Trong vòng dư luận bàn việc giữ hay bỏ thi giáo viên dạy giỏi, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc. Theo ông, thi dạy giỏi là cần thiết, nhưng đừng bắt nhà giáo phải đi theo phong trào, hãy để họ tự thân thấy được sự hữu ích của hội thi mà tham gia mới tốt.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả, các quý thầy cô!
Có thể nói, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là một hoạt động rất có ý nghĩa, bổ ích và cần thiết trong môi trường giáo dục, trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Nhà giáo. Nó đã được các cấp quản lý giáo dục từ trường học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, duy trì tổ chức đều đặn, thường xuyên hàng mấy chục năm nay.
Năm 2010 và 2012, Bộ GD & ĐT từng ban hành 2 thông tư về Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp học phổ thông, giáo dục thường xuyên nhằm quy định cụ thể, chi tiết và thống nhất về cách thức tổ chức, công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi các cấp trên phạm vi toàn quốc.
Chúng tôi đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Bộ GD & ĐT trong nhiệm vụ xây dựng và ban hành khung cơ sở pháp lý nói trên để các đơn vị, các địa phương thuận tiện, đồng nhất khi triển khai thực hiện.
Về hình thức đánh giá, cộng nhận giáo viên dạy giỏi các cấp dựa vào 1 bài kiểm tra năng lực, 2 tiết dạy trên lớp, 1 sáng kiến kinh nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; còn giáo viên chủ nhiệm giỏi thì gắn với hồ sơ chủ nhiệm, bài thi hiểu biết, ứng xử tình huống sư phạm, bài thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm…
Theo chúng tôi nhận định, những nội dung, tiêu chuẩn đưa ra đánh giá, đánh giá, chấm điểm như vậy là toàn diện, khoa học, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của hoạt động chuyên môn và công tác quản lý chủ nhiệm hiện nay.
Mục tiêu chính của các hội thi này cũng được khẳng định rất rõ ràng, mang tính nhân văn, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua của trường và của ngành, động viên, khuyến khích giáo viên tự rèn luyện, sáng tạo, học tập, nâng cao trình độ; phát hiện, tổng kết, phổ biến, nhân rộng những phương pháp giảng dạy và giáo dục hiệu quả, các kinh nghiệm thiết thực và bổ ích trong các hoạt động giáo dục ở các nhà trường phổ thông.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Thầy Ngô Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng, trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi), từng là thí sinh dự thi và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh nhiều lần bày tỏ: "Trong nhà trường, đối với thầy cô giáo mà không tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội thi dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi thì còn có ý nghĩa gì đâu. Tôi không đồng tình luồng ý kiến bỏ hẳn hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, vì những lý do nọ, lý do kia. Chúng tôi đến với Hội thi dạy giỏi nhiều năm trước đều xuất phát từ tự nguyện, tự giác, muốn thể hiện, khẳng định mình, chẳng có ai bắt buộc cả.
Sống và hòa mình vào "sân chơi” ấy, chúng tôi được học hỏi, giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ nhiều về chuyên môn, đặc biệt là phương pháp dạy học tích cực từ các đồng nghiệp trong trường, trường bạn trong tỉnh. Chuyên môn của tôi và nhiều đồng nghiệp khác ở đây càng ngày vững vàng, trưởng thành hơn, được giáo viên, học sinh ghi nhận, một phần là nhờ vào những đợt cọ sát, thi thố giáo viên dạy giỏi”.
Cô Nguyễn Thị Lê Minh, giáo viên môn Hóa, một trường THPT ở thành phố Đồng Hới ( Quảng Bình) cho biết: "Quy định, cách làm của cấp trên ban hành như thế là tốt, là ổn rồi. Vấn đề đặt ra ở đây là khâu thực hiện ở bên dưới. Đánh giá, bình bầu một cách công tâm, khách quan, chính xác, không có chuyện tiêu cực, dễ dãi, nể nang, “quan hệ” chi phối nhau thì có sao đâu, đâu ra đó cả.
Tôi thấy có nhà trường, giáo viên còn nặng thành tích, danh hiệu quá mà nảy nảy sinh những "chiêu" không đúng trong dự thi và có hiện tượng một số giáo viên thi bị hỏng, đâm ra cay cú, bực tức tung tin chỉ trích, nói xấu ban tổ chức, giám khảo hội thi đủ điều…làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng, bị thổi phồng theo chiều thiếu lành mạnh. Cái này lỗi thuộc về cách nhìn nhận chưa đúng đắn của nội bộ, đồng nghiệp chúng ta”.
Đừng “ép” giáo viên đi thi dạy giỏi!
(GDVN) - Nhiều quan điểm cho rằng, việc tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp như lâu nay chúng vẫn làm chỉ là hình thức, là “đi diễn”, là sáo rỗng và đòi bỏ thi.
Nói công bằng, nhiều trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo lâu nay rất quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho anh, chị em giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi. Ngoài phần thưởng của Hội thi, các đơn vị còn đề nghị cấp trên xét công nhận các danh hiệu và xét nâng lương trước thời hạn, đề bạt các chức danh trong nhà trường… cho diện giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi các cấp.
Như vậy, theo chúng tôi đã là rất xứng đáng với thành tích của giáo viên đạt danh hiệu ấy. Có người bảo cần thưởng nhiều hơn nữa, đến vài tháng lương, nếu kinh phí Nhà nước cho phép thì tốt biết mấy. Có người đề xuất cách thức tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nên hướng tinh giản, chỉ dự giờ 1 tiết là đủ, miễn khai mạc, bế mạc, ban giám khảo về tại trường, người có đăng ký từ đầu năm, dự giờ xuất đột xuất, không báo trước, bỏ luôn đánh giá bài kiểm tra năng lực, sáng kiến kinh nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng…sẽ có kết quả thực chất, chính xác hơn.
Đúng là gọn nhẹ thật, song lại không đúng ý nghĩa của từ hội thi (nơi tụ hội, gặp gỡ, giao lưu, học hỏi…) và càng không đảm bảo tính toàn diện trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ này.
Phải có bài kiểm tra năng lực ( như nhiều nước đã, đang làm) để biết, đánh giá được mức độ kiến thức, phương pháp, khả năng giải quyết tình huống sư phạm qua một bài viết như thế nào?.
Thực tế, nhiều giáo viên đi thi hạn chế và “sợ” bài viết lắm. Sáng kiến kinh nghiệm cũng rất cần đối với nghiệp vụ nhà giáo, nhà khoa học; hội đồng chấm, ban giảm khảo cấp trường, cấp phòng, sở dành thời gian thẩm định cho chính xác, nghiêm túc thì sẽ có tác dụng, có giá trị, tại mình làm không hết trách nhiệm, cứ đổ thừa nó mông lung, khó khả thi, đòi bỏ đi.
Còn chuyện dự giờ đột xuất hay được báo trước, chuẩn bị trước, thực ra không có nhiều ý nghĩa. Có bài chuẩn bị trước, dạy thử, được đồng nghiệp góp ý năm, bảy lần, chưa hẳn đã dạy thành công. Tôi từng làm giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh mấy lần không lạ lẫm gì về tình huống đó.
Do chưa hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa của Hội thi cộng với bệnh chuộng thành tích, để được lãnh đạo cấp trên khen ngợi tài quản lý của mình nên vẫn còn một số nhà trường, Ban giám hiệu ép buộc giáo viên phải đi thi, khiến họ bức xúc.
Từng là thí sinh đi thi giáo viên dạy giỏi, tôi thấu hiểu nhiều “nỗi khổ” của giáo viên khi bị ép, đi thi theo lượt, theo phiên. Hãy để họ “hữu xạ tự nhiên hương”, có nhu cầu từ chính họ thì tốt hơn nhiều.
Điều quan trọng nữa, trong mỗi thầy cô giáo đi thi và từng đạt giải cần tự nhận thức rằng hội thi, những danh hiệu ấy chẳng phải là cái đó quá ghê gớm, tồn tại mãi mãi, mà nó chỉ là cú hích, tiếp thêm động lực, năng lượng để thầy, cô dạy học, giáo dục học sinh tốt hơn nữa, không bao giờ chủ quan, tự mãn, bằng lòng với những cái đã đạt được.