Thêm hãng hàng không muốn bay: Bài học nhân sự từ Air Mekong

20/01/2015 09:16
Mai Anh
(GDVN) - Air Mekong thất bại do chi phí quá lớn cho nhân công, đây là yếu tố mà Globaltrans Air cần tính đến.

Mới đây, Cục Hàng không kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo việc Thủ tướng chấp thuận cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty Globaltrans Air.

Globaltrans Air là công ty cổ phần được thành lập vào tháng 7/2014 với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được Phòng Đăng ký kinh doanh TP.HCM cấp, các cổ đông sáng lập là những nhà đầu tư Việt Nam, vốn điều lệ 100 tỉ đồng (đáp ứng quy định về vốn tối thiểu của hãng hàng không).

Cục Hàng không nhận định, hồ sơ xin cấp phép của Globaltrans Air đầy đủ, hợp lệ, phương án đảm bảo có máy bay khai thác và tổ chức bộ máy đảm bảo khai thác máy bay theo quy định, đủ điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung.

Trước đó Globaltrans Air đã mua 2 máy bay Beech Craft KingAir B200 bằng vốn của công ty và bảo lãnh của ngân hàng. 

Hiện thị trường kinh doanh hàng không chung ở Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp là Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Vasco và Công ty Cổ phần hàng không Hải Âu khai thác. 

Máy bay Beech Craft KingAir B200 (Ảnh Vnexpress)
Máy bay Beech Craft KingAir B200 (Ảnh Vnexpress)

Việc có thêm hãng hàng không được cấp phép khiến những lo ngại cạnh tranh trên thị trường lao động kỹ thuật cao giữa các hãng hàng không được đặt ra. 

Đánh giá về khả năng này, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách cho rằng, hãng hàng không tư nhân sẽ có ưu thế hơn với nguồn vốn tự chủ không bị quy định như doanh nghiệp nhà nước, sẵn sàng trả cho đội ngũ lao động kỹ thuật cao một mức lương "khủng" cùng chế độ làm việc tốt.

Tuy nhiên với những hãng hàng không mới thành lập, để thu hút được lao động trình độ cao cũng cần có thời gian. Ngoài chế độ lương thưởng, chế độ nghỉ ngơi, những lao động trình độ cao cần nhìn thấy chiến lược phát triển của doanh nghiệp, hướng đi và xa hơn là khả năng chiếm lĩnh thị trường, nguồn tài chính.

Đồng quan điểm này ông Bùi Văn Quốc -  CEO Công ty Nghiên cứu và tư vấn Thị trường Quốc Việt cho rằng, cạnh tranh lao động kỹ thuật cao giữa Globaltrans Air và 3 doanh nghiệp là Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Vasco, Công ty Cổ phần hàng không Hải Âu sẽ không giống với các hãng hàng không dân dụng lớn. Bởi trong phân khúc kinh doanh hàng không chung là các hãng hàng không nhỏ với số lượng máy bay ít. Tuy nhiên sẽ xảy ra cạnh tranh về thị phần, từ đó sẽ cạnh tranh nguồn lao động. 

Thu hút lao động kỹ thuật cao vấn đề không chỉ lương cao. “Với lao động trình độ cao, họ muốn có mội trường làm việc tốt, ở đó mọi người được tôn trọng, được đối xử công bằng, và đặc biệt là họ có thể hiện ước mơ của mình, tầm nhìn của doanh nghiệp, cũng là tầm nhìn và định hướng của nhân viên”, ông Quốc nhìn nhận.

Một yếu tố khiến lao động trình độ cao thận trọng trong việc tìm công việc mới tại hãng hàng không mới khi vừa qua Bộ GTVT đã hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong).

Air Mekong thất bại do chi phí quá lớn cho nhân công, đây là yếu tố mà Globaltrans Air cần tính đến. Được biết Air Mekong phải trả những khoản chi phí khổng lồ cho nhân công. Riêng phi công người nước ngoài hiện nay khoảng 40 người, lương 5.000-6.000 USD một tháng, chưa tính các chi phí liên quan khác.

Bên cạnh đó việc lựa chọn 4 chiếc máy bay Bombardier CRJ-900 là sai lầm đầu tiên của Air Mekong trong cuộc chạy đua này. Vì với dung lượng 90 ghế/chiếc, nhưng Air Mekong phải chi không dưới 4 tỉ đồng/ngày để nuôi toàn bộ hoạt động của hãng.

So với loại có kích cỡ tương đương như Airbus A320, Bombardier CRJ900 chỉ chở được một nửa hành khách, trong khi giá thuê không rẻ hơn là bao. Phục vụ được ít khách, nhưng các chi phí về phi công, tiếp viên, dịch vụ mặt đất... hãng vẫn phải bỏ ra tương đương các loại máy bay khác.

Mai Anh