Theo báo cáo công bố ngày 27/1 trên trang web chính thức, Coface - Hãng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hàng đầu của Pháp, đánh giá Việt Nam và Sri Lanka là hai điểm sáng tích đáng chú ý nhất về môi trường kinh doanh và đầu tư trong năm 2015.
Coface cho rằng, Việt Nam đã phá vỡ được vòng luẩn quẩn của một nền kinh tế mới nổi, phát triển quá nóng khi tăng trưởng dựa trên bùng nổ tín dụng.
Đánh giá của Coface về thế mạnh và yếu của nền kinh tế Việt Nam. |
Việc đồng tiền của Việt Nam không có sự mất giá đáng kể nào trong vòng 3 năm qua và mức lạm phát giảm xuống chỉ còn 5,2% trong năm 2014 cũng là những yếu tố giúp Việt Nam được đánh giá có triển vọng tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên trong báo cáo, Coface cũng chỉ ra chi tiết các ưu, nhược điểm cũng như đánh giá về các rủi ro nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt trong năm 2015.
Theo đánh giá của Coface, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ được duy trì bởi sự tăng trưởng trong xuất khẩu và tiếp tục được hưởng lợi từ nền kinh tế Mỹ, một trong những đối tác thương mại hàng đầu.
Kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm điện tử đang gia tăng và Việt Nam hiện giờ là một trung tâm sản xuất tính bảng và điện thoại thông minh của các công ty Hàn Quốc.
Về nông nghiệp, do điều kiện khí hậu của năm 2014 khá thuận lợi nên xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước vẫn sẽ còn yếu, đầu tư trong nước tiếp tục đấu tranh với sự yếu kém của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các khoản vay không hiệu quả.
Lạm phát đã chậm lại trong năm 2014 và tiếp tục được kiểm soát trong năm 2015 nhờ vào việc tăng trưởng tín dụng chậm lại và sự sụt giảm giá cả hàng hóa. Tuy nhiên, Coface cảnh báo rằng nếu có sự nới lỏng chính sách tiền tệ, sẽ không loại trừ khả năng lạm phát sẽ tăng nhanh trở lại.
Ngoài ra, sự yếu kém về quản lý và chống tham nhũng có thể ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài.
Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong năm 2015 do sụt giảm lượng khách đến từ Trung Quốc và Nga./.