dụng cho các cuộc gặp gỡ có khả năng sôi động trong vấn đề Biển Đông.
Theo Ei Sun Oh và Thời báo Hoàn Cầu, các phương pháp tiếp cận của Việt Nam và Philippines đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông về cơ bản "chưa tích lũy được kết quả và lợi ích mong muốn". Ví dụ trong cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough năm 2012, Bắc Kinh đã chiếm quyền kiểm soát khu vực này. Đối với Việt Nam, các cuộc đụng độ lặp đi lặp lại với Trung Quốc ở Biển Đông cũng không thể lấy lại được quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đang kiểm soát (bất hợp pháp sau khi xâm lược năm 1956, 1974). Vì vậy Malaysia không rút ra được bài học tích cực nào từ việc tiếp cận như vậy của Việt Nam và Philippines?!
Phải chăng Thời báo Hoàn Cầu muốn mượn lời học giả Ei Sun Oh để đe dọa láng giềng, rằng dám đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông rốt cuộc cũng chẳng được gì mà lại mất thêm như Philippines mất Scarborough để làm nhụt chí đối phương? Nếu đúng như vậy thì Thời báo Hoàn Cầu đã nhầm.
Tờ báo này dẫn lời Ei Sun Oh cho rằng, ngay cả Việt Nam và Philippines cũng không phải lúc nào cũng đối đầu với Trung Quốc?! Xin nói cho rõ, người Việt không đối đầu với ai, nhưng không cho phép ai ức hiếp mình. Để chứng minh cho nhận định này, học giả Ei Sun Oh nói rằng trong khi diễn ra bế tắc Scarborough, Philippines vẫn khánh thành một con đập do Trung Quốc tài trợ.
Còn Việt Nam, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Ei Sun Oh cho răng xung đột Biển Đông với Trung Quốc thường lắng xuống sau khi lãnh đạo hai nước tiếp xúc gặp gỡ. Học giả Singapore và tờ báo Trung Quốc còn cho rằng "yêu sách của Việt Nam ở Biển Đông tương tự như Trung Quốc"?! Trong khi thực tế Việt Nam chỉ bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển trên Biển Đông được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không có cái gọi là đường lưỡi bò gặm trọn Biển Đông như Trung Quốc - PV.