Ngày 10/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 70/2014/QĐ-TTg "Ban hành Điều lệ trường đại học", có hiệu lực từ 30/1/2015 thay cho quyết định: 58/2010/QĐ-TTg; Quyết định 61/2009/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục; Quyết định 63/2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục.
Quyết định của Thủ tướng ban hành Điều lệ trường đại học. |
Tại mục b khoản 2 Điều 34 có đoạn "Biên bản họp đại hội đồng cổ đông thông qua việc trường đại học tư thục chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận. Biên bản này phải được sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, trừ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường có quy định tỷ lệ này cao hơn".
Nếu nội dung trên chỉ dừng tới đoạn "Biên bản này phải được sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn" thì có lẽ sẽ không có chuyện gì xảy ra, nhưng vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan soạn thảo lại đưa thêm "cái đuôi" kỳ lạ: "trừ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường có quy định tỷ lệ này cao hơn".
Nếu "cái đuôi" này tồn tại thì có nghĩa là toàn bộ đoạn nội dung phía trên không thể trở thành quy định cứng, mà sẽ tạo cơ hội cho một số trường tự đặt ra... "lệ làng". Nó làm triệt tiêu mục đích hướng dẫn các trường hướng tới mục tiêu "hoạt động không vì lợi nhuận", vốn là câu chuyện đã có quá nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Mục b khoản 2 Điều 34 trong "Điều lệ các trường đại học" mọc ra cái đuôi lạ "trừ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường có quy định tỷ lệ này cao hơn". |
Điều lệ này ban hành được ban hành vào ngày 10/12/2014 và tới ngày 31/12/2014 thì đã phải đính chính. Người ký văn bản này chính là ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, trong văn bản nói rõ sửa lại mục b khoản 2 Điều 34 (thực chất là cắt bỏ đoạn cuối cùng): "trừ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường có quy định tỷ lệ này cao hơn".
Văn bản đính chính do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký. |
Văn bản do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký nói rằng "Do sơ xuất kỹ thuật, xin được đính chính lại nội dung...". Tuy nhiên, khi so sánh sẽ thấy ngay đây không phải là "sơ xuất kỹ thuật", mà thực tế "cái đuôi" ở mục b khoản 2 Điều 34 còn tồn tại thì sẽ tạo ra một cách hiểu khác. Nó là vấn đề của tư duy, chứ không đơn thuần là sơ xuất khi soạn thảo văn bản.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giáo dục sửa sai và nêu lý do "lỗi kỹ thuật". Còn nhớ tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (giữa năm 2014), ông Phạm Vũ Luận cũng mang "lỗi kỹ thuật" ra để lý giải cho việc cấp phó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội con số hơn 34 nghìn tỷ đồng đổi mới chương trình sách giáo khoa.
Ông Luận nói: "Phải nói để các đồng chí thông cảm, lúc đó một đồng chí cấp vụ trao lên tờ giấy. Sau này, họp báo thông tin lại nhưng thông tin trên báo chí cũng chưa được hiểu rõ. Đây không phải là số tiền để đổi mới sách giáo khoa mà còn làm nhiều việc khác nữa, vì thế đã gây băn khoăn, khiến nhân dân hiểu là vẽ ra tiêu tiền. Đây là lỗi kỹ thuật, tôi xin báo cáo lại như vậy".
Lần này, Bộ trưởng Luận đã ký văn bản đính chính, nhưng với lối làm việc vô trách nhiệm của những cán bộ cấp dưới, không rõ Bộ trưởng còn phải đính chính bao nhiêu lần nữa?