Sự việc thí sinh Tấn Phát uống a xít ngay trên sóng truyền hình thực tế đặt ra cho chúng ta những vấn đề. Đó là việc quản lý các gameshow thực tế được truyền hình trực tiếp như thế nào để không xảy ra những trò lố như vậy? Và, khán giả nên đối xử với những trò nguy hiểm trên sóng truyền hình như thế nào.
Tấn Phát có nên tiếp tục với Got Talent?
Nhiều người cho rằng, với “chiêu độc” thử a xít trên sóng, Tấn Phát đã thành công về mặt truyền thông khi tất cả mọi người đều biết đến anh. Tuy nhiên, xét về bản chất, việc khán giả biết đến Tấn Phát cũng không khác gì trường hợp của Lệ Rơi trước đó. Nếu quả thực Tấn Phát chấp nhận mạo hiểm mạng sống chỉ để đổi lấy sự nổi tiếng cho thấy anh đang rất thiếu tự tin vào mình. Một người chấp nhận “đánh bạc” mạng sống của mình để được nổi tiếng cũng thể và không nên được tung hô hay khuyến khích. Và người dám “liều mạng” với những trò ngu ngốc chắc chắn không phải là người có tài!
Cần "cấm" những thí sinh "liều mạng" như Tấn Phát lên truyền hình |
Việc “cấm” Tấn Phát lên truyền hình là cách tốt để giúp cậu ta không bị những thứ hào quang giả tạo xúi giục làm những điều dại dột. Và trên hết, nó sẽ là bài học cho những bạn trẻ đã hoặc sắp có ý định “bán mạng” để được nổi tiếng. Đó cũng là cách để phòng, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai.
Giới hạn nào cho những “chiêu trò” trên truyền hình
Trên thực tế, để tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn khán giả, không ít gameshow truyền hình sử dụng các trò nguy hiểm, kích thích trí tò mò, sự hồi hộp của khán giả. Ngay ở Vietnam Got Talent, khán giả đã từng sởn gai ốc vì những màn nuốt cá kèo sống, đâm vật nhọn xuyên mũi, nuốt dao lam… Những gameshow khác như: Đố ai hát được, Tôi dám hát,… khai thác sự nhếch nhác của người chơi (là những ca sỹ, diễn viên trẻ) như một cách để gây cười, tạo sự chú ý.
Những trò nguy hiểm đang trở thành phương tiện gây sự chú ý của Vietnam Got Talent |
Với những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc như Vietnam Idol, Nhân tố bí ẩn, The Voice, The Voice Kids… thì scandal chính là một trong những yếu tố không thể thiếu. Người ta (vô tình hoặc cố ý) dựng lên các scandal, chẳng hạn, Nhân tố bí ẩn dựng những phóng sự mùi mẫn về hoàn cảnh của các thí sinh như Loki Bảo Long, Lê Tích Kỳ, ca sỹ Anh Thúy… nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Khán giả rất khó tin khi ca sỹ Anh Thúy vượt qua hàng chục người quen biết chỉ với chiếc mặt nạ che đôi mắt để tiến vào Nhân tố bí ẩn với 1 cái tên hoàn toàn khác.
Không chỉ thế, việc kêu gọi khán giả bình chọn một cách vô tội vạ cũng khiến cho các show truyền hình thực tế đậm chất kim tiền.
Thí sinh Vietnam Got Talent xuyên vật cứn qua mũi |
Trò chơi nguy hiểm xuất hiện trong các chương trình truyền hình thực tế kích thích giới trẻ bắt chước là rất nguy hiểm. Các cơ quan chức năng cần có thái độ nghiêm khắc, có những chế tài xử lý rõ ràng với những trò lố trong các gameshow trên sóng truyền hình. Và trên hết VTV cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc kiểm duyệt nội dung, xây dựng kịch bản cũng như những quy định cụ thể để các trò tạo scandal không còn đất sống trên sóng truyền hình quốc gia.
Khán giả cần tỉnh táo hơn
Bên cạnh đó, khán giả, giới truyền thông cũng cần tỉnh táo và thận trọng hơn khi đối mặt với những chiêu trò PR trong cách show truyền hình thực tế.
Điều rất dễ nhận ra là, khi những trò “đặc biệt” như trường hợp Tấn Phát diễn ra trên sóng truyền hình, ngay lập tức nó được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông vô tình khiến cho những chiêu trò ấy được chú ý. Và khi người thực hiện các chiêu trò điên rồ (như uống a xít chẳng hạn) chỉ nhằm mục đích “câu view” thì có nghĩa họ đã đạt được mục đích.
Cần cân nhắc khi đưa những trò nguy hiểm lên sóng truyền hình |
Sự cả tin của người xem cũng như truyền thông vô tình tiếp tay cho những sự bất bình thường ấy được mọi người biết đến. Nếu khán giả bình tĩnh hơn, giới truyền thông “tỉnh táo” hơn có lẽ những chiêu trò nguy hiểm, ngu ngốc ấy sẽ không có nhiều cơ hội được PR miễn phí.