Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Phùng Tấn Viết cùng đại diện lãnh đạo các ngành liên quan, chiều ngày 27/1, đã có buổi đối thoại với hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng từ khi Đà Nẵng xây dựng cầu vượt ngã ba Huế.
Trước đó, như Báo GDVN đưa tin, các hộ dân số nhà từ 625 đến 725 phía Nam đường Điện Biên Phủ (phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp tới chính quyền TP Đà Nẵng để phản ánh về việc cuộc sống của họ bị đảo lộn sau khi có dự án xây dựng công trình cầu vượt ngã ba Huế.
Sau đó, sáng ngày 23/1, hàng chục hộ dân đã kéo đến công trình ngăn cản đơn vị thi công để đòi quyền lợi vì theo họ thành phố hứa khi nào xây xong cầu thì sẽ đền bù và giải quyết mọi kiến nghị, quyền lợi. Nhưng nếu cầu xây xong mà không ai đứng ra giải quyết thì họ biết kêu với ai.
Các hộ dân bị ảnh hưởng từ khi thành phố xây dựng cầu vượt ngã ba Huế tại buổi đối thoại |
Nhằm ổn định tư tưởng cho các hộ dân sống xung quanh vùng bị ảnh hưởng khi xây dựng cầu vượt, chiều 27/1, tại trụ sở UBND phường An Khê, quận Thanh Khê, đích thân Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cùng lãnh đạo các ban ngành đã có buổi đối thoại với 65 hộ dân nhằm tìm ra tiếng nói chung để tiến độ công trình được đảm bảo như dự kiến.
Tại buổi đối thoại, ông Phạm Đình Thi (trú số nhà 721 Điện Biên Phủ) bức xúc nói: "Gia đình tôi đã nhiều lần bị giải tỏa để làm đường Điện Biên Phủ đẹp như hôm nay, rộng 48m, vỉa hè 6m. Nhưng từ khi xây cây cầu vượt ngã ba Huế chạy qua diện tích mặt đường thì chỉ còn lại mỗi bên 7m và lề đường còn lại 4,5m. Nên thành phố phải có mức đền bù hợp lý cho người dân chúng tôi. Ngoài ra, trong quá trình thi công cầu, đã gây chấn động đến gia đình tôi khiến toàn bộ bê-tông, cốt thép, sàn, trụ, dầm...bị nứt nẻ, sống trong nhà mà lo sợ bị sập. Thành phố cần phải có hướng giải quyết cho chúng tôi".
Ông Phạm Đình Thi: "Thành phố phải có mức đền bù hợp lý cho người dân chúng tôi" |
Anh Đặng Văn Mỹ (số nhà 713 Điện Biên Phủ) cho biết đa số người dân ở đây muốn đi chỗ khác để ở vì không thể sống nổi khi trước mặt nhà mình là cây cầu vượt. "Chúng tôi đề nghị thành phố tính toán lại chênh lệch giá trị lô đất trước đây và hiện nay nếu cho chúng tôi ở lại, còn không là giải tỏa chúng tôi đi hết đi", anh Mỹ nói.
Trong lúc đó, ông Nguyễn Văn Hưng (số nhà 695 Điện Biên Phủ) thì lo lắng: "Trước đây khi chưa có cầu vượt ngã ba Huế thì nhà tôi có trị giá khoảng 4-5 tỷ đồng. Từ khi xây cầu vượt lên, giá chỉ còn 1,5-2 tỷ mà cũng không có ai dám mua. Gia đình tôi anh em đông, có nhà mặt tiền để mong buôn bán, làm nghề kiếm sống. Giờ ở lại đây không biết làm gì vì kinh doanh buôn bán không được. Con cái thì bị bệnh vì bụi quá nhiều...Chúng tôi mong thành phố bồi thường thỏa đáng và bố trí đất tái định cư tương xứng chứ không thể sống dưới gầm cầu được nữa".
Anh Đặng Văn Mỹ: "Chúng tôi đề nghị thành phố tính toán lại chênh lệch giá trị lô đất trước đây và hiện nay nếu cho chúng tôi ở lại, còn không là giải tỏa chúng tôi đi hết đi" |
Sau khi nghe các ý kiến của nhiều hộ dân, ông Võ Văn Thương, Chánh VP UBND TP Đà Nẵng cho biết thành phố Đà Nẵng đã giải tỏa đền bù mười mấy năm nay rồi nhưng chưa bao giờ giải quyết theo giá đất thị trường. Nếu đền bù thì chỉ đền bù giá đất theo giá nhà nước.
Tuy nhiên, một số hộ dân trước đây mua lại những lô đất ở đường Điện Biên Phủ (không thuộc diện bố trí tái định cư - PV) nhằm mục đích để mở kinh doanh buôn bán với giá cao ngất ngưỡng, bây giờ bỗng dưng có cầu vượt chạy qua, cơ hội kinh doanh không còn, giá đất rớt thê thảm, phản biện lại: "Khi chúng tôi mua đất ở đây theo giá thị trường rất cao, giờ thành phố nói đền bù theo giá nhà nước thì không thể chấp nhận được. Nếu như thế thì chúng tôi thiệt hại nặng nề. Đề nghị thành phố nghiên cứu đền bù giá cho hợp lý", một hộ dân phát biểu.
Cuộc sống nhiều hộ dân bị ảnh hưởng từ khi thành phố xây dựng cầu vượt. Họ mong muốn được đền bù hợp lý hoặc được bố trí tái định cư nơi khác tương đương để ổn định cuộc sống |
Chia sẻ với những khó khăn mà hàng chục hộ dân gặp phải khi thành phố xây dựng cây cầu vượt ngã ba Huế, ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Đây là công trình trọng điểm của thành phố vì mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, tác động môi trường...nhưng kinh phí hết sức khó khăn.
Để cây cầu đạt được tiến độ nhanh như hiện nay, thời gian qua thành phố đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của rất nhiều hộ dân sống xung quanh dự án. Dự kiến ngày 29/3/2015 cây cầu sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng.
"Thành phố mong muốn người dân ủng hộ, giúp cho thành phố triển khai thi công xây dựng cầu kịp tiến độ. Đây là công trình công cộng vì thế thành phố sẽ lập Hội đồng đánh giá để có mức đền bù hợp lý cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Chậm nhất đến ngày 15/2/2015 sẽ chốt mức giá đền bù. Còn đối với nhà dân bị ảnh hưởng do dư chấn trong khi thi công, chúng tôi đã giao các ngành liên quan bắt đầu từ ngày mai (28/1) sẽ xuống tận từng nhà để kiểm định hư hỏng, bà con yên tâm. Mong bà con ủng hộ cho thành phố để đơn vị thi công sớm hoàn thành công việc", ông Viết nói.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết: "Thành phố mong muốn người dân ủng hộ, giúp cho thành phố triển khai thi công xây dựng cầu kịp tiến độ" |
Được biết, công trình cầu vượt nút giao thông ngã ba Huế được khởi công xây dựng vào ngày 28/9/2013 với tổng mức đầu tư giai đoạn một là hơn 1.700 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BT – xây dựng, chuyển giao.
Khi hoành chỉnh, công trình cầu vượt ngã ba Huế sẽ gồm 3 tầng, mỗi tầng 4 làn xe, bề rộng từ 15 đến 17m. Dự kiến công trình hoàn thành vào ngày 29/3/2015 đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng.