"Sẽ có làn sóng Việt kiều đầu tư vào bất động sản"

23/02/2015 08:13
Mai Anh
(GDVN) - GS Nguyễn Mại đánh giá, hiện bất động sản đã mở ra cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà chắc chắn lĩnh vực bất động sản sẽ thu hút lớn đầu tư Việt kiều.

Dự án của đầu tư của Việt kiều: Thực tế cao hơn báo cáo

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có 51/63 tỉnh, thành phố trong nước có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài, với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào với tổng số vốn đầu tư lên tới 8,6 tỉ USD.

Con số 8,6 tỉ USD số vốn đăng ký đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của Việt kiều gần bằng một nửa nguồn vốn doanh nghiệp FDI đăng ký đầu tư kinh doanh vào Việt Nam năm 2014. Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2014 các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 20,23 tỷ USD.

Đánh giá số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam của kiều bào, GS Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, đó là doanh nghiệp đăng ký còn con số thực cao hơn rất nhiều, bởi nhiều Việt kiều gửi tiền đầu tư qua doanh nghiệp trong nước nên không thống kê theo số doanh nghiệp của kiều bào đầu tư.

GS Nguyễn Mại nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ảnh nguồn Intenet).
GS Nguyễn Mại nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ảnh nguồn Intenet).

"Trước đây khi làm về đề tài nghiên cứu quan hệ Việt – Mỹ có chương riêng về Việt kiều thống kê đã cao hơn nhiều con số 8,6 tỷ USD”, GS Nguyễn Mại cho biết.

Số vốn đăng ký đầu tư lớn nhưng theo GS Nguyễn Mại, hầu hết các dự án đầu tư của Việt  kiều có số vốn không lớn, số doanh nghiệp đầu tư hàng tỉ USD trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay, nó khác với các nước.

So sánh cụ thể GS Nguyễn Mại cho hay, so với Ấn kiều và Hoa kiều tiềm lực kinh tế của Việt kiều không bằng, nguồn đầu tư của Việt kiều về nước không lớn. Nguyên nhân không nằm ở cơ chế chính sách của Đảng nhà nước, bởi hiện nay về chính sách ưu đãi Việt Nam đang có chính sách thu hút đầu tư Việt kiều mà ít nước trên thế giới có được.

GS Nguyễn Mại cho rằng nhiều người vẫn phàn nàn về việc phân biệt chuyện ưu đãi giữa doanh nghiệp FDI lớn với doanh nghiệp trong nước. Nhưng điều này hiện nay không đúng, bởi thuế hiện nay đã quy định theo cùng một mức với chính sách như nhau.

Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư quy định thủ tục, quy định ưu đãi gần như bình đẳng trừ một số quy định mang đặc trưng của doanh nghiệp FDI như chuyển tiền vào, chuyển tiền ra, được quyền mua ngoại tệ…

Cụ thể ngoài ưu đãi thông thường, gần đây có thêm một số ưu đãi cho doanh nghiệp lớn như Samsung, Nokia, Microsoft… Những quy định ưu đãi này do Chính phủ quyết định và thường cao hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI lớn đầu tư trong nước.

“Trong khi đó với doanh nghiệp Việt kiều, chính sách ưu đãi thể hiện ở việc khi đầu tư vào Việt Nam, kiều bào có thể lựa chọn hai hình thức doanh nghiệp trong nước đầu tư hoặc doanh nghiệp FDI đầu tư. Đây là chính sách thông thoáng ít nước nào trên thế giới có được”, GS Nguyễn Mại cho biết.

Sẽ có làn sóng Việt kiều đầu tư vào BĐS

Theo GS Nguyễn Mại, phần lớn Việt kiều về nước đầu tư chủ yếu làm các dự án vừa và nhỏ. “Cho đến giờ theo tôi biết chưa có nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu USD, thường chỉ là vài chục triệu USD”, GS Nguyễn Mại cho hay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, đầu tư Việt kiều vào Việt Nam thường có hai loại: Thứ nhất hấp dẫn nhất phổ biết nhất bây giờ có lẽ là kiều hối, năm 2014 theo thông tin khoảng 12 tỉ USD, chắc là con số này thực tế sẽ cao hơn. Đầu tư kiều hối dưới dạng hỗ trợ gia đình nhưng chủ yếu gửi tiền về để chung vốn đầu tư kể cả trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ. Đây là kênh đầu tư sẽ có sự tăng trưởng ổn định với mỗi năm khoảng trên 10%.

Thứ hai kênh đầu tư trực tiếp của Việt kiều thông qua dự án sản xuất kinh doanh trong nước, trước hết hiện nay chính sách của mình ngoài ưu đãi chung như các doanh nghiệp khác chúng ta cũng có ưu đãi mà trên thế giới rất ít nước có. Cụ thể khi Việt kiều về đầu tư trong nước có thể lựa chọn theo hai hình thức doanh nghiệp trong nước đầu tư hoặc doanh nghiệp FDI đầu tư.

“Trước đây người ta lựa chọn nhiều theo hình thức doanh nghiệp FDI do có nhiều ưu đãi hơn, thủ tục ít phức tạp hơn. Nhưng từ khi mình có một luật doanh nghiệp chung, nhất là từ năm 2000 khi chúng ta có luật doanh nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân rất nhiều Việt kiều chọn đầu tư theo khuôn khổ pháp luật doanh cho doanh nghiệp trong nước”, GS Nguyễn Mại cho biết.

GS Nguyễn Mại đánh giá, hiện bất động sản đã mở ra cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà chắc chắn lĩnh vực bất động sản sẽ thu hút lớn đầu tư Việt kiều. Còn công nghiệp dịch vụ sẽ thu hút ít nguồn đầu tư.

Tương tự như số vốn đầu tư của Việt kiều GS Nguyễn Mại chỉ ra con số kiều hối thực tế được gửi về cao hơn so với báo cáo. Bởi con số báo cáo chủ yếu dựa vào kênh chính thức như ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Nhà nước cần có chính sách như thế nào để phát huy nguồn vốn kiều hối? GS Nguyễn Mại cho biết: Rất khó để nhà nước đưa ra chính sách cụ thể bởi ta nói đến 12 tỉ USD tiền kiều hối gửi về nhưng số tiền này là gộp của nhiều nguồn và hầu như người gửi đã có kế hoạch sử dụng nguồn tiền đó.

“Vấn đề quan trọng sau khi có luật đầu tư, luật doanh làm sao bộ máy nhà nước sau khi có luật thông thoáng không hạnh họe, doanh nghiệp Việt kiều, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để luật đầu tư có hiệu quả”, GS Nguyễn Mại kết luận.

Mai Anh