Mới đây (hôm 16/1/2015), dư luận vừa lên tiếng, phát giác sự việc, 12/24 con dê bỗng dưng "chui" vào trang trại ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa). Câu chuyện cũng cho thấy lãnh đạo huyện này đã gương mẫu đến mức nào?
Trong số 24 con dê được Thị xã Bỉm Sơn bàn giao cho huyện Thạch Thành để hỗ trợ các hộ nghèo xã Thành Yên, với hy vọng giúp dân thoát nghèo, thì có đến một nửa số lượng bỗng dưng “chui” vào trang trại ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy Thạch Thành. Điều đáng nói là ông Quý không thuộc đối tượng được cấp dê.
Việc cấp "nhầm" dê cho Bí thư Huyện ủy Thạch Thành chỉ được phát hiện sau nửa năm khi có đơn tố cáo của người dân.
Lý giải cho việc cấp "nhầm" dê vào nhà ông Bí thư huyện ủy, ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã Thành Yên “hồn nhiên” giải đáp: “Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc vì trang trại của bác ấy đã có hơn 70 con dê. Tại Trạm trưởng khuyến nông huyện phân bổ thế, xã thấy cũng chẳng đáng là bao nên cũng ký xác nhận”.
Còn Ông Đỗ Minh Quý – Bí thư huyện ủy Thạch Thành thì cho rằng, việc cán bộ xã đưa 12 con dê vào trang trại, ông có biết nhưng nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án như bao nhiêu hộ khác (mỗi hộ hơn 10 con) chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của Bỉm Sơn tặng cho các hộ dân nghèo ở xã Thành Yên.
“Huyện xin được dự án phát triển chăn nuôi giúp đồng bào huyện miền núi này thoát nghèo, Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ cho huyện 2,6 tỉ đồng, tỉnh hỗ trợ thêm 600 triệu đồng. Tôi tưởng số dê đó thuộc dự án này. Là lãnh đạo huyện, tôi làm mô hình để bà con theo chứ không có chuyện làm kinh tế trang trại”, ông Quý lý giải.
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Ông Quý bảo: “Sở dĩ có chuyện cấp nhầm nguồn dê giống cho ông là do cán bộ khuyến nông muốn mô hình trang trại của ông nhanh thành công làm mẫu cho bà con để tiếp tục phát triển dự án, sau khi có dê từ dự án mới cấp lại cho hộ nghèo”.
Nếu nghĩ được như thế thì nhân dân được nhờ quá! đàng này ông Quý lại thương dân, lo cho dân đến mức, đem cả dê được được cấp cho hộ nghèo mang về nhà “nuôi hộ”. Nhưng nếu dân không tố cáo thì 12 con Dê đó liệu có được trở về với “chính chủ” của nó?
Cũng thật lạ “dự án phát triển chăn nuôi giúp đồng bào huyện miền núi thoát nghèo”, đối tượng là đồng bào nghèo ở miền núi lại được đích thân ông Bí thư đứng ra để làm. Chả nhẽ, ông Quý lại nghèo đến mức, cần "công cụ" giúp thoát nghèo? Trong khi đó, nhiệm vụ, trọng trách ông được giao phó đâu phải là chuyện ông “xắn tay áo” để...nuôi dê.
Bằng chứng 12 con dê chui tọt vào trang trại ông Quý sờ sờ ra đấy, trong khi “quan” huyện nói một đường, “quan” xã lại nói một nẻo. Việc ông Quý cho là “nhầm” lẫn ấy cũng thật khó tin. Bởi, làm đến chức Bí thư - lãnh đạo của một huyện, chẳng lẽ ông không biết, không quan tâm gì đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyện giúp hộ nghèo thoát nghèo của huyện? Nếu cái sự “nhầm” ấy mà không bị “bắt thuế”, có lẽ ai ai cũng thích được “nhầm” như ông Quý.
Theo thống kê, xã Thành Yên có 840 hộ, thì có tới 252 hộ nghèo. Việc 12 con dê bị “cấp nhầm” xét cho cùng giá trị kinh tế cũng chẳng đáng gì so với số dê trong chuồng nhà ông Bí thư này đang sở hữu. Nhưng đối với hộ nghèo nó là cả một tài sản lớn, là “cần câu cơm” giúp dân có cơ hội thoát nghèo. Thế mà họ cho là “chẳng đáng là bao”, rồi lấy bằng được của người nghèo để chia cho người có điều kiện hơn. Đúng là “nước chảy chỗ trũng”, dân nghèo thì vẫn nghèo.
Nếu 12 "chú" dê ấy có ý thức, biết được phải – trái như con người, chắc nó cũng chẳng bị “bắt nạt” dễ đến mức như thế. Để rồi, đến khi sự việc vỡ lở “ông huyện” lại phải chịu tai tiếng. Cũng chính ông Quý đã chỉ đạo cấp dê ngay lại cho các hộ nghèo sau khi thông tin bị lộ vào ngày 12/1.
Từ chuyện này, ngẫm ra câu nói của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: "Người ta ăn của dân không từ một thứ gì nữa” thật thấm thía.