"Nga nên phát triển mạnh quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam"

16/01/2015 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Hãy nhớ rằng Trung Quốc sẽ chỉ luôn hành động vì lợi ích của bản thân họ, và Bắc Kinh đã sử dụng những khó khăn hiện tại của Nga với phương Tây để mặc cả.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

The Moscow Times ngày 15/1 đăng tài liệu được cho là Cố vấn An ninh quốc gia Nga gửi Tổng thống Vladimir Putin của Josh Cohen, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hiện làm việc cho một công ty công nghệ vệ tinh. Tài liệu này đã đưa ra một số kiến nghị với Tổng thống Vladimir Putin về chính sách đối ngoại của Nga năm 2015 nên tập trung vào.

Năm 2015 đã đến, Nga tự thấy mình phải đối mặt với một loạt các thách thức kinh tế và địa chính trị kiểm tra dũng khí của Nga, vì vậy Moscow sẽ phải chọn lựa các mục tiêu ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình năm nay.

Bằng mọi giá phải ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, EU

Mục tiêu của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn phải giữ nguyên như khi nó mới bắt đầu 1 năm trước, bằng mọi giá Moscow phải ngăn chặn Ukraine xâm nhập vào hệ thống phương Tây, đặc biệt là NATO. Phương Tây cần phải được nhắc lại rằng, vấn đề Ukraine gia nhập NATO vẫn là giới hạn đỏ cuối cùng của Nga, và điều này vẫn là một mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại.

Kịch bản lý tưởng của Nga sẽ là hoạt động thương thuyết hòa giải khủng hoảng Ukraine để bảo vệ lợi ích của mình ở miền Đông nước này. Quá trình đàm phán với chính quyền Kiev, Moscow nên lưu ý 3 nội dung chính: Ukraine phải cam kết tình trạng trung lập phi liên kết, loại bỏ mọi khả năng NATO kết nạp Kiev; Hai là bảo vệ tình trạng của tiếng Nga tại Ukraine và các mối quan hệ văn hóa truyền thống giữa 2 nước.

Thứ 3, cho phép miền Đông Ukraine thiết lập các đặc khu kinh tế và chính trị của riêng mình, nên ủng hộ việc thành lập một mối quan hệ thương mại đặc biệt giữa Nga và miền Đông Ukraine, kể cả trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Donetsk và Luhansk vẫn nên là một phần của Ukraine và xem đó là điều kiện để đảm bảo Kiev không gia nhập NATO.

Theo tài liệu được cho là của Cố vấn An ninh quốc gia Nga được Josh Cohen cung cấp, Moscow phải chuẩn bị để có biện pháp giữ Ukraine đủ duy trì ổn định và ngăn chặn các cải cách kinh tế - an ninh cần thiết có thể thúc đẩy Kiev quan hệ sâu sắc hơn với NATO và EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mặc dù khủng hoảng kinh tế hiện nay đang diễn ra ở Nga, nhưng Moscow vẫn có nhiều đòn bẩy chống lại chính quyền Kiev, đầu tiên và trước hết là tiếp tục ủng hộ lực lượng ly khai ở Donbass. Về kinh tế Nga đang giữ khoản nợ trái phiếu chính phủ 3 tỉ USD của Ukraine mà Kiev phải thanh toán trong năm 2015.

Khó chơi với Mỹ, cần tập trung cải thiện quan hệ với Pháp, EU

Hiện nay rõ ràng rằng Washington có ý định đẩy Moscow vào chân tường, và có rất ít cơ hội để cải thiện quan hệ giữa 2 cường quốc. Do đó mục tiêu chính của Nga với các đối tác phương Tây là nên bắt đầu sửa chữa những thiệt hại cho mối quan hệ của Nga với châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố, đến lúc phải kết thúc lệnh trừng phạt chống lại Nga. Các nhà ngoại giao Moscow cần phải tập trung mũi nhọn vào các cuộc tấn công khủng bố ở Paris tuần trước để nhắc nhở người Pháp, họ và Nga đang phải đối mặt với kẻ thù chung. Paris có thể đạt được nhiều thứ hơn thông qua hợp tác với Nga thay vì trừng phạt Moscow.

Nga cũng vẫn giữ được mối quan hệ tốt với một số nước EU như Áo và Hungary, cả hai đều không ủng hộ lệnh trừng phạt mở rộng nhằm vào Nga. Các nhà ngoại giao Nga nên tiếp cận với các đảng phái chính trị khác nhau ở châu Âu thay vì cách tiếp cận chính thống truyền thống.Moscow cũng có thể làm tăng trực tiếp ảnh hưởng đến dư luận châu Âu thông qua truyền thông.

Moscow nên tiếp tục nhắc nhở công dân châu Âu rằng chúng ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa chung từ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa bá quyền Hoa Kỳ.

Nga nên quan hệ gần gũi hơn với Nhật-Ấn-Việt Nam để làm đối trọng với Trung Quốc

Tài liệu được cho là của Cố vấn An ninh quốc gia Nga gửi Tổng thống Vladimir Putin khuyến cáo rằng, Moscow phải tiếp tục quay trục chiến lược sang châu Á từ lời nói đến thực tế. Liên quan đến Trung Quốc, ông Putin đã thiết lập được mối liên hệ chặt chẽ với Tập Cận Bình, mối quan hệ này có thể tạo tiền đề cho hợp tác sâu hơn.

Trung Quốc luôn hành động vì lợi ích bản thân họ, đã từng lợi dụng khó khăn của Nga với phương Tây để mặc cả với Moscow.
Trung Quốc luôn hành động vì lợi ích bản thân họ, đã từng lợi dụng khó khăn của Nga với phương Tây để mặc cả với Moscow.

Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, Nga - Trung đã lên kế hoạch tổ chức 2 cuộc tập trận hải quân trong năm nay, một ở châu Á và một ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rằng Trung Quốc sẽ chỉ luôn hành động vì lợi ích của bản thân họ, và Bắc Kinh đã sử dụng những khó khăn hiện tại của Nga với phương Tây để mặc cả với Moscow trong quá trình đàm phán hiệp định khí đốt tự nhiên.

Trục châu Á của Nga nên tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc bằng cách phát triển quan hệ gần gúi hơn với các nước châu Á khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Riêng liên minh kinh tế Á - Âu, Moscow phải thừa nhận thực tế rằng liên minh này đã có một khởi đầu bất hạnh. Kazakhstan và Belarus đều đang thất vọng bởi tác động tiêu cực của đồng rúp yếu đến nền kinh tế của họ.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã yêu cầu dùng đô la Mỹ hoặc euro thanh toán thương mại với Nga thay vì đồng rúp. Trong khi đó Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã bắt đầu đặt câu hỏi, liệu Kazakhstan thận chí có nên ở lại trong liên minh kinh tế Á - Âu hay không. Vì vậy Nga sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo các đối tác tin tưởng rằng liên minh này là một chiến lược tốt cho nền kinh tế quốc gia họ trong dài hạn.

Hồng Thủy