Nga còn bạn bè nào ở châu Âu sau khủng hoảng Ukraine?

20/01/2015 13:33
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ý và Hy Lạp là những người bạn trung thành nhất của Nga hiện nay, trong khi quan hệ với Séc, Slovakia, Hungary vẫn giữ được bình thường.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã tác động đáng kể tới quan hệ giữa Nga và các nước láng giềng châu Âu. Ngoại trưởng EU hôm 19/1 cho biết, liên minh cần phát triển một chiến lược tổng thể mới đối với Moscow sau khi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã gây chia rẽ đáng kể trong các nước châu Âu.

Tờ Lenta hôm 19/1 đăng tải bài viết chỉ ra những người bạn trung thành và đáng tin cậy của Nga ở châu Âu hiện nay.

Khủng hoảng Urkaine đã đẩy Nga thắt chặt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Khủng hoảng Urkaine đã đẩy Nga thắt chặt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, Ý và Hy Lạp là những người bạn trung thành nhất của Nga hiện nay. Điều này có được nhờ các bên cùng có chung lợi ích kinh tế và chính trị, truyền thống văn hóa và lịch sử, sự cảm thông lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Nga cũng vẫn giữ được mối quan hệ bạn bè với những nước châu Âu khác như Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary. Những người bạn này đều có ảnh hưởng tới chính sách của EU.

Ngoài ra, Moscow cũng có một số bạn bè trung thành khác ở Đức và Pháp, những người nhận ra sai lầm của EU trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và kêu gọi nới lỏng chúng.

Lenta cũng ngợi ca Serbia là một số ít nước châu Âu vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Moscow từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu bất chấp áp lực từ EU.

Cho đến thời điểm này, Serbia vẫn khéo léo cân bằng được mối quan hệ giữa Moscow và Brussels. Belgrade một mặt không từ bỏ chính sách hội nhập châu Âu, mặt khác đã từ chối bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án vụ sáp nhập bán đảo Crimea.

Các chính trị gia người Serbia đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này sẽ không chọn một trong hai, hoặc quan hệ với Nga hoặc quan hệ với EU. Tuy nhiên, Lenta cũng tỏ ra thất vọng rằng cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa thể đưa Nga tiến lại với Phần Lan và gây rạn nứt thêm tình bạn thân thiết với Berlin.

Mặc dù chính quyền Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb đã phản đối lệnh trừng phạt chống và khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ với Nga, nhưng vẫn tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow của phương Tây./.

Nguyễn Hường