Trang Lenta của Nga mới đây cho biết, Vua Abdullah bin Abdul Aziz al Saud của Ả Rập Saudi, người vừa qua đời vào sớm ngày 23/1 đã nhập viện vào ngày cuối cùng của năm 2014.
Ban đầu, Hoàng gia thông báo rằng Vua Abdullah nập viện để kiểm tra. Nhưng sau đó xác nhận rằng ông đang điều trị viêm phổi bằng thuốc kháng sinh.
Vua Abdullah. |
Thách thức của người kế vị
Tình trạng sức khỏe của Vua Abdullah không chỉ thu hút sự quan tâm lớn của công chúng nước này và còn cả các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi Washington và Riyadh có quan hệ gắn bó chặt chẽ từ lâu và vì Ả Rập Saudi có một vai trò nổi bật trong cuộc chiến chống IS của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Theo Reuters, Vua Abdullah được đánh là một nhà cải cách thận trọng. Người kế vị ông, Vua Salma được cho là có khả năng tiếp tục kiên trì với những nỗ lực của người tiền nhiệm trong hai thập kỷ qua thuyết phục các giáo sĩ bảo thủ chấp nhận sự thay đổi thận trọng nhằm điều hòa các truyền thống Hồi giáo với những nhu cầu của nền kinh tế hiện đại.
Vua Abdullah đã kiên quyết phản đối các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở các nước láng giềng trong phong trào Mùa xuân Ả Rập, phản ánh mối lo sợ của nước này rằng sự sụp đổ của đồng minh cũ có thể tạo ra cơ hội cho các đối thủ trong khu vực Iran và al-Qaeda.
Vua Salma, cũng sẽ tiếp tục đối phó với một loạt những thách thức nghiêm trọng của Ả Rập Saudi trong bối cảnh hiện nay như giá dầu sụt giảm, sự cạnh tranh từ Iraq về vai trò lãnh đạo trong khu vực, tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động trẻ trong nước đang gia tăng, mối đe dọa của khủng bố IS.
Tranh giành quyền lực
Hoàng tử Salma vừa trở thành Vua Ả Rập Saudi sau khi người tiền nhiệm qua đời. |
Theo truyền thống tại Ả Rập Saudi, Nhà vua sẽ nắm quyền Thủ tướng và Thái tử là người đảm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng thứ nhất. Chức Phó thủ tướng thứ hai thuộc về người thứ hai có khả năng trở thành vua. Hai Phó thủ tướng này cũng lần lượt là hai người kế vị tiềm năng nhất của Nhà vua.
Mặc dù quy định là thế nhưng không phải lúc nào nó cũng diễn ra một cách suôn sẻ. Các cuộc chiến tranh giành quyền lực vẫn âm thầm diễn ra bên trong hoàng gia giữa con cái của nhà vua, anh em nhà vua và con cái của họ.
Cuộc tranh giành quyền lực trở nên phức tạp khi nhà vua đầu tiên của nhà nước Ả Rập Saudi hiện đại, Sultal Abdul Aziz Al Saud qua đời vào năm 1953 đã thành lập hệ thống "ngang quyền" thừa kế bằng cách chọn con trai của một trong những anh em của mình làm người kế vị.
Vua Abdullah là con trai của người vợ thứ 8 của người sáng lập vương quốc. Bà là hậu duệ của bộ tộc Bedouin Shammar. Sự lên ngôi của ông cũng đã từng gây ra nhiều tranh cãi và Abdullah chiếm một vị trí đặc biệt trong số các gia đình hoàng gia, vì chỉ có ông là không có anh em cùng cha cùng mẹ.
Hoàng tử Muqrin. |
Khi lên ngôi, Vua Abdullah đã bổ nhiệm Hoàng tử Muqrin làm Phó thủ tướng thứ hai, sau Salma - một người em cùng cha khác mẹ. Hoàng tử Muqrin là con trai thứ 35 của người sáng lập đất nước với một phụ nữ Yemen, Baraka al Yamaniyah - người vợ thứ 18 của ông.
Hoàng tử Muqrin 69 tuổi được giáo dục tốt, sự chăm sóc của cha và có tính cách phóng khoáng. Ông đã tham dự Học viện Không quân ở Anh, là một phi công quân sự, và sau đó trở thành Thống đốc Ha'il ở tuổi 35 và đảm nhiệm vị trí này trong 20 năm sau đó. Sau khi lên nắm quyền, Vua Abdullah đã bổ nhiệm ông đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia.
Phương Tây và đặc biệt là ở Mỹ sẽ thích Muqrin trở thành người thay thế Vua Abdullah hơn. Tuy nhiên, khả năng này trong thực tế đã không xảy ra và cũng từng được cho là không có hy vọng vì nhiều thành viên cấp cao trong hoàng gia Ả Rập Saudi đều phản đối do cuộc hôn nhân của mẹ ông với người sáng lập đất nước không được công nhận chính thức.
Tuổi tác của Vua Salma cũng đã cao, sức khỏe cũng đã yếu nên việc tìm kiếm người kế vị cũng sẽ sớm trở thành đề tài nóng.
Người kế vị thứ hai
Vua Salman sẽ phải thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của ông sau khi lên ngôi là chỉ định 2 người kế nhiệm của mình. Trong tuyên bố vào sớm ngày 23/1, ông đã chỉ định Hoàng tử Muqrin là người kế vị thứ nhất của mình.
Hoàng tử Abdullah bin Mutaib. |
Vài trăm thành viên Hoàng gia Ả Rập Saudi đều có thể thở thành người kế vị thứ hai. Tất cả đều được giáo dục tốt và đầy tham vọng, không bị đè nặng bởi sự trung thành quá mức với truyền thống và sự tận tâm với luật Hồi giáo nghiêm ngặt. Vì vậy, cuộc cạnh tranh vào vị trí người kế nhiệm sẽ diễn ra mãnh liệt ngay từ lúc này.
Ứng cử viên nặng ký nhất trong số này là Hoàng tử "trẻ", con trai thứ hai của Vua Abdullah, Hoàng tử Abdullah bin Mutaib, 61 tuổi. Ông từ lâu đã làm việc như một cấp phó của cha mình, chỉ huy lực lượng Cảnh sát Quốc gia. Vua Abdullah đã cố gắng xây dựng uy tín cho con trai mình trong những năm qua. Trong năm qua, ông đã nhiều lần thay mặt cha mình thực hiện nhiều chuyến đi đến các nước láng giềng và phương Tây, dẫn đầu đoàn đại biểu chính thức.
Người nắm giữ ảnh hưởng và quyền lực lớn không chỉ ở trong nước mà còn cả ở bên ngoài là con trai của cố Hoàng tử Nayef, 59 tuổi. Mohammed bin Nayef. Ông cũng là một cấp phó của cha mình, hơn ba thập kỷ đứng đầu Bộ Nội vụ.
Trong tháng mười hai năm ngoái, Mohammed đã đến Washington, nơi ông gặp gỡ với Giám đốc CIA John Brennan, cố vấn Tổng thống về an ninh quốc gia Susan Rice và Ngoại trưởng John Kerry. Nhiều nhà phân tích xem những chuyến đi của ông như sự tranh thủ ủng hộ cho vị trí nhà vua tương lai.
Một hoàng tử có ảnh hưởng khác nữa là con trai của Vua Salman, Mohammed bin Salman. Ông là một cố vấn của cha mình, chỉ huy của lực lượng vũ trang của vương quốc và là một thành viên của chính phủ. Nhiều khả năng, Vua Salman sẽ chọn con trai làm Phó thủ tướng thứ hai và bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Quốc phòng thay thế vị trí trống của mình khi lên ngôi./.