Chiều nay, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), với rất nhiều nhiều ý kiến sâu sắc đã được nêu ra.
Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc không quy định 4 thẩm quyền của Thủ tướng
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo hướng bám sát nội dung quy định tại Điều 98 Hiến pháp; đồng thời, đề nghị cân nhắc để không quy định về 4 thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ:
Giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm tại khoản 5 Điều 24.
Muốn thành "công bộc Thủ đô" sao khó thế!
Tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại khoản 6 Điều 24.
Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân tại khoản 9 Điều 24.
Quyết định mô hình tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương; quyết định giải thể các tổng cục, cục khi thấy hoạt động không có hiệu lực, hiệu quả, hạn chế phình bộ máy; phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu bầu vào chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, cái gì Hiến pháp giao thì dự án luật phải thể hiện rõ để thi hành, còn không giao thì không viết. Hiến pháp quy định khi cấp trưởng có chuyện thì cử cấp phó tạm nắm quyền, ví dụ một Bộ trưởng điều động đi thì cử Thứ trưởng thay, Thủ tướng đi vắng có Phó Thủ tướng thay quyền giải quyết công việc, đồng thời đặt câu hỏi: "Giờ thêm Thủ tướng được giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng thì ai đưa ra đề nghị?".
Chủ tịch Quốc hội: "Cứ đẻ ra một tướng là thêm quân thôi". Ảnh: TTBC. |
Nói về cơ cấu tổ chức bộ máy từ Trung ương tới địa phương, cụ thể về cấp phó, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: "Đối với cấp bộ không quá 5 phó, cấp Tổng cục không quá 3, các Cục và Vụ không quá 2. Đối với Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh không quá 2. Đối với UBND cấp tỉnh thì không quá 4, cấp Sở không quá 3. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh không có cấp phòng, nếu phải có phòng thì không có phó. Đối với cấp huyện, UBND cũng không nên quá 2... Như vậy, Chính phủ sẽ căn cứ vào tính chất đa ngành, đa lĩnh vực đối với cấp bộ để quyết định số lượng; cấp địa phương thì cũng căn cứ vào đa ngành, đa lĩnh vực và địa bàn".
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát lại dự án luật, đảm bảo “đạt lý thấu tình”, đồng thời chỉ rõ: "Cứ nói tinh giảm biên chế là tinh giảm ngay ở chỗ này, đi theo đó là không có nhiều tướng thì sẽ ít quân thôi. Cứ đẻ ra một tướng là thêm quân thôi".
"Các đồng chí chép lại Hiến pháp thôi, nhưng chép lại không đúng"
Nêu ý kiến ở góc độ quốc phòng an ninh, ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu ra Điều 17, 18 và nhận định “không bám sát Hiến pháp”.
Ông Khoa cho hay: "Tôi nói thí dụ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, không phù hợp với Hiến pháp. Các đồng chí chép lại Hiến pháp thôi, nhưng chép lại không đúng. Quy định tại Điều 66: Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Nhà nước có phải Chính phủ không? Theo tôi là không phải. Hiến pháp 2013 khác với Hiến pháp 1992. Hiến pháp 1992 có quy định Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, nhưng Hiến pháp 2013 chỉ có việc quản nhà nước thôi thì phải cụ thể hóa cái gì là quản lý nhà nước cho nó đúng".
Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt ra vấn đề: "Khi thảo luận Đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề Văn phòng Chính phủ có phải là siêu bộ không? Cái này liên quan tới việc cải cách hành chính, liên quan đến việc đảm bảo rút ngắn thời gian, sau khi các bộ ngành tham mưu rồi thì Văn phòng Chính phủ lại soát xét lại lần nữa, thì quá trình này nhiều khi cũng kéo dài một hai tháng trời. Tôi nghĩ cái này chức năng cần phải làm rõ ra".
Ông Phúc đồng thời đề nghị xem lại cách gọi hiện nay và đề nghị gọi là “Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ” thay cho “Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”.
Vẫn xoáy sâu vào Điều 17, 18, ông Khoa nói: "Tôi đề nghị các đồng chí phải thể hiện đúng chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các đồng chí đưa là 'Hiện đại hóa lực lượng vũ trang' vậy thì nghị quyết nào của Đảng ghi thế không? Tôi cũng chưa được nghe bao giờ".
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, luật phải được soạn thảo đảm bảo đúng theo chủ trương của Đảng, thống nhất quy định cụ thể trong Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống luật pháp.
Ngoài ra, khi đề cập tới cơ cấu tổ chức “cơ quan ngang bộ”, ông Nguyễn Kim Khoa (đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật), đã nói thẳng: "Hiến pháp quy định cơ cấu tổ chức Chính phủ gồm tổ chức nào thì chúng ta đưa, không phải cơ cấu tổ chức Chính phủ thì không nên đưa. Thí dụ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các học viện, các viện nghiên cứu… theo khoản 1 Điều 95 Hiến pháp không có những đối tượng này. Cụ thể, Chính phủ gồm gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định".
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội như thế nào?
Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu vấn đề, nhiều Đại biểu băn khoăn về Luật tổ chức Chính phủ. Cụ thể ở Điều 2 nói: Tổ chức của Chính phủ, bao gồm các bộ; Các cơ quan ngang bộ; Chính phủ trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ.
Ông Hiển đặt câu hỏi: "Vậy sau bao nhiêu năm tổng kết đánh giá vai trò trách nhiệm của từng bộ, trong khi đến giờ phút này chưa xác định được có bao nhiêu bộ? Vậy tại sao chúng ta không quy định thẳng ở đây, có nhiều bộ rất ổn định như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… quy định thẳng vào luật. Ngoài ra còn những bộ khác thì trình với Quốc hội thêm hoặc bớt thì có ổn định hơn không? Chính sự ổn định này của luật pháp cũng góp phần ổn định cho bộ máy của chúng ta.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vậy thì Chính phủ chịu trách nhiệm cái gì trước quyết định của mình? Cái này có thể hiện trong luật này không, theo tôi phải thể hiện... ghi vào đây thì mới thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp".